Trong những năm gần đây, xuất khẩu lao động là lựa chọn của nhiều lao động ở Nghĩa Đàn. Qua đó giúp các hộ dân không chỉ xóa nghèo bền vững mà còn có một số vốn để đầu tư làm ăn sau khi về nước. Chính đòn bẫy từ XKLĐ đã giúp kinh tế nông thôn Nghĩa Đàn có nhiều bước khởi sắc.
Sau 5 năm xuất khẩu lao động có thời hạn ở Hàn Quốc, trở về quê, anh Phạm Quang Dương ở xóm 6 xã nghĩa Hưng đã mở một cửa hàng bán nội thất tổng hợp. Anh cho biết xuất khẩu lao động không chỉ tạo nguồn vốn cho gia đình làm ăn phát triển kinh tế mà còn giúp anh học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng cũng như tác phong làm việc của nước bạn. Anh Phạm Quang Dương chia sẻ: nếu như không đi xuất khẩu lao động thì không biết khi nào mình mới có 1 số vốn để mở cửa hàng. Nếu như lao động nào đi xuất khẩu lao động được ở Hàn quốc thì đó thật sự là môi trường làm việc lí tưởng, lương cũng đảm bảo. Hiện tại tôi thấy một số lao động địa phương sang làm việc ở Hàn Quốc lương cơ bản từ 50 đến 60 triệu đồng. Đây là cơ hội để kiếm tiền cũng như học hỏi phong cách làm việc của họ. Khi có một số vốn về làm ăn mình thấy tự tin hơn hẳn.
Sau khi đi XKLĐ về, anh Phạm Quang Dương đã có một số vốn để mở cửa hàng đồ dân dụng
Nghĩa Đàn có hơn 70 % dân số làm nông nghiệp, để có một số vốn hàng trăm triệu để đầu tư vào chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng hay chuyển đổi nghành nghề là vấn đề không đơn giản đối với nhiều hộ nông dân. Xuất khẩu lao động là hướng đi được các xã, thị trấn khuyến khích để tăng thu nhập. Riêng xã Nghĩa Hưng đến thời điểm này có 150 lao động đang làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…số lao động này đang giúp nâng cao thu nhập và chuyển hướng nghành nghề của xã. Ông Trần Văn Long, phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết thêm: xã cũng có định hướng giúp lao động có hướng đi xuất khẩu ở các nước như Nhất Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Về nguồn vốn để đi thì xã phối hợp với các kênh ngân hàng, tạo điều kiện cho lao động có thể đi xuất khẩu một cách thuận lợi nhất.
Hiện nay huyện Nghĩa Đàn có 87.200 lao động. Hàng năm huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm giúp người lao động nắm thêm các thông tin về thị trường lao động, học nghề, các chính sách phúc lợi lao động; Đặc biệt, tại phiên giao dịch này có sự tham gia của những người đã từng đi xuất khẩu lao động để chia sẻ kinh nghiệm với những lao động có ý định đi xuất khẩu. Riêng năm 2017 Nghĩa Đàn có 715 người đi lao động tại nước ngoài, năm 2018 huyện tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm, giúp lao động có định hướng trong việc chọn thị trường cũng như lựa chọn các công ty đảm bảo uy tín.
Ông Võ Tiến Sỹ, phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Nghĩa Đàn xác định xuất khẩu lao động là hướng đi bền vững trong xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, những người đi xuất khẩu còn làm giàu cho quê hương và sau khi hết thời hạn lao động ở các nước, họ có một nguồn vốn để đầu tư làm ăn. Ngoài thu nhập cao gấp 4 gấp 5 lần so với thu nhập trong nước thì xuất khẩu giúp lao động học học phong cách làm việc của nước họ, về áp dụng vào thực tiễn cuộc sống sẽ hiệu quả hơn.
Nghĩa Đàn chú trọng mở các hội thảo XKLĐ để người dân nắm bắt thông tin từ đó chọn cho mình thị trường lao động phù hợp
Có thể nói XKLĐ là hướng đi hiệu quả trong giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực của huyện Nghĩa Đàn. Trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự phối hợp giữa các ban nghành, đoàn thể, địa phương với các doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ; Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho lao động có nhu cầu đi xuất khẩu, nhất là đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo.
Đinh Thùy - Đức Anh ( Đài Nghĩa Đàn )