THÁNG BẢY VỀ, ĐỂ TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN

“Sống trong đời sống, cần có những tấm lòng” – Thiết nghĩ, tấm lòng đó hãy cùng hướng về THÁNG BẢY, ĐỂ TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN.

   Không niềm vui nào vui hơn khi đất nước ta được độc lập, dân ta được tự do, cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà đang ngày càng ấm no, hạnh phúc. Và, cũng không có nỗi đau nào đau hơn khi những người thân yêu nhất của mình đã ra đi mãi mãi, hay suốt đời mang trên mình những vết thương của chiến tranh.

   “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” – Những câu khẩu hiệu ấy gần như ai cũng thuộc, rất nhiều tổ chức, cơ quan và nhiều người đã làm và làm tốt. Nhưng như vậy, vẫn là chưa đủ và chưa bao giờ được phép dừng lại.

   NHỮNG CON SỐ BUỒN

   Theo thống kê toàn quốc, đến nay, đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, có gần 1,2 triệu liệt sỹ, gần 500.000 thân nhân liệt sỹ, gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc Da cam/Dioxin. Trong số các liệt sỹ, hiện vẫn còn hơn 200.000 người chưa tìm được phần mộ, 300.000 phần mộ chưa có thông tin về liệt sỹ.

     Trên địa bàn tinh Nghệ An, có hơn 45.000 liệt sỹ, hơn 56.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, hơn 20.000 người bị nhiễm chất độc Da cam/Dioxin. Trong đó, có gần 20.000 liệt sỹ chưa xác định được danh tính hoặc chưa có đủ thông tin.

     Mỗi người được công nhận là Liệt sỹ thì đằng sau tấm bằng Tổ quốc Ghi công là nỗi đau, nỗi cô đơn, sự thiếu vắng và thiệt thòi của bố mẹ, vợ chồng, con cái họ - Điều mà không có gì có thể thay thế được!

     Mỗi người được công nhận là thương binh, bệnh binh, người bị ảnh hưởng chất độc Da cam/Dioxin thì đằng sau họ là nỗi đau về thể xác, về tinh thần, là những thiệt thòi trong công việc và cuộc sống của họ và những người thân – Điều mà khó có thể bù đắp nổi!

    Rất nhiều người trong chúng ta đã biết và chia sẻ với họ, nhưng người trong cuộc vẫn là những người chịu đựng và thấu hiểu sâu nhất về nỗi mất mát, đau thương ấy.

    NHỮNG VIỆC LÀM ĐẦY Ý NGHĨA

   Tuỳ điều kiện và hoàn cảnh của đất nước trong từng thời điểm, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, coi đó là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và xuyên suốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu mà Hội nghị TW 8 (Khoá XIII) đặt ra là: “Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú”. Nhiều chế độ, chính sách được đề ra để thực hiện mục tiêu đó, như: Hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát; Hỗ trợ nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh; Nâng mức phụ cấp cho người có công trong từng giai đoạn; Ưu tiên trong việc thi, tuyển; Thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết…

   Rất nhiều gia đình chính sách có được cuộc sống tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần từ sự hỗ trợ thiết thực của các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm. Các hoạt động chăm sóc, cải tạo, làm mới các nghĩa trang và phần mộ liệt sỹ được quan tâm, làm ấm lòng các gia đình liệt sỹ và góp phần giáo dục truyền thống cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.

 Các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” và việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công đã làm dịu đi phần nào nỗi đau và sự mất mát, đã làm cho người có công gắn bó với cộng đồng hơn, có thêm nhiều niềm vui và có thêm động lực, niềm tin trong cuộc sống.

 TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN – VẪN CÒN NHIỀU ĐIỀU MUỐN NÓI

 Công sức, của cải và tấm lòng của bao người, bao tổ chức, cơ quan trong suốt mấy chục năm qua dành cho người có công là rất lớn và rất đáng trân trọng. Đây cũng chính là thành quả mà Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã, đang và sẽ luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện với trách nhiệm cao nhất, hiệu quả nhất.

 Tuy vậy, vẫn còn đó, nhiều việc cần tiếp tục làm và làm tốt, nhiều việc cần sửa và sửa gấp để việc tưởng nhớ và tri ân có được hiệu quả cao, đúng ý nghĩa và  thiết thực hơn.

