Trong khi nhiều người phá bỏ cây cao su để trồng các cây có giá trị khác thì anh Phạm Văn An ở xóm 12, xã Nghĩa Trung ( Nghĩa Đàn ) lại trồng hơn 400 gốc cao su. Nhưng cao su anh trồng không phải để lấy mủ mà để làm bóng mát và lấy quả để nuôi Lợn Mán. Việc làm mà nhiều người cho là “ngược đời” này lại cho gia đình anh Phạm Văn An thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Mục sở thị “vườn lợn” của anh Phạm Văn An trong một ngày nắng nhưng lại thấy “mát mắt” bởi vườn cao su năm thứ 5 tỏa bóng mát hết khu vườn. Dưới những tán cao su, những con lợn mán đang ủi nhau chạy. Chỉ vào đàn lợn anh An nói “ bọn ni chạy cả ngày, chạy rồi đào bới, hồi lại đến ăn cỏ sữa. Trời nắng không lo, mưa không sợ. Cũng làm cái chuồng tạm cho hấn chui vô chui ra phòng khi mưa to nhưng nỏ mấy khi hấn vào cả”.
Anh Phạm Văn An chăm sóc đàn lợn mán của gia đình
Cao su được trồng gần nhà và được rào bằng thép B40 cẩn thận, 400 gốc được anh Phạm Văn An cắt tỉa để không phát triển chiều cao mà phát triển tán để tạo bóng mát cho lợn. Anh An cho biết gia đình có truyền thống nuôi lợn từ trước, tuy nhiên giá lợn bấp bênh, đầu ra lúc được lúc mất nên thu nhập không ổn định. Thấy được thị trường cần loại lợn sạch đặc biệt là lợn mán, lợn rừng nhưng ở Nghĩa Đàn còn ít người nuôi. Bên cạnh đó, đặc tính của loại lợn này là vận động nhiều và cần bóng mát vì vậy nếu như nuôi nhốt thì chất lượng thịt không ngon. 5 năm trước, anh bàn vợ phá bỏ 5 sào mía trong vườn để trồng cây cao su. Lúc đó vợ anh là chị Cao Thị Thủy không đồng ý. Vì theo tính toán của chị, 5 sào mía mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên “ mưa dầm thấm lâu” ngày này qua ngày khác, anh bàn vợ, cuối cùng chị cũng phải chấp nhận để chồng làm “gàn” một lần. Chị Cao Thị Thủy cho biết thêm: gia đình trước giờ cũng nấu rượu, nuôi lợn nhưng nói đến phá mía để trồng cao su nuôi lợn thì mình thấy mạo hiểm, lỡ không ăn thua lại mất công mất của nhưng chồng cứ nhất quyết làm nên chiều theo.
Trồng cao su được 2 năm khi cây bắt đầu có tán thì gia đình bắt giống lợn Mán Hòa Bình về nuôi. Anh Phạm văn An cho biết: loại lợn Mán càng vận động càng săn chắc, sở dĩ mình chọn cây cao su làm bóng mát vì tán nó rộng, ngoài ra quả của cây cao su lợn Mán rất thích ăn và bổ dưỡng vì có chất dầu. Đến mùa cao su rụng quả thì lợn chủ yếu ăn quả cao su và cỏ. Những thời điểm khác thì mình bổ sung thêm ngô, khoai…
Cây cao su vừa tạo bóng mát lại bổ sung thêm thức ăn cho đàn lợn
Diện tích 5 sào đủ rộng thoải mái cho lợn vận động, sáng ra mình bứt cỏ cho ăn, rồi đi làm, tối về cho ăn thêm ngô… Vì vậy chi phí cũng thấp mà công chăm sóc cũng ít, nuôi lợn nhưng vợ chồng vẫn làm được những công việc khác bình thường. Mỗi năm gia đình anh An nuôi từ 80 đến 100 con, trung bình mỗi con nặng từ 15kg đến 30kg với giá bán 120 nghìn đồng/kg. Nếu như các hộ nuôi lợn khác đến kỳ xuất chuồng luôn nơm nớp lo đầu ra thì với gia đình anh An lại khác. Khách luôn phải đến đặt cọc từ 2 đến 3 tháng trước khi bắt. Hiện tại từ 100 con lợn, mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Anh Phạm Văn An chia sẻ thêm: Gia đình không có ý định cạo mủ cao su mà sẽ tăng đàn lợn. Đến thời điểm này lợn Mán của gia đình không đủ cung cấp cho thị trường. Hiện tại đình có 5 con lợn mạ, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân lợn mạ lên hơn 10 con để tăng đàn.
Đàn lợn phát triển khỏe mạnh, không đủ cung cấp cho thị trường
Ông Lục Văn Sơn, chủ tịch hội nông dân xã Nghĩa Trung cho biết: mô hình nuôi lợn Mán thả dưới tán cao su là mô hình đầu tiên và duy nhất ở Nghĩa Trung, mang lại hiệu quả khá. Hội cũng cho các chi hội tham quan để áp dụng tùy vào tình hình thực tế của các gia đình để xem có thể nhân rộng. Việc chăn nuôi theo hướng sạch sẽ được hội khuyến khích nông dân thực hiện.
Nuôi lợn Mán dưới tán cao su là mô hình đầu tiên ở Nghĩa Đàn, nông dân trồng cao su để nuôi lợn như anh Phạm Văn An cũng “có một không hai” ở đây. Hiệu quả kinh tế từ mô hình này mang lại sẽ giúp nhiều nông dân thêm động lực có những sáng tạo để làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Đinh Thùy - Đức Anh ( Đài Nghĩa Đàn )