Nhằm nâng cao năng suất cũng như độ đường cây mía, trong những năm qua công ty mía đường Nghệ An NaSu đã phối hợp với các địa phương vùng nguyên liệu Nghĩa Đàn đưa các giống mía năng suất, chất lượng vào trồng. Đối với vùng đất bạc màu, kém dinh dưỡng thì giống mía KK3 đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập từ 10 - 20 triệu/ha. Đây là giải pháp giúp nông dân Nghĩa Đàn “ bám” cây mía khi giá mía có xu hướng giảm mạnh.
Nghĩa Đàn có hơn 7000 ha mía trong đó có 1 diện tích lớn đất vườn đồi, đất trắng bạc màu. Các diện tích này trước đây trồng mía cho năng suất từ 30- 50 tấn/ ha do thiếu nước, đất kém dinh dưỡng...tuy nhiên giống mía KK3 thì ngược lại với các giống mía cũ. KK3 được trồng khảo nghiệm tại Nghệ An năm 2011, hiện nay là 1 trong 2 giống mía chủ lực của vùng mía của NaSu, năm 2018 vùng nguyên liệu mía của NaSu có 2200 ha giống mía này. Năng suất của KK3 có thể đạt đạt 70- 110 tấn/ha. Sau khi trồng thực tế ở Nghĩa Đàn thì cho thấy giống mía này chịu hạn tốt, phù hợp với các diện tích đất cao, bạc màu. Ông Võ Văn Lương- giám đốc nghiên cứu và phát triển công ty mía đường Nghệ An cho biết: qua khảo sát trên các cánh đồng đất ở Nghĩa Đàn cho thấy các diện tích đất bạc màu cây mía KK3 đã phát huy hiệu quả do năng suất tăng rõ rệt. Giống mía này lên mầm chậm, thường sau khi chặt xong tháng 4 thì mía mới lên mầm, trong khi các giống mía khác tháng 2 đã lên mầm. Nhờ lên mầm muộn nên tránh được thời tiết lạnh và mầm nảy từ mắt sâu dưới đất nên hút được độ ẩm, mầm mía khỏe. Qua trồng ở vùng đất trắng, bạc màu ở Nghĩa Đàn thì năng suất của cây mía KK3 từ 70- 80 tấn, cao hơn 20- 30 tấn so với giống mía trước đây.
Giống mía KK3 là sự lựa chọn tối ưu trên đất bạc màu
Nghĩa Thọ có hơn 400 ha diện tích mía trong đó có hơn 90 ha mía KK3, các diện tích trồng mía KK3 chủ yếu là đất bạc màu nhưng năng suất lại cao hơn hẳn so với những giống mía khác.Thử nghiệm tại cánh đồng mía xóm Tân Thọ thì bình quân 1 cây mía có trọng lượng 1,5 kg, dự kiến 1 ha mía cho năng suất trên 90 tấn. Trong khi trước đây với diện tích bạc màu này, nông dân chỉ thu 40- 50 tấn/ha. Ông Lê Hồng Khanh, xóm Trống, xã Nghĩa Thọ chia sẻ: Gia đình năm nay có khoảng 250 tấn mía trong đó hơn 1 ha mía kk3 được khoảng 80 tấn. Trước đây hơn 1 ha này chỉ cho từ 40- 50 tấn, chi phí chăm sóc, phân bón mất nhiều nhưng giống mía KK3 thì đỡ công chăm sóc hơn và không sợ bị chết, kém phát triển do hạn hán.
Cũng như ông Khanh, anh Hoàng Ngọc Kiên, xóm Tân Thọ, xã Nghĩa Thọ trồng hơn 5 ha mía với các giống mía khác nhau tuy nhiên giống KK3 lại cho năng suất vượt trội. Anh Kiên cho biết: trong thời gian tới sẽ chuyển đổi tiếp các diện tích mía trên đất bạc màu sang giống mía KK3 để nâng cao năng suất, độ đường của cây mía.
