Nghĩa Đàn có khoảng 2800 ha lúa mỗi vụ và hơn 7000 ha mía và hàng nghìn ha cây ăn quả, hoa màu…điều này đồng nghĩa với việc sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Để thay đổi thói quen “ bạ đâu vứt đó” của người dân sau khi phun thuốc, Nghĩa Đàn đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, một số xã xây dựng các thùng đựng vỏ bao thuốc BVTV.
Anh Hà Văn Đông, xóm Nam Hòa, xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn làm nông nghiệp đã nhiều năm, mỗi vụ lúa vụ mía anh cũng phải phun thuốc trừ sâu vài lần. Trước đây xách thùng bơm, thuốc ra chỗ nào có nước, gần ruộng anh cũng như nhiều nông dân ở đây pha trộn rồi vứt ngay vỏ bao trên bờ, hoặc xuống mương nước, ai cẩn thận một tí thì gói lại trong bao ni lông. Tuy nhiên tất cả bỏ lại trên đồng ruộng, mùa mưa đến ruộng trên chảy xuống ruộng dưới, bao ni lông, vỏ bao, chai lọ thuốc BVTV ngổn ngang rất ô nhiễm. Tuy nhiên đó là chuyện của 4 năm về trước, từ năm 2014 chi hội nông dân huyện đã chỉ đạo xây dựng các thùng đựng bao thuốc ở các cánh đồng, vì vậy anh đã thay đổi thói quen. Sau mỗi lần phun thuốc, các vỏ bao bì được anh gói lại cẩn thần bỏ vào thùng được dựng ở ruộng. Anh Hà Văn Đông xóm Nam Hòa, xã Nghĩa Long chia sẻ: Nói thật khi mới lắp các thùng ở cánh đồng nhiều người cũng hay quên bỏ vào, vì trước giờ không quen. Nhưng được xóm thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở nên dần dần ai cũng ý thức được. Giờ thì bản thân tôi cũng như bà con ở đây phun thuốc BVTV xong là bỏ bao bì, chai lọ vào thùng ngay. Đến kỳ lại có người thu gom đi xử lý.
Các thùng đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt cố định nơi thuận tiện để người dân dễ bỏ bao thuốc vào
Xã Nghĩa Long có hơn 110 ha lúa, xã đã xây dựng 38 thùng đựng bao bì thuốc BVTV, mỗi xóm đặt từ 2 đến 3 thùng. Các thùng được đặt cố định ở những nơi thuận tiện để người dân dễ bỏ sau khi sử dụng. Đồng thời chi hội nông dân các xóm nhận bảo vệ và nhắc nhở người dân chung tay bảo vệ tài sản chung. Xã cũng thường xuyên tuyên truyền về tác hại lâu dài của việc ô nhiễm môi trường do các bao bì, vỏ chai thuốc BVTV để lại nên người dân đã dần thay đối thói quen. Ông Ngô Văn Tứ, chủ tịch hội nông dân xã Nghĩa Long cho hay: Xuất phát từ việc bao thuốc BVTV vứt bừa bãi trên các cánh đồng, hội nông dân xã đã triển khai vận động các chi hội đóng góp tiền để xây dựng các thùng đựng. Sau 4 năm thực hiện ý thức của người dân đã được nâng lên, nếu phát hiện các trường hợp sau khi phun thuốc vứt bừa bãi các vỏ bao thì bị nhắc nhở. Đến nay trên các cánh đồng của xã đã hạn chế rất nhiều tình trạng vứt vỏ bao thuốc so với trước đây.
Xóm Nam Hòa, xã Nghĩa Long đặt 3 thùng, hàng tháng nông dân phân công nhau thu gom đến nơi xử lý
Ô nhiễm do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các vỏ bao, chai lọ là rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên số xã xây dựng các thùng đựng bao bì thuốc BVTV chưa nhiều. Ông Võ Quang Bình, phó chủ tịch hội Nông dân huyện cho biêt thêm: Trong thời gian qua hội nông dân huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo các xã tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trên đồng ruộng. Tuy nhiên do gặp khó khăn về kinh phí nên việc xây dựng các thùng đựng bao bì vỏ bao thuốc BVTV chưa nhiều. Một số xã làm tốt công tác thu gom như Nghĩa Long, Nghĩa Khánh, Nghĩa Bình, Nghĩa Sơn…trong thời gian tới hội nông dân huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Có thể nói với một huyện phần lớn người dân sản xuất nông nghiệp thì việc nhân rộng các thùng đựng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật là rất cấp thiết, cần sự chung tay không chỉ của bản thân người nông dân mà còn của các cấp chính quyền cũng như các tổ chức hội.
Đinh Thùy ( Đài Nghĩa Đàn )