ĐẢNG BỘ HUYỆN NGHĨA ĐÀN – NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG . CHẶNG II: LÃNH ĐẠO KHỞI NGHĨA, GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930 - 1945)

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghĩa Đàn thắng lợi trọn vẹn và triệt để

    BUỔI BAN ĐẦU – BỠ NGỠ, KHÓ KHĂN, MẤT MÁT

    Tháng 10/1930, Chi bộ đảng đầu tiên ở Nghĩa Đàn đươc thành lập, đánh dấu bước khởi đầu cho vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trên đất Nghĩa Đàn. Vào cuối năm 1930, đầu năm 1931, những cuộc biểu tình, đấu tranh rầm rộ của Nhân dân ta ở các huyện miền xuôi trong Cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh bị Thực dân Pháp khủng bố dữ dội, theo chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh uỷ Nghệ An đã bí mật đưa một số cán bộ, đảng viên lên Nghĩa Đàn để ẩn náu và hoạt động, nhằm tránh địch, chống khủng bố trắng và xây dựng cơ sở.

    Đến đầu năm 1931, ở Nghĩa Đàn, ngoài các chi bộ do đồng chí Võ Nguyên Hiến tổ chức, trực tiếp chỉ đạo thì còn có một số chi bộ khác do cán bộ, đảng viên từ nhiều huyện miền xuôi lên xây dựng và hoạt động theo đầu mối riêng. Hai nhóm Cộng sản tồn tại và hoạt động cạnh nhau trong một thời gian. Tình trạng này vừa có mặt tích cực thúc đẩy nhau, vừa có sự hoài nghi, cản trở lẫn nhau.

   Trước tình hình đó, tháng 4/1931, tại vườn tre làng Lụi (xã Nghĩa Mỹ), đồng chí Nguyễn Công Hoè được cấp trên uỷ quyền đã đứng ra triệu tập cuộc họp giữa các đồng chí đảng viên ở miền xuôi lên và các đồng chí ở Thọ Lộc, Cự Lâm bàn kế hoạch thống nhất lãnh đạo và hoạt động, bàn việc thành lập các tổ chức hội quần chúng. Hội nghị hợp nhất tại làng Lụi (xã Nghĩa Mỹ) được đánh dấu là sự kiện ra đời của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn.

  Ngày 22/6/1931, lính đồn huyện do Chánh Trự chỉ dẫn đã về bao vây căn cứ của ta ở khe Thần. Chúng bắt được các đồng chí Nguyễn Linh, Lê Thạch, Lê Nguyệt và một số quần chúng, giải về huyện. Sau một thời gian tra tấn cực hình nhưng không khuất phục được tinh thần kiên trung của các chiến sỹ Cộng sản, ngày 13/7/1931, địch đưa ba đồng chí ra xử bắn ngay tại phiên chợ Sen. Một sự hy sinh mất mát lớn của phong trào cách mạng ở Nghĩa Đàn lúc bấy giờ, tác động không nhỏ đến tư tưởng và lực lượng của những người yêu nước trên địa bàn.

    Đến tháng 9/1931, hầu hết các đảng viên lần lượt bị bắt, bị đưa đi tù, bị hy sinh; số còn lại bị mất liên lạc, bị theo dõi, quản thúc. Phong trào cách mạng bị lắng xuống.

    KHÔI PHỤC TỔ CHỨC, GÂY DỰNG LẠI PHONG TRÀO

    Sau một thời gian, một số cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực không chịu ngồi yên, đã vận động nhân dân chống lại việc cướp đất của các chủ đồn điền. Phong trào diễn ra liên tục, quyết liệt nhưng kết quả giành được không tương xứng, do không có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ.

   Đầu năm 1934, đồng chí Võ Nguyên Hiến (sau này là Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ) đã lên tổ chức lại các chi bộ ở Nghĩa Đàn. Giữa năm 1934, trên cơ sở nhiều chi bộ đã được củng cố, khôi phục, theo sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Nghệ An, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã chỉ đạo thành lập lại Huyện uỷ để thống nhất lãnh đạo trong toàn huyện. Hội nghị đã nhất trí lập ra Ban Chấp hành mới do đồng chí Phan Đình Lại làm Bí thư.

   Sau khi Đảng bộ được khôi phục, các hoạt động tuyên truyền, xây dựng phong trào quần chúng, xây dựng tổ chức đảng được chuyển lên một cao trào sôi nổi mới. Phong trào đòi dân sinh, dân chủ, chống chủ đồn điền cướp đất lên cao. Hoạt động của các cơ sở cách mạng nửa bí mật, nửa công khai đã thu được nhiều kết quả tốt, nhất là các hội “Tương thân, tương ái”, các cơ sở “mật” ở trung tâm huyện lỵ được hình thành. Tuy vậy, sang đầu tháng 3/1940, nhiều cán bộ, đảng viên của ta lại bị địch bắt đưa đi tù đày như: Phan Đình Lại, Phan Hữu Khiêm, Nguyễn Đình Thạc, Trần Mật, Trần Ngọc Cán…. Đến giữa năm 1940, hầu như toàn bộ cơ sở đảng ở Nghĩa Đàn bị địch phá vỡ.

