Thời điểm này, khi nhiều loại cây ăn quả cùng vào chính vụ, giá ổi trên thị trường giảm, thì người trồng ổi ở các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm, tỉnh Nghệ An vẫn miệt mài chăm sóc vườn cây, chủ động cắt tỉa quả, điều tiết thời điểm thu hoạch để đón đầu những lứa ổi giá cao hơn vào cuối năm.
Ông Phạm Thanh Nghị, xóm Minh Sơn xã Nghĩa Mai đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng ổi . Dưới cái nắng gắt của những ngày trung tuần tháng 7, ông lúi húi tỉa quả, cắt cành, không nghỉ tay. Vừa làm thoăn thoắt, ông vừa bộc bạch :
“Trồng ổi không nặng nhọc nhưng cực kỳ tốn thời gian và công sức. Ngày nào cũng phải có mặt ở vườn. Từ 5h sáng đến 6, 7 giờ tối, chỉ nghỉ lúc ăn cơm và buổi trưa. Giống như nuôi con mọn vậy, phải chăm từng chút một. Tuy vậy so với trồng các loại cây khác thì ổi mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định hơn. Vì vậy ngoài 400 cây ổi cũ, năm nay gia đình tôi trồng thêm 100 cây nữa”.
Hiện nay, do trùng vụ với nhiều loại trái cây khác, giá ổi trên thị trường chỉ dao động từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, nhiều hộ đã chủ động tỉa bớt quả, chăm sóc cho vụ tháng 10–11 giá bán cao hơn.
Theo ông Cao Xuân Hoài – xóm trưởng xóm Minh Sơn ,xã Nghĩa Mai, toàn xóm hiện có khoảng 30 ha ổi, đây được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định nhất. Riêng thời điểm này người trồng ổi rất bận rộn vì tập trung tỉa quả, bấm ngọn, bọc quả để cho những lứa tiếp theo. Từ chỗ trồng tự nhiên, nay người dân đã biết áp dụng kỹ thuật khống chế sinh trưởng, tạo tán, tỉa cành đúng chu kỳ để cây ổi cho quả quanh năm, giúp phân tán nguồn thu, chủ động hơn với thị trường.
Nhiều hộ trồng ổi đã sắm máy may để chủ động may bao bọc ổi
Không chỉ xã Nghĩa Mai mà ở xã Nghĩa Lâm, thời điểm này nông dân cũng tập trung chăm sóc, tỉa ngọn để cho vụ mới giá cao hơn. Anh Hồ Xuân Hưng, làng Nam Lâm, xã Nghĩa Lâm trồng 800 cây ổi, anh chia sẻ: “Nếu cứ trồng rồi để đó thì không ăn thua. Ổi phải theo dõi hằng ngày, phải bọc từng quả mới đảm bảo. Bên cạnh đó để có quả quanh năm cũng cần có kỹ thuật cắt tỉa”. Do công chăm sóc ổi rất nhiều nên ngoài việc đầu tư hệ thống ni lông phủ, anh còn lắp hệ thống tưới nước tự động điều khiển từ xa để tập trung thời gian bọc, cắt tỉa quả.
Anh Hồ Xuân Hưng, làng Nam Lâm, xã Nghĩa Lâm là một trong những người tiên phong ứng dụng KHKT trên cây ổi để giảm thiểu nhân công
Không chỉ sản xuất đơn lẻ, người dân giờ đây đã tham gia các tổ hội nghề nghiệp, cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Theo ông Võ Quang Bình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Mai thì “Việc thành lập tổ hội trồng cây ăn quả giúp nông dân không chỉ học kỹ thuật mà còn liên kết tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho cây ổi.”
Việc xây dựng các tổ hội nghề nghiệp giúp nông dân học hỏi lẫn nhau
Chính sự linh hoạt trong sản xuất, chuyển biến trong tư duy canh tác và tinh thần không ngừng học hỏi, chịu khó của người dân xã Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm đang giúp cây ổi ngày càng phát triển bền vững. Với sự đồng hành từ chính quyền, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp, cây ổi sẽ tiếp tục là hướng đi hiệu quả, góp phần làm giàu cho nông dân miền Tây Nghệ An.
Đinh Thùy - Hoàng Hằng ( Trung tâm VH, TT & TT Nghĩa Đàn )