Với sự hiện diện của công nghệ kỹ thuật cao, dự án chăn nuôi bò và sản xuất sữa tươi TH đem lại kỳ vọng một điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp nhằm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tư duy, trình độ sản xuất của người lao động, tạo nên một viễn cảnh mới trên miền Tây Nghệ An. Tuy nhiên, đã 5 năm dự án được triển khai (từ tháng 10/2009), ánh sáng của khoa học kỹ thuật dường như mới chỉ chiếu sáng phía bên trong hàng rào dự án.
Dự án trang trại bò sữa TH có diện tích quy hoạch giai đoạn 1 (2009 - 2015) là 12.600 ha, trong đó 4.500 ha liên kết, liên doanh trên đất của người dân, 8.100 ha còn lại là đất thu hồi của các nông, lâm trường. Hiện, huyện Nghĩa Đàn - nơi triển khai giai đoạn 1 của dự án - đã bàn giao 2.300 ha. Đây là đất thu hồi từ 4 công ty nông, lâm trường: Công ty TNHH MTV Cà phê - cao su Nghệ An, Công ty rau quả 19/5 Nghệ An, Công ty TNHH MTV 1/5 Nghệ An, Lâm trường Nghĩa Đàn thuộc Công ty TNHH MTV Lâm - nông nghiệp Sông Hiếu. Tìm hiểu đời sống của người dân có đất nhận khoán sau khi bàn giao lại đất, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng thiếu việc làm, thừa lao động.
Chị Thái Thị Hòa (xóm Lê Lai, xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn) - một trong những người thuộc diện bàn giao đất cho Công ty TH.
Ông Đỗ Hồng Công, công nhân Nông trường Tây Hiếu 2, thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê - cao su Nghệ An, cho biết: "Dân rất cần có đất, vùng này bao đời nay chủ yếu làm nông nghiệp. Không có đất là không có việc, con em ở đây phải đi làm ăn xa...". Nhất là đối với những lao động có diện tích đất trồng cam, chanh đem lại thu nhập khá lớn trước đây, cuộc sống nay đây mai đó, việc làm không ổn định là một sự thay đổi lớn theo hướng tiêu cực với bà con nơi đây. Một số người lường trước được hệ luỵ của việc bàn giao đất đã đầu tư số tiền hỗ trợ thanh lý sớm hợp đồng giao khoán đất vào chuyển đổi sang ngành nghề khác như chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Chị Phan Thị Nhàn ở xóm Sơn Hạ, xã Nghĩa Sơn là 1 ví dụ. Sau khi bàn giao đất cho Công ty TH, gia đình chị đã chuyển sang nuôi đàn dê với 30 con, 6 con trâu, bò, 2 ổ lợn nái. Tuy nhiên, chị Nhàn vẫn mong muốn được gắn bó với nghề trồng cam quen thuộc. Chị sang xã Nghĩa Yên thuê đất trồng cam theo hình thức: người thuê đầu tư vốn và công, lợi tức thu hoạch chia theo tỷ lệ người thuê: 2, người cho thuê: 1. Như thế dù vất vả nhưng cuộc sống ổn định hơn nhiều người, mà theo chị Nhàn là "lấy tiền đền bù đi trả nợ, xây nhà, sắm sanh, chẳng mấy chốc cũng hết sạch. Không có vốn, không có đất, không có việc làm, khổ lắm".
Gia đình chị Thái Thị Hoà, xóm Lê Lai là 1 trong số 30 hộ không đồng ý cho kiểm đếm, bàn giao đất ở xã Nghĩa Hiếu. Chị giải thích, 2 ha đất gia đình chị thuê khoán của Nông trường Tây Hiếu 2 đang rất hiệu quả. Với 1 ha cam già và 1 ha cam non sắp cho thu hoạch, cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Khi nói đến viễn cảnh lương công nhân TH hay như một số người sau khi bàn giao đất phải đi làm thuê cho hộ có đất như gia đình chị, chị Hoà than thở: "Tiếc lắm. Biết là rồi cũng phải trả nhưng cố làm thêm được vụ nào hay vụ ấy".
Qua tìm hiểu, có thể chia người dân có đất trong quy hoạch thu hồi thành 2 nhóm: nhóm công nhân có tham gia đóng BHXH cho nông, lâm trường và nhóm nhận giao khoán, thuê đất không đóng BHXH. Khi thu hồi đất cả 2 nhóm đều được hưởng chính sách hỗ trợ 40% giá trị cho diện tích đất canh tác (96 triệu đồng/ha), thêm vào đó là đền bù thiệt hại về hoa màu, cây trồng trên đất. Điểm khác biệt là trong khi nhóm công nhân có đóng BHXH được Công ty TH nhận vào làm việc sau khi thu hồi đất, thì đối với nhóm còn lại, chỉ những người đáp ứng tiêu chuẩn nữ dưới 35 tuổi, nam dưới 40 tuổi mới được xét tuyển. Tiêu chuẩn này do nhà đầu tư đặt ra, dựa trên cơ sở quy định về thời hạn đóng BHXH. Như vậy, phân hoá cơ cấu lao động, ngành nghề đã bắt đầu nhen nhóm từ đây. Trong khi một số bộ phận người lao động ngay lập tức tham gia vào guồng sản xuất mới, thì bộ phận còn lại phải tự đi tìm chỗ đứng cho mình trong guồng quay của hoạt động kinh tế - xã hội. Và, không phải ai cũng thành công…
Trao đổi với ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, ông Sơn cho biết, có khoảng 1.700 hộ dân trong diện quy hoạch thu hồi đất, với khoảng 4.000 lao động. Trong đó, có khoảng 900 lao động là công nhân đóng BHXH cho các nông, lâm trường, đã được Công ty TH nhận vào làm việc. Như vậy, số lao động dôi dư ra là hơn 3.000 người, chưa kể với mô hình sản xuất canh tác truyền thống, 1 lao động chính đi kèm theo nhiều lao động phụ, nên con số lao động không có việc làm trên thực tế có lẽ nhiều hơn thế. Vậy số lao động đó đã và đang đi về đâu? Ở Nghĩa Sơn, nơi mà 1.640 ha đất canh tác sau thực hiện thu hồi chỉ còn 12 ha, tức chỉ còn hơn 0,7%; ông Nguyễn Hữu Quý - Chủ tịch UBND xã cho biết, người dân sau thu hồi đất phải đi xâm canh, thuê đất của các xã lân cận để canh tác, hoặc đi làm công, lập các tổ đội thợ, đi xuất khẩu lao động…
Ông Quý cũng cho biết thêm, sau khi thu hồi đất, cơ cấu ngành nghề của địa phương đã có sự dịch chuyển đáng kể, từ một xã mà nông nghiệp chiếm 70 -75% tỷ trọng cơ cấu ngành nghề, nay giảm xuống chỉ còn 38%. Tương tự, ở xã Nghĩa Lâm, hiện nông nghiệp chiếm 57% tỷ trọng cơ cấu ngành nghề thay vì 80% trước đây. Nhưng khi được hỏi, số phần trăm tỷ trọng đó dịch chuyển về những ngành nghề gì, thì cả ông Nguyễn Hữu Quý - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn và bà Nguyễn Thị Thanh Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm đều cho biết không nắm được cụ thể, đồng thời thừa nhận việc chuyển đổi ngành nghề chủ yếu do bà con tự thân vận động và chưa đi vào cơ cấu ổn định. Bên cạnh đó, chúng tôi quan sát thấy tình trạng đáng chú ý xảy ra trong bộ phận lao động được vào làm công nhân Công ty TH. Ông Phạm Xuân Đức - Giám đốc Nông trường Tây Hiếu 2 cho biết, nông trường có 110 công nhân được Công ty TH nhận vào làm việc. Nhưng với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng, chi phí xăng xe cho quãng đường lên đến 60 km đi và về, vừa tốn kém vừa vất vả khi phải làm ca 1, 2h sáng, nhiều người đã bỏ việc.
Ông Hoàng Ngọc Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) cho biết, sau khi thu hồi và bàn giao đất cho Công ty TH, xã có 450 lao động dôi dư vì không có đất sản xuất. Một số gia đình sau khi nhận tiền hỗ trợ cũng đã tìm cách đầu tư vào những ngành nghề như: mua sắm phương tiện vận tải, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, chăn nuôi, xuất khẩu lao động... nhưng số này không nhiều. Sắp tới khi 115 ha đất của Nông trường Tây Hiếu 2 tiếp tục bàn giao cho Công ty TH sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến gần 100 hộ. Trong số đó, hiện nay có 60 hộ đồng ý kiểm đếm, còn khoảng 30 hộ chưa đồng tình. “Vì cơ bản sau thu hồi đất, các hộ dân không có việc làm. Đây là bài toán khó cho địa phương” – ông Lĩnh chia sẻ.
Như vậy, có thể thấy điều mà người dân đang băn khoăn là Dự án TH nói chung và việc thu hồi đất nói riêng có trách nhiệm như thế nào trong việc người dân chật vật chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Suy cho cùng, việc dôi dư lao động khi chuyển đổi phương thức sử dụng đất từ loại hình canh tác nông nghiệp thủ công sang sản xuất theo dây chuyền công nghiệp hiện đại là điều tất yếu. Bởi, một trong những mục đích của ứng dụng khoa học kỹ thuật chính là tăng lượng thành phẩm, giảm số lao động, chính là tăng hiệu suất lao động bình quân đầu người lên mức tối đa. Như vậy, đòi hỏi giữ nguyên số lao động khi đã thay đổi kỹ thuật, hình thức sản xuất là đi ngược lại hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả sử dụng lao động. Một hệ luỵ đi kèm của việc lao động giảm xuống là quá trình chọn lọc, đào thải những lao động không đáp ứng được trình độ cần thiết để tham gia vào dây chuyền sản xuất kiểu mới.
