Nghĩa Đàn hơn 30 ha lúa vụ Xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn

Hiện nay, cùng với bệnh đạo ôn xuất hiện thì bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ với mật độ thấp cũng đang xuất hiện rải rác tại một số thửa ruộng trên địa bàn huyện. Điều này đòi hỏi người nông dân cần tuân thủ theo các quy trình kỹ thuật và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Hiện nay lúa Xuân trên địa bàn Nghĩa Đàn đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Tuy nhiên, trên đồng ruộng bắt đầu xuất hiện bệnh đạo ôn lá phát sinh và gây hại cho cây lúa, ngành nông nghiệp huyện đang tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm hạn chế  nguy cơ lây lan trên diện rộng.

 Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, toàn huyện Nghĩa Đàn có hơn 30 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn; trong đó có 2ha bị nhiễm nặng tập trung ở các xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hội, Nghĩa Thành… với tỷ lệ phổ biến 1%, cao 10% (cấp 1- 3), cục bộ 20 - 25 % (cấp 3- 5) số lá. Diện tích nhiễm tập trung chủ yếu trên các giống nhiễm bệnh đạo ôn như Thái Xuyên 111, TBR225, BC15.

  Vụ xuân 2023, xã Nghĩa Thành gieo cấy hơn 180ha, đến thời điểm này có khoảng 10 ha bị bệnh đạo ôn hại lá, nhiều nhất ở cánh đồng Khe Nhè. Những ngày này, Ban nông nghiệp xã phối hợp các xóm trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân phun thuốc, chăm sóc cây lúa đúng kỹ thuật, nhất là những diện tích đã bị nhiễm bệnh để cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu và có thể phục hồi trở lại. Ông Nguyễn Tấn Hà, xóm Tân Thắng, xã Nghĩa Thành cho biết: “Sau khi nhận được công văn của Trạm và xã, chúng tôi thông báo cho bà con chủ động thăm đồng ruộng để kiểm tra tình hình dịch bệnh và chủ động mua đúng thuốc, phun đúng liều để phòng chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng.”

Cánh đồng Khe Nhè xã Nghĩa Thành có nhiều diện tích bị nhiễm nặng bệnh đạo ôn

  Bệnh đạo ôn gây hại suốt cả quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Triệu chứng, ban đầu vết bệnh là chấm nhỏ, hình mũi kim màu nâu, sau đó vết bệnh lớn dần có dạng hình thoi, hai đầu nhọn, ở giữa có màu xám, xung quanh màu nâu, ngoài cùng viền vàng, bệnh càng phát triển, nhiều vết bệnh liên kết lại gây cháy lá. Trên thân đốt của lúa lúc đầu xuất hiện màu nâu, ngày càng lan ra bao quanh thân lúa, làm cho vị trí bị bệnh eo thắt lại và có màu nâu đen, bệnh nặng làm cho thân đốt bị gãy, nếu điều kiện ẩm ướt, trên đó xuất hiện màu xám. Vết bệnh có thể xuất hiện ở cổ bông, lúc đầu cũng có màu nâu đen, ngày càng phát triển bao quanh cổ bông và chỗ đó bị thắt lại. Vết bệnh cũng có thể xuất hiện ở hạt lúa có hình bầu dục màu nâu đen, nếu bị nặng sẽ ăn sâu vào bên trong hạt. Bệnh đạo ôn phát sinh do nấm bệnh tồn tại trên cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước, trên các ruộng lúa giống bị bệnh gây hại…

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn khuyến cáo bà con cách phòng trừ sâu bệnh

  Dự báo thời gian tới là thời điểm chuyển mùa nên tình hình thời tiết sẽ diễn biến khó lường, thời gian lúa làm đòng đến trổ có thể sẽ có mưa phùn kéo dài, trời âm u, độ ẩm cao, sáng sớm có sương mù. Đây là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại kéo dài đến giai đoạn lúa trổ và nguy cơ bệnh sẽ gây hại cổ bông cao. Đặc biệt, trên những vùng, giống hàng năm có mức độ nhiễm bệnh bệnh nặng. Để phòng trừ có hiệu quả và hạn chế bệnh đạo ôn lá lây lan trên diện rộng, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống sâu, bệnh hại lúa. Ông Bùi Quốc Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Trước tình hình trên, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đến sản xuất, chúng tôi khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân cần tăng cường rà soát toàn bộ diện tích lúa, xác định vùng có nguy cơ cao để khoanh vùng chỉ đạo phun phòng. Đối với diện tích ruộng bị nhiễm nặng cần ngắt bớt lá bệnh, thu gom tiêu hủy và tiến hành phun kép 2 lần cách nhau từ 5 - 7 ngày. Tạm ngừng bón phân đạm, không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, duy trì mực nước ở mức phù hợp.”

Bà con nông dân phun phòng trừ bệnh đạo ôn

  Hiện nay, cùng với bệnh đạo ôn xuất hiện thì bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ với mật độ thấp cũng đang xuất hiện rải rác tại một số thửa ruộng trên địa bàn huyện. Điều này đòi hỏi người nông dân cần tuân thủ theo các quy trình kỹ thuật và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Trước mắt, bà con cần tích cực thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng, thường xuyên thăm nắm ruộng đồng, theo dõi tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng trừ đúng cách, nhất là các biện pháp kỹ thuật, sử dụng thuốc đặc hiệu để phòng chống dịch bệnh. Thực hiện tốt những điều này mới phát huy được hiệu quả của việc phòng chống bệnh gây hại trên cây lúa.

 

Thu Hiền - Minh Thái (Trung tâm VHTT – TT Nghĩa Đàn)

Các tin khác

Ra mắt mô hình "Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ ổi lê"

Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn – Thái Hòa kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm

Họp BCH phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện

Triển khai đề án sản xuất vụ Hè thu – Mùa năm 2023

THOÁT NGHÈO VƯƠN LÊN LÀM GIÀU TỪ 50 TRIỆU TIỀN VỐN VAY NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ công tác Hội nông dân năm 2023

GƯƠNG HỘI VIÊN PHỤ NỮ DÂN TỘC THỔ PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIỎI

MÔ HÌNH CÓ HIỆU QUẢ TỪ VỐN VAY NGÂN HÀNG CSXH TẠI XÃ NGHĨA HIẾU