VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC XÂY DỰNG VƯỜN CHUẨN Ở NGHĨA ĐÀN

Cải tạo vườn và xây dựng vườn chuẩn gắn liền với thay đổi nhận thức, khả năng làm vườn của mỗi gia đình. Lựa chọn hộ gia đình để xây dựng vườn chuẩn phải bắt đầu từ quyết tâm thay đổi và làm mới của hộ gia đình; phải từ khả năng tiếp cận và tiếp nhận kiến thức, công nghệ và nguồn vốn để có hiệu quả; phải từ nguồn lực và nguồn nhân lực thực tế đủ mạnh để có thể đầu tư và trực tiếp sản xuất theo định hướng và công việc

Sau 1 năm, kể từ ngày triển khai xây dựng vườn chuẩn trên địa bàn Nghĩa Đàn, chúng ta đã có được nhiều kết quả tích cực. Kết quả rõ nét nhất đó là: Sự thay đổi nhận thức và quyết tâm vươn lên đối với những hộ gia đình đăng ký và tiến hành xây dựng vườn chuẩn.

Tuy vậy, đi gần hết số vườn chuẩn được chọn và xây dựng trong năm 2020; xuất phát từ thực tế sản xuất và kinh tế vườn của Nghĩa Đàn, tôi thấy rằng, việc xây dựng vườn chuẩn vẫn còn nhiều điều đáng bàn và phải bàn.

Mô hình vườn chuẩn của ông Lê Trọng Mừng, xã Nghĩa Lợi( Ảnh: baonghean)

 Thứ nhất là, cần lắm một cuộc “cách mạng” về cải tạo vườn và xây dựng kinh tế vườn.

Lâu nay, chúng ta đã và đang tập trung cho việc xây dựng Nông thôn mới và đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Nhưng để kết quả đó có tính bền vững thì việc nâng cao đời sống cho nhân dân vẫn là vấn đề có tính cốt lõi và bền chặt. Trong đó, kinh tế vườn phải từng bước được chú trọng, bắt đầu từ ý thức và quyết tâm của mỗi gia đình.

Sở dĩ, nói kinh tế vườn phải từng bước được chú trọng, bởi lẽ: (i) Diện tích vườn của nhiều hộ dân Nghĩa Đàn cơ bản đủ rộng, đất tốt, điều kiện canh tác đảm bảo nhưng phần lớn sản xuất vườn vẫn có tính chất “tự cung, tự cấp” hoặc không có quy hoạch, không có đầu tư nên cơ bản là không có thu nhập đáng kể từ vườn (kể cả trồng trọt lẫn chăn nuôi), làm lãng phí nguồn tài nguyên quan trọng mà nhiều nơi không có được; (ii) Sản xuất từ vườn có những thuận lợi đáng kể trong việc tận dụng thời gian, trong việc chăm sóc và bảo vệ sản phẩm; (iii) Thực tế cho thấy, đã có những hộ gia đình có thu nhập khá lớn ngay từ vườn nhà khi có sự định hướng, quyết tâm và đầu tư đúng. 

Thứ hai là, làm kinh tế từ vườn và xây dựng thành vườn chuẩn cần phải có tính đồng bộ trong cả hệ thống.

Tính hệ thống trước hết là từ các nhóm hộ, đến các xóm và từng xã phải tạo ra phong trào “rủ nhau”, “đua nhau” làm vườn, cải tạo vườn và xây dựng vườn chuẩn. Có như vậy mới có thêm động lực, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra sản phẩm đủ nhiều để thành hàng hóa và mới có thu nhập đáng kể. “Mạnh ai nấy làm” đã làm cho vườn ở Nghĩa Đàn đa chủng loại, đa màu sắc nhưng không “Ra tấm, ra miếng”, không trở thành hàng hóa – đó là thực tế hiện nay trong sản xuất vườn nhà ở Nghĩa Đàn.

Tính hệ thống còn là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự định hướng, hướng dẫn của các nhà chuyên môn, kỹ thuật. Coi việc xây dựng vườn chuẩn là một trong những nhiệm vụ của từng tổ chức, đoàn thể ở từng đơn vị gắn với việc hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế như bấy lâu nay các tổ chức, đoàn thể vẫn đang làm và làm tốt. Coi nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật, khuyến nông trong sản xuất vườn và xây dựng vườn chuẩn là một trong những mục tiêu chính mà hệ thống dịch vụ nông nghiệp và những người phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới. 

Thứ ba là, cần có sự hỗ trợ, đầu tư cho phát triển kinh tế vườn và xây dựng vườn chuẩn trên địa bàn.

Các chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp của tỉnh, của huyện đang ngày một nhiều hơn là cơ hội để các hộ gia định có thể được tiếp cận và thụ hưởng.