   CHỚP THỜI CƠ, LÃNH ĐẠO GIÀNH CHÍNH QUYỀN

   Từ năm 1941 đến đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Nghĩa Đàn bị lắng xuống bởi nhiều đồng chí đảng viên nòng cốt vẫn bị giam tù. Một số còn lại thì có tình trạng nghi ngờ, thiếu tin tưởng lẫn nhau hoặc bi quan, thất vọng, hoạt động cầm chừng.

    Đầu năm 1945, nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên bị cầm tù ở các  nhà lao khác nhau được trở về. Bị địch phá hoại nặng nề trong một thời gian dài, lại đang lúc đói kém, dịch bệnh hoành hành, các đồng chí mới ra tù đã tìm cách khôi phục tổ chức đảng và phong trào trào cách mạng, tìm cách cứu đói cho nhân dân.

   Thực hiện Chỉ thị của Trung ương: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, theo sự phân công của Việt Minh liên tỉnh, đồng chí Phan Hữu Khiêm đã lên Nghĩa Đàn chỉ đạo việc thành lập Mặt trận Việt Minh Nghĩa Đàn tại xóm Bàu (Nghĩa Khánh). Ban Vận động Mặt trận Việt Minh huyện gồm 9 người, do đồng chí Phan Hữu Khiêm làm Trưởng ban đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hoãn nộp sưu thuế, cứu đói cho dân và thành lập các đoàn thể cứu quốc, lực lượng tự vệ cứu quốc…

   Ngày 15/8/1945, nhận được lệnh Khởi nghĩa, đồng chí Phan Hữu Khiêm đã tổ chức ngay cuộc Khoáng đại hội nghị Việt Minh huyện tại xóm Mươi (Nghĩa Khánh). Hội nghị thống nhất chủ trương phát động nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong huyện. Uỷ ban khởi nghĩa được Hội nghị cử ra 5 đồng chí, do đồng chí Phan Duy Hiến phụ trách. Trong các ngày từ 17/8 đến 20/8, Uỷ ban khởi nghĩa huyện liên tục tổ chức các cuộc biểu tình, kéo lên huyện đường, hô khẩu hiệu, uy hiếp địch.

   Sáng ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Uỷ ban khởi nghĩa huyện, hàng ngàn quần chúng ở các xã và hàng trăm anh chị em công nhân đã đến tập trung tại Cây đa làng Trù (Vĩnh Lại). Sau hiệu lệnh 3 hồi 9 tiếng trống đại vang lên, các đồng chí trong Uỷ ban khởi nghĩa đã trực tiếp chỉ huy quần chúng giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ kéo về huyện lỵ. Tri huyện Hoàng Mộng Kham bị bắt; ấn, triện và các loại sổ sách bị tịch thu. Uỷ ban Nhân dân lâm thời huyện do đồng chí Phan Hữu Khiêm làm Chủ tịch và Uỷ ban Mặt trận Việt Minh do đồng chí Phan Duy Hiến làm Chủ nhiệm đã ra mắt công chúng trước niềm vui hân hoan mừng chiến thắng.

   Khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghĩa Đàn thắng lợi trọn vẹn và triệt để. Đây là kết quả chuẩn bị tích cực về mọi mặt của Mặt trận Việt Minh, của Uỷ ban khởi nghĩa huyện và sự đồng lòng, giúp sức, hăng hái nhiệt tình của nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn. Biết bao chiến sỹ cách mạng đã hy sinh, bị tù tội, mang thương tích suốt đời mới có được niềm vui lớn – Chính quyền đã về tay Nhân dân.

   (Còn nữa)

Phan Tiến Hải ( Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Nghĩa Đàn )

Các tin khác

CHẶNG III: XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN VỮNG MẠNH,  GÓP PHẦN  LÀM NÊN KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP THÀNH CÔNG (1945 – 1954)

CHẶNG III: XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN VỮNG MẠNH, GÓP PHẦN LÀM NÊN KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP THÀNH CÔNG (1945 – 1954)

ĐẢNG BỘ HUYỆN NGHĨA ĐÀN – NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG

ĐẢNG BỘ HUYỆN NGHĨA ĐÀN – NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG

Nghĩa Đàn tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số  144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW

Nghĩa Đàn tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu làm việc với Chi bộ Nhật Huy thuộc Đảng ủy xã Nghĩa Long

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu làm việc với Chi bộ Nhật Huy thuộc Đảng ủy xã Nghĩa Long

Niềm tin của người dân Nghĩa Đàn vào đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Niềm tin của người dân Nghĩa Đàn vào đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Người dân Nghĩa Đàn theo dõi Đại hội Đảng bộ tỉnh với những kỳ vọng mới

Người dân Nghĩa Đàn theo dõi Đại hội Đảng bộ tỉnh với những kỳ vọng mới

Thông báo kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Thông báo kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chương trình Văn nghệ chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chương trình Văn nghệ chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX nhiệm kỳ 2020 - 2025