Từng bước thoát nghèo

Xây dựng mô hình kinh tế bền vững rồi nhân ra diện rộng, đồng thời phát huy tối đa các nguồn lực, áp dụng đồng bộ các giải pháp, nên thời gian qua, tốc độ giảm nghèo của xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn) đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Trước khi vào Nghĩa Mai, tôi được mấy người quen ở Nghĩa Đàn cảnh báo, đi vào đó nên chuẩn bị xe cộ cho chắc chắn vì đường sá đi lại còn khó khăn lắm! Nghe thì biết vậy, nhưng kỳ thực khi đến với xã vùng sâu nằm ở Tây Bắc huyện Nghĩa Đàn này mới thấm thía nỗi gian truân của cộng đồng các dân tộc Kinh, Thổ, Thái, Thanh đang sinh sống ở đây. Chiếc xe máy cũ của anh cán bộ huyện cho mượn sau nhiều lần trầy trật mới vượt qua được con đường phủ bụi mờ, nhấp nhô sỏi đá và những ổ voi, ổ gà. Vào đến nơi, nhiều cán bộ xã khi chia sẻ về chuyện đường sá cũng chép miệng mà rằng, may anh vào đúng ngày tạnh ráo, chứ vào mùa mưa đường khó đi hơn gấp bội.


Ông Cao Duy Thuần - Xóm trưởng xóm 4A chăm sóc đàn dê.

Không chỉ hạn chế về giao thông mà điều kiện kinh tế - xã hội nói chung của xã cũng còn rất nhiều khó khăn. Trao đổi cùng chúng tôi trong căn phòng nhỏ, cũ kỹ ở trụ sở xã, ông Hoàng Văn Nhường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết: Nghĩa Mai là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nghĩa Đàn với hơn 1.600 hộ và gần 7.500 khẩu sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Nhân dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2012 mới đạt 8,5 triệu đồng/năm. Vì vậy, cũng không bất ngờ khi được biết, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương còn rất cao. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo còn 39%, đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với cả hệ thống chính trị của xã Nghĩa Mai. Nhiều giải pháp được bàn bạc và quyết liệt thực hiện nhằm giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong đó, giải pháp được chú trọng nhất chính là thay đổi tư duy, nhận thức của người dân để không trông chờ, ỷ lại mà phải tự ý thức vươn lên thoát nghèo. Thành quả ấn tượng trong công cuộc giảm nghèo ở Nghĩa Mai là cuối năm 2014, theo tính toán sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn 23,2%, giảm 13,1% so với năm 2013.

Để hiểu rõ hơn những thay đổi làm nên những con số ấn tượng ấy, tôi về xóm 4A. Xóm trưởng Cao Duy Thuần cho biết, xóm có 88 hộ, 354 khẩu với 3 dân tộc anh em Kinh, Thái, Thổ cùng sinh sống. Xóm vừa rà soát hộ nghèo cho năm 2015 xong, chỉ còn 28 hộ, giảm được 13 hộ so với đầu năm. Nói đoạn, ông dẫn tôi đi một vòng quanh xóm rồi tâm sự, diện tích đất sản xuất của xóm chỉ có 26 ha, trong đó 14 ha trồng mía và 5 ha lúa nước, diện tích trồng keo cũng được gần 10 ha. Có ngần ấy đất trong khi phải “cưu mang” hàng trăm con người đòi hỏi nông dân phải rất siêng năng, chăm chỉ, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Trên tinh thần đó, chi bộ xóm ra nghị quyết chuyên đề về chăn nuôi dê và trồng các loại cây có múi như cam, quýt để nâng cao thu nhập cho người dân. Muốn thành công, gia đình các đảng viên trong chi bộ phải gương mẫu làm trước, riêng nhà xóm trưởng Thuần cũng là một trong những hộ đầu tiên nuôi dê. “Nay gia đình có 9 con dê. Việc chăn nuôi cũng thuận lợi vì thức ăn cho dê có sẵn ở địa phương, đầu ra của thịt dê cũng ổn định nên gia đình cũng yên tâm phát triển đàn”, ông Thuần chia sẻ.