Ông Lê Ngọc Uyển, chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ phấn khởi chia sẻ: Nghĩa Thọ là xã gặp nhiều khó khăn, mía là cây thoát nghèo của xã. Trong những năm qua Nghĩa Thọ có nhiều biện pháp nâng cao năng suất cây mía, diện tích đất bạc màu của xã khá nhiều. Tuy nhiên khi trồng hơn 90 ha mía KK3 trên đất bạc màu thấy hiệu quả rõ rệt, nông dân rất phấn khởi. Giá mía năm nay giảm nhưng qua thu hoạch mía thì hiệu quả kinh tế từ cây mía vẫn không giảm. Trong thời gian tới xã sẽ nhân rộng giống mía này ở các diện tích đất kém dinh dưỡng khác.
Thay thế các giống mía cũ giúp nông dân tăng thu nhập 10 triệu/ha
Vụ ép năm nay giá mía lại giảm hơn 100 nghìn đồng/ tấn. Tính ra mỗi ha cùng sản lượng như năm ngoái thì thu nhập của nông dân giảm từ 7 triệu đến 10 triệu đồng. Giá đường thế giới có xu hướng giảm và giá mía giảm là điều đã được dự báo trước.Tuy nhiên mía vẫn là cây được khẳng định mang lại giá trị kinh tế cao mà trên một diện tích lớn thì khó loại cây trồng nào có thể so sánh được. Nghĩa Đàn đã triển khai ngay các biện pháp để tăng năng suất, độ đường như thay đổi các giống mía, đưa các giống mía phù hợp với từng chất đất. Đồng thời giảm các chi phí phân bón cũng như thu hoạch. Nghĩa Đàn có nhiều diện tích mía là đất bạc màu, đất đồi, trước đây năng suất mía chỉ đạt 20- 30 tấn/ha, chi phí đầu tư lại nhiều. Tuy nhiên trong 3 năm lại đây Nghĩa Đàn đã có bước đột phá về năng suất trên diện tích đất này, đó là các xã đã đưa giống mía KK3 vào trồng và phát huy hiệu quả khi năng suất tăng lên 60- 70 tấn/ ha. Các xã đã kịp thời tuyên truyền để thay đổi giống mía, nâng cao năng suất, qua đó ổn định tâm lý cho người dân khi giá mía xuống thấp. Không chỉ Nghĩa Thọ mà các xã khác, ngày sau vụ ép tuyên truyền người dân chuyển đổi, nhân rộng các giống mía phù hợp với từng loại đất. Ông Bạch Hưng Nam, chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức, Nghĩa Đàn, Nghệ An nói: Cây mía thì Nghĩa Đức xác định là cây chủ lực, giá cả thì theo dự báo thì càng ngày càng thấp đi. Biện pháp để tồn tại cây mía là tăng năng suất, Nghĩa Đức có giải pháp là đưa giống mía KK3 trồng trên đất vườn đồi thay thế một số giống mía khác, thực tế đã có hộ thâm canh trên đất đồi đạt 120 tấn.
Nông dân Nghĩa Đàn áp dụng KHKT để nâng cao năng suất cây mía
Theo khảo sát thì đất ở Nghĩa Đàn có độ PH thấp nên nông dân trồng mía cần phải bón vôi hoặc chất điều hòa PH, bên cạnh đó người trồng mía không nên đốt lá sau thu hoạch mà để nguyên lá mía để giữ độ ẩm cho đất. Đồng thời nhà máy mía đường Nghệ An cũng khuyến cáo nông dân ở những vùng đất trũng thì nên trồng giống mía LK9211.
Có thể nói với giá đường thế giới và trong nước có xu hướng biến động theo chiều đi xuống thì việc tăng năng suất, độ đường cây mía trên đơn vị diện tích bằng cách chọn giống mía chất lượng như KK3 trên đất bạc màu là cách làm để tăng thu nhập cho nông dân Nghĩa Đàn.
Đinh Thùy ( Đài Nghĩa Đàn )