 Thiết nghĩ, cùng với việc tích cực tìm kiếm các hài cốt liệt sỹ để đưa các anh về với quê nhà và “Trả lại tên cho liệt sỹ”, thì việc làm mới, cải tạo, sửa chữa các Nghĩa trang Liệt sỹ cần được chỉn chu và nghiêm túc hơn. Đặc biệt, sau khi giải thể cấp huyện và sáp nhập các xã, Đài tưởng niệm Liệt sỹ ở nhiều xã (cũ) thì nên chăng, cần tập trung về một điểm trung tâm và xem xét, làm các thủ tục để xử lý các điểm còn lại, tránh để tình trạng xuống cấp, bỏ mặc, thiếu sự trang nghiêm và làm cho không còn ý nghĩa nữa. 

 Việc hỗ trợ làm nhà mới, sữa chữa nhà ở và hỗ trợ sinh kế cho các gia đình chính sách cần coi trọng hiệu quả và thiết thực, tránh hình thức và “Chạy khoán” theo thời gian. Nhà mới làm, mới sửa phải đảm bảo chất lượng, phù hợp và ở được; vốn vay hoặc cây, con giống đưa về phải được sinh sôi, nảy nở và phát triển.

 Việc tưởng nhớ các liệt sỹ khi đến viếng ở các Nghĩa trang hay tại các buổi lễ lớn cần được trang nghiêm, tránh hình thức, chiếu lệ. Đã có không ít lần, người viết bài này vừa được nghe hô: “Phút mặc niệm bắt đầu” thì ngay sau đó là khẩu lệnh “Thôi” – Những người tham dự chưa kịp cúi đầu thành kính. Hay, đã thấy nhiều người đến thắp hương ở các Nghĩa trang liệt sỹ chỉ là cho xong, cho nhanh mà chẳng kịp cúi mình, đọc thông tin, vái lạy trước phần mộ liệt sỹ.

 Việc chung tay, thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách cũng cần được thiết thực và thấu đáo hơn. Các gia đình chính sách rất cần sự động viên, chia sẻ, cảm thông từ tấm lòng và thái độ của những người đại biểu khi đến với họ. Rất tiếc là, vẫn có những đoàn, những vị lãnh đạo khi đến thăm hỏi, tặng quà vẫn coi như là xong phần “Khoán việc”, như là thủ tục, hay chỉ cốt lấy hình ảnh mà không dành thêm thời gian để chuyện trò sâu hơn, chia sẻ nhiều hơn, động viên ân tình hơn.

 Vẫn còn đó, nhiều thương binh, bệnh binh cần có thêm sự hỗ trợ, động viên cả về vật chất và tinh thần để họ bớt tủi thân, không bị tụt lại phía sau, khi sức khoẻ ngày càng kém đi rất nhiều so với người bình thường. Còn nhiều người và con cháu của họ bị ảnh hưởng rất nặng nề, lâu dài bởi chất độc Da cam/Dioxin đang rất cần sự chung tay giúp đỡ thực sự và có hiệu quả của các tổ chức và cá nhân để vơi đi Nỗi đau Da cam – Nỗi đau còn mãi…

 “Sống trong đời sống, cần có những tấm lòng” – Thiết nghĩ, tấm lòng đó hãy cùng hướng về THÁNG BẢY, ĐỂ TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN.

 Việc cần làm và chưa biết bao giờ là đủ!

Phan Tiến Hải – Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Nghĩa Đàn

Các tin khác

LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn tổ chức truyền thông CSSKSS cho công nhân lao động Công ty CP phụ gia nhựa Mega

LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn tổ chức truyền thông CSSKSS cho công nhân lao động Công ty CP phụ gia nhựa Mega

Nghĩa Đàn 660 đơn vị máu trong Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2

Nghĩa Đàn 660 đơn vị máu trong Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2

Trao tặng sổ tiết kiệm đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng

Trao tặng sổ tiết kiệm đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng

Trao tặng 12 suất quà cho các gia đình nhiễm chất độc da cam có con em sinh ra không may bị dị tật

Trao tặng 12 suất quà cho các gia đình nhiễm chất độc da cam có con em sinh ra không may bị dị tật

Triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 10 tuổi

Triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 10 tuổi

Nghĩa Đàn thu về 651 đơn vị máu trong Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2025

Nghĩa Đàn thu về 651 đơn vị máu trong Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2025

Khởi công nhà tình nghĩa cho hội viên CCB Nghĩa Hưng

Khởi công nhà tình nghĩa cho hội viên CCB Nghĩa Hưng

Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam

Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam