Về bản làng xa xôi Tân Thọ, xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Đàn nhắc đến xóm trưởng Hoàng Trung Kiên ai cũng trầm trồ thán phục bởi ngoài vai trò xóm trưởng 12 năm giúp dân xóa đói giảm nghèo anh còn là một người được mệnh danh “ 3 đầu 6 tay” trong phát triển kinh tế với mỗi năm thu nhập 400 triệu đồng.
Đường vào Tân Thọ rất khó khăn, dưới cái nắng mùa hè oi bức vẫn thấy bóng dáng của những chiếc áo mưa của người đi đường mặc để che bụi. Gặp chúng tôi anh Hoàng Trung Kiên chia sẻ : nhân dân ở đây còn khổ cái đường, mưa thì trơn, nắng thì bụi, nhưng trong các cuộc họp tui động viên bà con mình phải tự giúp mình thoát nghèo cái đã, muốn thoát ngèo phải thay đổi tư duy.
Cái tư duy mà anh nói đó là mạnh dạn thay đổi cách thức sản xuất, thay đổi cây trồng vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Những cái mà trước đây nhiều nông dân ở nơi anh sinh sống rất “ngại”. Ngại bởi sợ làm không được, bán không ai mua…
Đảm nhiệm vai trò xóm trưởng đã 12 năm, anh Hoàng Trung Kiên luôn tâm niệm trước tiên mình phải không ngèo thì nói dân mới tin, muốn vậy mình phải cái cái “ ngại” cố hữu trong đầu ra, phải xông pha. Vì vậy đầu tiên anh trồng mía, chỉ với 2 vợ chồng mỗi năm anh thu hoạch 350 đến 400 tấn mía, trừ chi phí cũng cho thu nhập 150 triệu đồng. Để trồng và chăm sóc được chừng ấy mía đối với nhiều người là một kỷ lục bởi theo người dân ở đây đất rất xấu cần đầu tư chăm sóc nhiều. Vì vậy để được những mùa mía “ngọt” ngoài thuê người làm anh phải dậy sớm tranh thủ thời gian để bỏ phân làm cỏ rồi mới quay về làm công tác xã hội. Trước tình hình giá mía xuống thấp, anh đã chuyển đổi 1,5 ha sang trồng cao su, 2 ha sang trồng cam. Theo anh dù mới 2 năm nhưng cây cam và cao su phát triển rất tôt. Trong quá trình cây chưa phân tán anh trồng xen cây dưa hấu trong cam, cao su, mỗi vụ cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Hoàng Trung Kiên cho biết: để có thu nhập được như vậy mình phải học hỏi kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật, giờ nuôi con gì trồng cây gì cũng phải có kỹ thuật.
Nhờ tiếp thu được khoa học kỹ thuật nên trong các cuộc họp xóm anh luôn khuyến khíc bà con mạnh dạn thay đổi và tiếp thu, không đi theo lối cũ, mạnh dạn đưa các cây trồng có giá trị vào. Với gần 100 hộ, trước đây chủ yếu thuần nông cây lúa và cây mía đến nay Tân Thọ có khoảng 40 hộ tham gia trồng cây dưa hấu, trồng cam quýt và cây cao su, một số hộ chuyển sang trồng bầu bí cho thu nhập khá.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng là một trong những người được xóm trưởng Hoàng Trung Kiên động viên chuyển đổi cây trồng, anh đã mạnh dạn trồng 2ha cao su và gần 1 ha dưa hấu, trong vụ dưa 2014 anh đã thu nhập được 50 triệu đồng. Anh Hoàng cho biết: xưa nay mình và bà con ở đây làm ăn theo lối cũ, sợ thay đổi sẽ không hiệu quả, mất mùa nhưng được xóm trưởng động viên nhiệt tình nên mình làm, làm thấy được nên có động lực làm tiếp .
