Nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, các ban, ngành cấp tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy, với tinh thần chủ động, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, UBND huyện đã lưạ chọn trọng tâm, trọng điểm, tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng, ban hành 07 nghị quyết, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình, đề án được tập trung triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kinh tế phát triển nhanh, ổn định và có tính bền vững. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đạt và vượt kế hoạch đề ra; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16,5%, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phấn đấu xây dựng Nghĩa Đàn trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An.
Thực hiện Chương trình “Ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ cao để phát triển nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2016- 2020”, Nghĩa Đàn đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện theo hướng ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện công nghiệp với 6 nhóm sản phẩm chủ lực là cây ăn quả có múi, mía, ổi, bơ, lúa, chăn nuôi quy mô lớn. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng thành công nhiều biện pháp kỹ thuật tưới nhỏ giọt theo công nghệ tiên tiến kết hợp hệ thống điều khiển tưới tự động, theo dõi các chỉ số độ ẩm, gió, lượng mưa,.. trên cây ăn quả; hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường như: vùng trồng cỏ, ngô nguyên liệu làm thức ăn gia súc; vùng nguyên liệu mía; vùng sản xuất rau, củ quả; các vùng cây ăn quả; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm: bơ, ổi, mật mía Làng Găng; dần hình thành một số vùng sản xuất gắn với du lịch sinh thái mang lại hiệu quả rõ nét. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 8,26%, cao hơn bình quân chung của tỉnh (5,04%). Giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng khá, đạt 126,8 triệu đồng/ha, sản lượng lương thực đạt 52.892 tấn, tăng 13,43% so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi đúng định hướng, từng bước phát huy thế mạnh của huyện nông nghiệp. Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển, từng bước thành một ngành chính trong nông nghiệp, chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại, trong đó có một số mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Trạm trộn bê tông Phủ Quỳ
Từ những nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình thu hút đầu tư gắn với phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện, Nghĩa Đàn tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; khôi phục, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 6.522 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 27,08%. Số doanh nghiệp trên địa bàn tăng từ 96 doanh nghiệp (năm 2015) lên 152 doanh nghiệp. Các dự án lớn đã đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả ... góp phần tạo sự dịch chuyển khá lớn trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và góp phần quan trọng để hình thành nên một trung tâm phát triển kinh tế mới của vùng. Thu ngân sách tăng nhanh so với đầu nhiệm kỳ và vượt kế hoạch dự toán UBND tỉnh và HĐND huyện giao hàng năm (năm 2016 đạt 102,036 tỷ đồng); năm 2019 đạt 246,881 tỷ đồng năm 2020 ước đạt trên 161 tỷ đồng.
Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An
Chương trình, mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân và có tính lan tỏa lớn. Từ đầu nhiệm kỳ chỉ có 2 xã Nghĩa Long, Nghĩa Bình đạt chuẩn Nông thôn mới, nhưng đến năm 2020, dự kiến có 14/22 xã (63,6%) được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (sau khi sáp nhập 3 xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Tân, Nghĩa Liên thành xã Nghĩa Thành). Tổng vốn huy động xây dựng Nông thôn mới đến hết năm 2020 dự kiến đạt trên 321 tỷ đồng.
Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, nghị quyết trong phát triển kinh tế, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban ngành tham mưu triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án phát triển văn hóa – xã hội, trong đó chú trọng tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI); Quan tâm thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020; Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020; Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Nghĩa Đàn”. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đảm bảo đáp ứng cơ bản yêu cầu khám, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trên lĩnh vực văn hóa xã hội có sự chuyển biến tích cực, từ đầu nhiệm kỳ có 40 trường, đến nay có 60/68 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 88,2%, trong đó có 7trường đạt chuẩn mức độ 2. Số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2015 là 18/ 25 xã; đến nay 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt và kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo từ 11,05% (năm 2015 theo đơn chiều) giảm xuống còn 2,69% (năm 2020 theo đa chiều); đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được đảm bảo…
Các hoạt động thể thao
Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong nhiệm kỳ vừa qua đã để lại những dấu ấn quan trọng trong hành trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đó là thành quả của tinh thần đoàn kết, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện nhà; đồng thời là kết quả của quá trình chỉ đạo kịp thời, chính xác của Ban Thường vụ Huyện ủy, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện. Đây chính là “lực đẩy” quan trọng để đưa kinh tế - xã hội đi đúng hướng và đạt được những kết quả nổi bật.
Bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn những hạn chế, tồn tại, đó là: vẫn còn một số chỉ tiêu không đạt so với nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVIII đề ra. Thương mại - dịch vụ chậm phát triển, tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế còn thấp. Kinh tế hộ gia đình chưa phát triển mạnh mẽ; đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực tài chính của huyện còn hạn hẹp. Kết cấu hạ tầng (hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế...) chưa đồng bộ...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ vừa qua, đòi hỏi các ban, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là:
- Tích cực, năng động thu hút đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển, tạo bước chuyển dịch quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Chú trọng liên kết đào tạo lao động có trình độ và kỹ năng phù hợp với nhu cầu trên địa bàn, tạo bước chuyển dịch lớn trong cơ cấu lao động địa phương.
- Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là các xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa con người Nghĩa Đàn, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tính năng động, sáng tạo, đổi mới để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.Và thực hiện các đột phá phát triển:Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là chất lượng nguồn nhân lực khu vực hành chính công cấp huyện và xã.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chuyển biến rõ nét về cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tiếp tụcthực hiện dồn điền đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp;xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với chuỗi liên kết, xây dựng nhiều mô hình liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp.
- Đa dạng hóa nguồn lực để tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nông thôn; hạ tầng phát triển thương mại - dịch vụ vùng trung tâm và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là động lực, là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn huyện vững tin bước vào nhiệm kỳ mới. Vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trước yêu cầu đổi mới và phát triển, song tin tưởng với sự đồng thuận, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân; sự đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của chính quyền các cấp; sự gương mẫu, tận tụy, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ là động lực để Nghĩa Đàn thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Võ Tiến Sỹ - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện