Không ồn ào, hối hả như những công việc khác, những người làm nghề thủy văn ở trạm thủy văn Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn vẫn ngày đêm lặng lẽ, âm thầm, bất kể mưa nắng, gió bão để cập nhật và cảnh bảo kịp thời các hiện tượng thủy văn nguy hiểm xảy ra trong huyện. Qua đó giúp địa phương sẵn sàng ứng phó, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn. Trạm thủy văn Nghĩa Khánh có 5 cán bộ, quan trắc viên. Công việc hàng ngày của 5 thành viên nhìn rất đơn giản đó là đo mực nước, lượng mưa, thu thập những hiện tượng thời tiết bất thường. Tuy nhiên những ai trong nghề mới thấy được sự vất vả nhọc nhằn. Đối với họ những ngày mưa dông, sấm sét vẫn phải đội mưa ra sông bất kể ngày đêm để đo đạc các thông số về mưa, lũ, mực nước, dòng nước chảy không có gì xa lạ. Mỗi ngày các quan trắc viên quan trắc 4 lần, đối với mùa mưa, nước sông dâng cao thì anh chị em ở đây thức trắng đêm để lấy số liệu liên tục truyền đi 24/24 giờ. Vất vả, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng với những quan trắc viên ở đây tình yêu nghề đã giúp họ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh Trương Đức Phùng quê ở Thanh Hóa làm quan trắc viên ở đây đã 8 năm, anh cho biết những ngày đầu thật sự thấy công việc nhàm chán, suốt ngày chỉ làm bạn với sông nước. Buồn, xa nhà, nhiều khi anh lung lay ý chí nhưng rồi tình yêu nghề đã dần ngấm vào máu thịt, anh quyết tâm gắn bó với nghề thủy văn, quyết tâm lập gia đình ở đây và Nghĩa Đàn trở thành quê hương thứ 2 của anh. Anh Trương Đức Phùng chia sẻ: công việc thủy văn không nặng nhọc nhưng không kém phần nguy hiểm, cách đây 3 năm trời mưa bão, nước sông dâng cao, chúng tôi phải cập nhật số liệu 24/24 giờ, 1 lần tôi và đồng nghiệp ra giữa sông để đo mực nước, lưu lượng dòng chảy thì bị thì thuyền bị đứt cáp. Lúc đó rất nguy hiểm vì nước sông cuồn cuộn, chúng tôi đã bình tĩnh xử lý và vào bờ an toàn.
Đo mực nước sông là một trong những công việc của quan trắc viên
Nghề thủy văn đối với quan trắc viên là nữ thì phải nỗ lực hơn nhiều bởi đã là quan trắc thì không có ưu tiên, không chỉ những ngày nắng vào mùa mưa lũ các chị cũng phải xa gia đình để trực 24/24. Chị Hoàng Thị Hồng quê ở Quỳnh Lưu về công tác tại trạm thủy văn Nghĩa Khánh năm 1989. Đã nhiều lần chị suýt bỏ nghề bởi là phụ nữ làm việc xa nhà, lại ở nơi heo hút, trên là rừng, dưới là sông, công việc nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên tình yêu nghề đã tăng dần theo năm tháng, giờ thâm niên 27 năm, ngày nào không ra sông là chị nhớ. Chị Hoàng Thị Hồng chia sẻ: tôi lấy chồng ở đây là xác định gắn bó với công việc này lâu dài, phụ nữ làm nghề này vất vả hơn nam giới, giờ con lớn rồi không sao nhưng những lúc con nhỏ, đêm mình phải trực không về được hay những lúc mưa gió lụt lội ở nhà đều phó mặc cho chồng. Tuy nhiên chồng con cũng thông cảm, chia sẻ và động viên mình cố gắng, tạo cho mình có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mặc dù 5 cán bộ, quan trắc viên ở 5 miền quê khác nhau, tuy nhiên với sự nỗ lực cố gắng trong những năm qua trạm thủy văn Nghĩa Khánh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều đóng góp trong việc dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết thủy văn bất thường của địa phương. Ông Thái Doãn Sơn, trạm trưởng trạm thủy văn Nghĩa Khánh, trạm thủy văn Bắc Trung Bộ cho biết: thông tin sau khi thu thập được trạm xử lý gửi đi kịp thời. Để đảm bảo có những thông tin chính xác nhất, trạm thủy văn Nghĩa Khánh đã xây dựng các kế hoạch, phương án, chuẩn bị phương tiện vật tư cần thiết sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Mùa mưa bão sắp đến cũng là thời điểm vất vả nhất của các quan trắc viên. Tuy nhiên đến thời điểm này trạm thủy văn Nghĩa Khánh đã rà soát xong các công việc chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống lụt bão. Bên cạnh đó trạm luôn theo dõi sát mọi diễn biến thời tiết thủy văn để đảm bảo quan trắc đo đạc, thông tin kịp thời các hiện tượng thủy văn nguy hiểm xảy ra.
Những năm qua trạm thủy văn Nghĩa Khánh đã có nhiều đóng góp trong việc phòng chống lụt bão của Nghĩa Đàn nói riêng, Nghệ An nói chung
Nhờ những việc làm miệt mài kiên nhẫn “ đo mưa, đong nước sông” của cán bộ, quan trắc trạm thủy văn Nghĩa Khánh mà trong thời gian qua đã giúp Nghĩa Đàn chủ động được các biện pháp phòng chống thiên tai, diễn biến thời tiết bất thường. Qua đó góp phần giúp nhân dân chủ động trong sinh hoạt, sản xuất, hạn chế tối đa những thiệt hại xẩy ra do thời tiết.
Đinh Thùy - Đức Anh ( Đài Nghĩa Đàn )