Từ thực tế cho thấy, khi có sự chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ một phần về kinh phí thì một số hộ có thêm động lực và nguồn lực để phát triển kinh tế vườn có hiệu quả. Vì vậy ngoài kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho những cánh đồng lớn, trang trại tập trung thì việc hỗ trợ đúng mức, đúng đối tượng cho kinh tế vườn cũng rất cần thiết và sẽ có hiệu quả tốt. Chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”, hỗ trợ xây dựng vườn chuẩn, hỗ trợ giống, hỗ trợ hệ thống tưới… từ các chương trình khác nhau sẽ là những nguồn lực rất quan trọng cả về định hướng và vật chất để “kích cầu” cho các hộ dân phát triển kinh tế vườn và xây dựng vườn chuẩn. 

Đồng chí Phan Tiến Hải - Phó bí thư thường trực huyện ủy kiểm tra mô hình vườn chuẩn của các hộ dân

Thứ tư là, xây dựng vườn chuẩn phải gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Các chủ trương của cấp ủy, chính quyền các cấp về việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thì vườn chuẩn cũng phải là một trong những đối tượng được quan tâm chỉ đạo và ưu tiên. Xét cho cùng thì, khi ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì mới mong có được sản phẩm tốt hơn, hiệu quả cao hơn và đó là đích cần phải hướng tới của kinh tế vườn. Đã đến lúc cần phải có sự đầu tư về khoa học công nghệ cho sản xuất vườn một cách nghiêm túc để có thể có được hiệu quả đích thực, tránh tư tưởng “Làm vườn cho vui, được chăng hay chớ”.

Thứ năm là, xây dựng vườn chuẩn phải gắn với thực lực, thực tế của mỗi chủ vườn.

Cải tạo vườn và xây dựng vườn chuẩn gắn liền với thay đổi nhận thức, khả năng làm vườn của mỗi gia đình. Lựa chọn hộ gia đình để xây dựng vườn chuẩn phải bắt đầu từ quyết tâm thay đổi và làm mới của hộ gia đình; phải từ khả năng tiếp cận và tiếp nhận kiến thức, công nghệ và nguồn vốn để có hiệu quả; phải từ nguồn lực và nguồn nhân lực thực tế đủ mạnh để có thể đầu tư và trực tiếp sản xuất theo định hướng và công việc. Một số hộ được lựa chọn xây dựng làm vườn chuẩn vừa qua vẫn chưa chính xác, khi mà họ không có đủ nhân lực và nguồn lực hoặc không có nền tảng cơ bản để tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ hoặc họ không có đủ quyết tâm để cải tạo và xây dựng vườn chuẩn – Đó là điều cần phải xem xét kỹ!

Và, vẫn còn nhiều điều cần phải bàn và trao đổi nữa, khi “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh”. Có điều, cứ tưởng làm vườn là việc đơn giản nhưng không phải vậy, nhất là khi xây dựng vườn để đạt được chuẩn theo qui định của tỉnh. Cũng có điều là, nếu không phát huy hiệu quả của kinh tế vườn trên địa bàn thì mục tiêu nâng cao đời sống của nhân dân vẫn chưa thực sự đảm bảo được tính bền vững trong chương trình xây dựng Nông thôn mới ở từng xóm, từng xã.

Đôi điều nghĩ suy để mong mọi người, mọi cấp cùng chung tay thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra. 

Mong cho “Vườn ra vườn” và “Chuẩn thật chuẩn” để góp phần xây dựng huyện nhà sớm trở thành huyện Nông thôn mới.

                                                                                      Phan Tiến Hải – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy

Các tin khác

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2024

Tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2024

Hội nghị thẩm định thị trấn Nghĩa Đàn đạt chuẩn đô thị văn minh

Hội nghị thẩm định thị trấn Nghĩa Đàn đạt chuẩn đô thị văn minh

Hội nghị phối hợp triển khai phong trào chung tay xây dựng huyện NTM

Hội nghị phối hợp triển khai phong trào chung tay xây dựng huyện NTM

Hơn 100 cán bộ đoàn viên, thanh niên được tập huấn công tác giảm nghèo

Hơn 100 cán bộ đoàn viên, thanh niên được tập huấn công tác giảm nghèo

Họp BCĐ về chương trình xây dựng huyện NTM

Họp BCĐ về chương trình xây dựng huyện NTM

Ra mắt mô hình “5 có 3 sạch” tại Nghĩa Khánh

Ra mắt mô hình “5 có 3 sạch” tại Nghĩa Khánh

Hội LHPN tỉnh Nghệ An trao tặng 38 cây bằng lăng cho hội LHPN xã Nghĩa Khánh

Hội LHPN tỉnh Nghệ An trao tặng 38 cây bằng lăng cho hội LHPN xã Nghĩa Khánh

Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024

Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024