Đã có 25 hộ dân ở xóm Tân Lâm (Nghĩa Lâm) tự di chuyển, tìm nơi tái định cư mới.
Về lý, nhà đầu tư đã làm những điều họ cần làm, giữ đúng cam kết tiếp nhận các công nhân thuộc các nông trường có đất thu hồi, ưu tiên những hộ có diện tích đất bàn giao lớn, tạo điều kiện cho con em địa phương. Điều duy nhất chúng tôi thấy cần đặt câu hỏi cho nhà đầu tư là: họ đã lan toả được sức mạnh khoa học kỹ thuật, tư duy sản xuất theo mô hình công nghiệp đến cho vùng miền Tây Nghệ An như đã hứa hẹn chưa? Cụ thể là đối với những lao động được nhận vào Công ty TH, bao nhiêu trong số đó được đào tạo, nâng trình độ, giá trị lao động và bao nhiêu trong số đó vẫn chỉ là lao động phổ thông, làm những công việc không khác gì nền chăn nuôi, sản xuất truyền thống? Đặc biệt là thu nhập của họ, đã được nâng lên chưa? Đối với bộ phận người lao động còn lại, dự án đã có sự lan tỏa, hỗ trợ trong vai trò bà đỡ, hay đòn bẩy để thay đổi cách làm kinh tế của họ như thế nào, tạo mối liên hệ lợi ích với họ ra sao? Rõ ràng, vùng đất được kỳ vọng trở thành cái “rốn” khoa học kỹ thuật của miền Tây Nghệ An, đáng ra phải là điểm nóng trên thị trường lao động, nay mới chỉ manh nha dịch chuyển.
Theo lẽ tự nhiên, bất cứ hiện tượng, sự vật gì cũng có khả năng tự điều hoà, thích nghi với thay đổi. Nhưng quan trọng là theo chiều hướng nào và mất bao nhiêu thời gian? Nếu không có bất cứ can thiệp nào từ bên ngoài, khoảng 15 năm nữa, số lao động dôi dư (hầu hết là nữ trên 35 tuổi, nam trên 40 tuổi) sẽ hết tuổi lao động, thế hệ lao động trẻ sinh ra trong môi trường mới sẽ có ưu thế trong nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động cũng như lợi thế về trình độ. Như vậy, có thể ước tính, sẽ cần 15 – 20 năm để cơ cấu lao động tại huyện Nghĩa Đàn đi vào quỹ đạo ổn định. Tuy nhiên, nên nhớ rằng không có cái gì tự nhiên sinh ra hay mất đi. Về bản chất, 3.000 lao động bị cắt giảm khi chuyển giao từ loại hình sản xuất này sang loại hình sản xuất khác, đồng nghĩa với việc có 3.000 vị trí mới được sinh ra.
Dây chuyền sản xuất của TH có thể không cần đến 3.000 con người để vận hành, nhưng nó cần nguồn cung cấp đầu vào gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống, thêm vào đó là các nhu cầu phát sinh đi kèm, nhằm phục vụ cho dây chuyền khổng lồ này. Chắc chắn ở đâu đó trên vùng đất của dự án, vẫn còn những chỗ trống cho các lao động dư thừa của nền nông nghiệp cũ. Tìm ra những chỗ trống đó, định hướng cho người lao động là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Một khi đã nắm bắt được nhu cầu của nhà đầu tư, nỗ lực đổi mới để đáp ứng được nhu cầu đó, lúc này mới cần bàn đến trách nhiệm của nhà đầu tư trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Tin rằng không có lý do gì nhà đầu tư lại từ chối một nguồn cung tại chỗ, chất lượng, dồi dào khi mà họ đang có cầu. Nhất là điều đó còn có ý nghĩa là sự thể hiện thiện chí, trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc góp phần ổn định đời sống dân sinh trên địa bàn dự án đứng chân.
Như vậy, tình trạng bất cập trong giải quyết việc làm, tái cơ cấu lao động sau khi dự án có mặt trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn là có thật. Tuy nhiên, không thể đổ hết trách nhiệm lên nhà đầu tư khi thực tế người lao động chưa bắt kịp được tiến độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sở dĩ người lao động vẫn còn “đứng” bên ngoài hàng rào dự án, là bởi bộ phận chỉ đường, định hướng cho họ cũng như vậy. Chỉ đến khi nào chính quyền các cấp thực sự vào cuộc, dẫn dắt người dân, bảo vệ quyền lợi của họ bằng các thoả thuận, trao đổi, thậm chí là yêu cầu đối với nhà đầu tư, thì cả “3 nhà“ mới có thể phá bỏ mọi rào cản, cùng nhau phát triển nông thôn mới nói riêng và xã hội mới nói chung.
Đào Tuấn - Thục Anh - Báo Nghệ An