Ngoài trồng trọt, xóm trưởng Hoàng Trung Kiên là một trong những người có nhiều trâu bò nhất xã Nghĩa Thọ, với 15 con trâu bò sinh sản, mỗi năm cho gia đình ít nhất 10 con bê, nghé, thu nhập trên 150 triệu đồng từ chăn nuôi hai loại gia súc này. Từ trồng trọt, chăn nuôi mỗi năm gia đình anh Kiên thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Để giúp những hộ nghèo gia đình khó khăn, anh cho một số hộ nuôi trâu rẽ, tức là cho mỗi gia đình không có điều kiện mua trâu nhận nuôi 2 con trâu sinh sản , sau một năm khi trâu sinh đẻ, được nhận một con nghé về nuôi. Đó là cách gián tiếp để anh giúp nhiều hộ nghèo có vật nuôi để thoát nghèo. Bên cạnh đó anh vận động các hộ chuyển sang chăn nuôi bò, vì thời gian quay vòng trong nuôi bò nhanh hơn, vì vậy xóm Tân Thọ hiện nay có hơn 50 hộ chăn nuôi bò với số lượng trên 200 con, cá biệt có những hộ nuôi đến 30 con bò, đây là xóm có số lượng bò lớn nhất xã Nghĩa Thọ toàn xã có 350 con). Hiện nay nhân dân trong xóm cũng mạnh dạn chăn nuôi dê và các loài vậ có giá trị khác.
Anh Hoàng Trung Kiên đang giới thiệu cách chăm sóc đàn bò cho cán bộ, nhân dân học tập
Xóm Tân Thọ có gần 100 hộ, trong đó 30% đồng bào dân tộc thiểu số, những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, nhưng nhờ những nỗ lực trong phát triển kinh tế mà năm 2014 xóm còn 17% hộ nghèo. Đây là một nỗ lực rất lớn của xóm bởi Nghĩa Thọ là xã đặc biệt khó khăn của Nghĩa Đàn.
Với vai trò xóm trưởng, phó bí thư chi bộ anh luôn vận động đảng viên phải đi trước, chi bộ có 10 đảng viên thì không có đảng viên nghèo, đảng viên cũng là những người đi đầu trong các phong trào như hiến đất làm đường, vì vậy nhân dân Tân Thọ cũng rất hưởng ứng trong phong trào giải tỏa hành lang giao thông để mở đường.
Ông Lê Ngọc Uyển- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ cho biết: Nghĩa Thọ là xã khó khăn thuộc diện 135 của huyện Nghĩa Đàn, đồng bào ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua xã cũng vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Xóm Tân Thọ là điển hình nhờ xóm trưởng gương mẫu đi đầu, không chỉ phát triển kinh tế gia đình giỏi mà anh Hoàng Trung Kiên còn giúp nhân dân thay đổi cách thức sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đây không chỉ là mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế địa phương xã đang tuyên truyền nhân rộng mà còn là mô hình xóm trưởng gương mẫu được đảng ủy chính quyền đánh giá cao và tuyên truyền để các xóm khác học tập.
Xóm trưởng Hoàng Trung Kiên nói với chúng tôi: “trước đây còn vất vả tôi động viên vợ : không ai khó ba đời và luôn là điểm tựa vững chắc để vợ con cố gắng. Khi làm xóm trưởng tôi luôn động viên nhân dân cứ làm đi, cứ thay đổi cây trồng vật nuôi, trên có huyện, xã giúp, dưới có xóm đỡ đần. Mình tạo điểm tựa, niềm tin cho dân để dân mạnh dạn thay đổi”. Thay đổi tư duy, tạo niềm tin cho nhân dân trong xóm chính là chìa khóa giúp xóa đói giảm nghèo. Để có điều đó có lẽ ngoài sự nhạy bén trong phát triển kinh tế còn cần sự nhiệt huyết, hy sinh của một người xóm trưởng ở vùng sâu vùng xa như anh.
Đinh Thùy- Đài Nghĩa Đàn