Sau ảnh hưởng của cơn bão số 2 và lượng mưa kéo dài do ảnh hưởng của bão số 4, bà con nông dân Nghĩa Đàn tích cực khắc phục các diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đến thời điểm này công tác khắc phúc vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các diện tích cây lâm nghiệp.
Những ngày này ông Đào Ngọc Tỉnh, xóm Nam Phong, xã Nghĩa Long tranh thủ dựng lại diện tích cây keo vừa bị ảnh hưởng do bão và mưa trong thời gian qua. Ông Tỉnh cho biết keo mới trồng dưới 1 năm dễ khắc phục vì cây còn thấp, nếu bị đổ, gãy thì có thể vun gốc dựng lại hoặc trồng mới cũng đỡ xót hơn. Gia đình ông có 2 sào thì đều bị ngã và phải mất 5 ngày để dựng lại gốc keo bị đổ. Ông Đào Ngọc Tỉnh chia sẻ thêm: sau bão số hai gia đình khẩn trương cứu keo nhưng mưa kéo dài lại bị bổ nên giờ tiếp tục vun gốc. Gia đình nào trồng ít còn khắc phục được chứ những gia đình trồng cả hec ta thì keo bị đổ cũng khó do mất thời gian và thuê mượn tốn kém.
Ông Tỉnh cho biết phải mất gần một tuần để khắc phục 2 sào keo bị thiệt hại
Hiện tại trên toàn xã Nghĩa Long có khoảng 80 ha cây keo, bạch đàn bị thiệt hại do bão, trong đó diện tích cây trồng dưới 2 năm gần 40 ha. Những diện tích này bà con đang tích cực huy động nhân lực để dựng lại, vun gốc, tuy nhiên các diện tích rừng trồng từ 2 năm đến 4 năm bị thiệt hại bắt buộc người dân phải thu về làm củi hoặc bán, nhưng đến thời điểm này nhiều hộ vẫn chưa bán được do giá keo quá thấp. Ông Đinh văn Hải, xã Nghĩa Long có 8 sào keo sang năm thứ 3 bị gãy đổ, ông cho biết giá keo bình thường 11, 12 ( 1,1- 1,2 triệu/tấn) nhưng hiện tại thương lái chỉ mua giá 80 túc là 800 nghìn/ tấn. Đối với keo nhỏ mới 3 năm của ông Hải, thương lái chỉ trả với giá 600 nghìn đồng/ tấn. Tiếc công chăm sóc nhưng do bị thiệt hại nhiều nên ông Hải cũng ngậm ngùi chờ thêm ít ngày nắng nữa chờ người trả giá cao hơn.
Không chỉ ở Nghĩa Long mà ở nhiều xã việc khắc phục thiệt hại cây lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Là một trong những xã có diện tích rừng nhiều của huyện Nghĩa Đàn xã Nghĩa Hội có gần 1500 ha rừng bị ảnh hưởng trong đó có nhiều diện tích bị thiệt hại. Ông Lê văn Ngọc, phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội cho biết: sau bão xã đôn đốc chỉ đạo bà con khắc phục, các diện tích bị đổ huy động nhân lực để dựng nhưng với những hộ trồng diện tích ít thì khắc phục được kịp thời, còn các hộ trồng diện tích nhiều thì dựng không xuể. Đối với diện tích keo từ 2 đến 3 năm bị gảy bà con bắt buộc phải thu gom, chặt về làm củi hoặc bán để trồng mới còn không thể dựng lại như keo nhỏ được.
Nhiều hộ phải ngậm ngùi bán keo non do đổ gãy
Một chu kỳ trồng keo, bạch đàn từ 5 đến 7 năm, mỗi ha cho nông dân thu nhập 50 triệu đến 100 triệu đồng. Trong những năm gần đây, keo là lựa chọn của nhiều nông dân bởi dễ trồng, đầu ra ổn định, công chăm sóc chủ yếu chỉ tập trung vào 1 năm đầu tiên, chi phí ít hơn các loại cây trồng khác. Tuy nhiên khi chỉ còn vài năm nữa thu hoạch thì keo bị thiệt hại nặng nề làm không ít nông dân Nghĩa Đàn lao đao. Ông Vi Phúc Lộc, bí thư chi bộ, xóm trưởng xóm Đồng Sằng, xã Nghĩa Hội chia sẻ : xóm chúng tôi có 90 % đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu nhờ rừng và cây lúa, cây ngô. Nhưng cơn bão làm 15 ha keo bị thiệt hại. Là người đứng đầu xóm tôi chỉ biết động viên bà con chứ cũng thấy xót lắm. Đường sá xa xôi, lấy lội những ngày này bà con phải đi dựng lại keo mới trồng, còn loại 2, 3 năm thì đổ gãy vãn nguyên hiện trạng do người mua keo chỉ ưu tiên mua loại 4 năm trở lên, mà giờ nhiều nơi bị thiệt hại bán nên họ lựa chỗ để mua. Mong cho trời tạnh ráo để bà con thu dọn các cây bị gãy, tiếp tục trồng mới.
Hiện nay, nhiều người trồng rừng ở Nghĩa Đàn mong bán được các diện tích cây bị thiệt hại để vớt vát ít vốn đầu tư trồng mới. Tuy nhiên do trời mưa, giao thông khó khăn nên nhiều gia đình chưa bán được, nhiều gia đình phải bán giá thấp với lý do keo non, cây bị gãy đổ, chất lượng kém. Trước nhu cầu bán keo non của nhiều gia đình nên người buôn keo cũng đưa ra đủ lý do để từ chối, trả giá thấp. Ông Lê Văn Hương, một người thu mua keo ở Nghĩa Đàn cho rằng: hiện nay keo được mua với giá 900 nghìn/tấn, bạch đàn 680 nghìn/tấn. Tuy nhiên đối với các diện tích keo non, keo bị ngã chúng tôi mua thấp hơn do chi phí thuê máy cắt, nhân công chặt, bóc vỏ cao hơn. Hiện tại do trời mưa, đường vào các rừng keo nhiều nơi bị lún nên chúng tôi và những người mua keo khác chỉ tập trung mua ở những nơi đường dễ vào. Nhiều chủ trồng keo có gọi điện để bán nhưng nói thật thời điểm này keo, bạch đàn bị thiệt hại nhiều nên chúng tôi chỉ mua chọn loại keo 4 năm trở lên, keo 3 năm mua với giá thấp hơn.
Theo thống kê của phòng nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã làm 300 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại. Sau bão huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo các xã có các biện pháp khắc phục kịp thời, tuy nhiên do thời tiết mưa kéo dài nên gặp nhiều khó khăn. Hiện tại huyện đã thống kê mức độ thiệt hại của cây trồng trong đó có cây lâm nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp nông dân ổn định sản xuất.
Đinh Thùy ( Đài Nghĩa Đàn )