Từ mô hình thực tế sinh động của mình, các cán bộ, đảng viên chia sẻ, vận động các hộ nghèo tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ghé thăm ông Cao Văn Sung và bà Cao Thị Nghị là gia đình vừa thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong đợt rà soát vừa qua. Trước đây, mỗi năm gia đình ông bà chỉ độc canh cây lúa với sản lượng 4 - 5 tạ lúa nên đời sống vô cùng khó khăn. Bắt đầu từ năm 2013, gia đình bà bắt tay vào trồng mía. Vụ đầu tiên thu được 21 tấn, mang lại một khoản thu nhập tương đối khá. Ngoài cây mía trở thành cây xóa nghèo chủ lực thì gia đình cũng đã mua 4 con dê về chăn nuôi. Mấy năm lại đây, được sự vận động của xóm, bản và có thêm phụ giúp của con nên gia đình cố gắng trồng mía, nuôi dê, thu nhập khá hơn nên đã thoát nghèo”, bà Nghị vừa bế cháu, vừa tâm sự với chúng tôi.

Cũng tại xóm 4A, chúng tôi tiếp tục ghé thăm gia đình anh Cao Văn Tường và chị Nguyễn Thị Hoài. Vợ chồng anh chị có 3 người con đang theo học các cấp. Mấy năm trước, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, thu về 6 tạ thóc nên cuộc sống nhiều khi lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Cũng nhờ sự vận động của chi bộ, của xóm, gia đình anh chị đã rà soát quỹ đất, tập trung trồng mía, vụ ép 2013 - 2014 thu được 25 tấn. Ngoài ra, tận dụng mảnh đất vườn anh chị trồng được 100 gốc quýt, đến nay, diện tích quýt phát triển xanh tốt. Chị Hoài nói: “Lô này trồng được hơn 2 năm nên sắp cho thu hoạch. Tháng 7 vừa rồi, gia đình lại trồng thêm 260 gốc khác. Hy vọng, cây quýt sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thêm thu nhập”. Đầu năm 2013, gia đình chị Hoài được Nhà nước hỗ trợ cho một con bò giống để phát triển chăn nuôi, thoát được nghèo đói…

Trong suốt thời gian ở Nghĩa Mai, chúng tôi còn được chứng kiến nhiều gia đình khác đã biết vượt qua hoàn cảnh, vươn lên thoát nghèo. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Nhường: “Giảm nghèo là kế hoạch chỉ đạo trọng tâm hàng năm và xuyên suốt cả nhiệm kỳ của xã. Ngoài việc triển khai tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền tích cực khuyến khích người dân thi đua phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát huy tối đa tiềm năng trên lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, năm 2014, giá trị thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt hơn 10,7 triệu đồng/năm. Năm 2015, xã tiếp tục chú trọng phát huy tốt vai trò cán bộ, đảng viên ở cơ sở, tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân thay đổi cách làm, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Xã sẽ chọn một vài hộ nghèo làm điểm để tập trung hỗ trợ, giúp đỡ sản xuất, chăn nuôi, thoát nghèo bền vững. Từ đó tiếp tục nhân rộng cách làm hay, hướng tới giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho người dân”.

Nhật Lệ - Báo Nghệ An

Các tin khác

Hội Liên hiệp phụ xã Nghĩa Bình ra mắt mô hình Tổ tiết kiệm & vay vốn gắn với sinh hoạt cộng đồng

Hội Liên hiệp phụ xã Nghĩa Bình ra mắt mô hình Tổ tiết kiệm & vay vốn gắn với sinh hoạt cộng đồng

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Đàn trao quà chương trình “cặp lá yêu thương”

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Đàn trao quà chương trình “cặp lá yêu thương”

Trường Tiểu học  Nghĩa Sơn đón bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2

Trường Tiểu học Nghĩa Sơn đón bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2

Lễ ra mắt mô hình  điểm “Tổ Tiết Kiệm và Vay vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng” tại Nghĩa Đàn

Lễ ra mắt mô hình điểm “Tổ Tiết Kiệm và Vay vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng” tại Nghĩa Đàn

Ra mắt Hội đồng hương huyện Nghĩa Đàn - thị xã Thái Hòa tại TP. Hồ Chí Minh

Ra mắt Hội đồng hương huyện Nghĩa Đàn - thị xã Thái Hòa tại TP. Hồ Chí Minh

Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An rà soát, xây dựng mô hình điểm “Tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng” tại Nghĩa Đàn

Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An rà soát, xây dựng mô hình điểm “Tổ tiết kiệm và vay vốn bền vững gắn với sinh hoạt cộng đồng” tại Nghĩa Đàn

Đánh giá giá hoạt động tín dụng chính sách quí III, triển khai nhiệm vụ quí IV năm 2023

Đánh giá giá hoạt động tín dụng chính sách quí III, triển khai nhiệm vụ quí IV năm 2023

Bác Hồ và xây dựng văn hóa ứng xử gia đình

Bác Hồ và xây dựng văn hóa ứng xử gia đình