Nhắc đến rác thải, có lẽ người ta chỉ nghĩ đến những thứ bỏ đi và khiến môi trường bị ô nhiễm. Thế nhưng bằng sự sáng tạo và áp dụng những nguyên lý, tính chất cơ bản từ các bộ môn khoa học trong nhà trường, em Nguyễn Thị Quỳnh Nhi, học sinh lớp 8, trường THCS Thị trấn Nghĩa Đàn (huyện Nghĩa Đàn) đã giành giải nhì cấp tỉnh cuộc thi KHKT dành cho cho học sinh trung học năm học 2017-2018, với dự án: Tìm hiểu nhận thức, hành vi về vấn đề rác thải, xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại trường THCS Thị trấn Nghĩa Đàn.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, rác thải không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà còn làm mất mỹ quan xung quanh. Nhận thấy nguồn chất thải rắn phát sinh tại các trường học là rất lớn và với mong muốn thay đổi nhận thức về hành vi về thu gom xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. Được sự giúp đỡ của các bạn học sinh, thầy cô giáo, cán bộ, công nhân nhà máy xử lý rác thải, Quỳnh Nhi bắt tay vào tìm hiểu thu nhập thông tin khảo thành phần rác thải trong trường học và khảo sát hiểu biết về chất rắn rác thải cũng như ý thức bảo vệ môi trường của các bạn học sinh để thực hiện ý tưởng của mình. Em Nguyễn Thị Quỳnh Nhi, học sinh lớp 8, trường THCS Thị Trấn Nghĩa Đàn chia sẻ: “Hiện nay vấn đề rác thải đang là vấn đề lớn được mọi người quan tâm, vẫn còn nhiều người chưa phân biệt được các loại rác thải, làm lãng phí nguồn tài nguyên này nên em đã nghiên cứu và xây dựng mô hình phân loại rác.”
Quỳnh Nhi trình bày dự án của mình
Để nâng cao nhận thức và kiến thức cho các bạn bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp dễ hiểu, bản thân Quỳnh Nhi đã tiến hành điều tra qua các hình thức tuyên truyền mà các bạn thích thú là phổ biến qua các giờ ngoại khóa. Việc thiết kế đa dạng các hình thức tuyên truyền sử dụng các tài liệu, tranh, ảnh, kết hợp với phổ biến vào các giờ ngoại khóa, nhờ các thầy cô lồng ghép vào các bài học để đạt hiệu quả cao nhất. Hầu hết các bạn đều chú ý ở các giờ ngoại khóa, tranh ảnh, bao gồm những nội dung chính: khái niệm về rác thải, sơ đồ thu gom, tác hại của rác thải đến môi trường, và phân loại rác thải tại nguồn là gì, cách phân loại rác, lợi ích và cách xử lý rác sau phân loại, trắc nghiệm… Sau khi tuyên truyền, 100% các bạn học sinh đã nhận thức được rác thải không phải là thứ bỏ đi hoàn toàn, nó có thể tái sử dụng, tái chế, tỉ lệ các bạn biết được tác hại của rác thải nếu không được thu gom và xử lý đúng đã tăng lên. Em Phan Đinh Linh Chi, lớp 9A, trường THCS thị trấn cho biết: “Khi tham gia vào công việc phân loại rác thải, em có thêm hiểu biết về vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống trong lành, có lợi cho sức khỏe. Giúp em có thêm kỹ năng tổ chức, phân công các bạn thu gom rác thải một cách hiệu quả nhất”.
Trong các giờ ngoại khóa Quỳnh Nhi đều tuyên truyền về cách phân loại và sử dụng rác thải
Từ ý tưởng của mình, được sự hướng dẫn của thầy cô giáo, Nguyễn Thị Quỳnh Nhi đã nghiên cứu thành công đề tài, giúp học sinh trong nhà trường dần thay đổi nhận thức và hành vi về thu gom, xử lý rác thải. Hiện nay, tại sân trường, các lớp học đều có các thùng rác để phân loại rác và rác sau khi phân loại được xử lý hợp lý. Mỗi thùng rác được dán nhãn khác nhau trong đó thùng thứ nhất đựng các rác tiết giảm như túi bóng, giấy kẹo, hộp xốp… không phân hủy được để công ty môi trường mang đi xử lý; thùng thứ 2 đựng các rác thải tiết kiệm như giấy vụn, đồ nhựa vỡ hỏng…có thể mang bán nhằm mục đích gây quỹ Đội; thùng thứ 3 đựng rác hữu cơ, là các loại rác có khả năng tự phân hủy như hoa quả, lá cây… để tái chế làm phân vi sinh sẽ được tập kết ở một hố phía sau trường. Thầy Võ Minh Thành – Giáo viên hướng dẫn cho em Quỳnh nhi cho biết thêm: “Khi Quỳnh Nhi nêu ý tưởng, tôi là giáo viên tôi thấy đề tài này phù hợp với năng lực học sinh cũng như có thể vận dụng các môn học vào thực tế được nên đã tận tình chỉ bảo, giúp em thành công đề tài này.”
Quỳnh Nhi hướng dẫn cách nhận biết các loại rác thải
Nhận xét về đề tài của em Nguyễn Thị Quỳnh Nhi, cô Quế Thị Oanh – Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Nghĩa Đàn khẳng định: “Thành công của đề tài đã giúp nhà trường tạo cho học sinh ý thức, cũng như tạo được thói quen trong việc thu gom để xử lý rác thải. Ngoài việc bảo vệ môi trường, từ mô hình này các em có thể tiết kiệm được nguồn thu từ rác thải tái chế .”
Có thể nói đề tài “Tìm hiểu nhận thức, hành vi về vấn đề rác thải, xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải” của em Nguyễn Quỳnh Nhi đã gặt hái được những thành công đáng kể và qua đó nhằm giáo dục tới toàn thể các bạn học sinh về phân loại rác thải tại trường học. Đặc biệt hơn là nhằm giáo dục cho các bạn học sinh về việc bảo vệ môi trường. Có ý thức nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường sống trong lành./.
Thu Hiền - Minh Thái ( Đài Nghĩa Đàn )