Sự có mặt của Tập đoàn TH mang theo luồng gió mới của thời đại công nghệ kỹ thuật, của máy móc và mô hình sản xuất dây chuyền quy mô lớn đến miền Tây Nghệ An. Nhưng luồng gió ấy, dòng sữa ấy có làm dịu mát, tươi mới được từng tấc đất, con người của vùng đất Phủ Quỳ này không, hay đâu đó vẫn còn "Gió qua miền tối, sáng"?
Thực hư vấn đề ô nhiễm môi trường
Triển khai từ năm 2009, bắt đầu đi vào hoạt động năm 2010, dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn nhận được những phản ứng đầu tiên từ người dân địa phương về vấn đề môi trường năm 2012. Cụ thể, mùa mưa năm 2012, tiếp đến là năm 2013, bồn chứa nước thải tại điểm tập kết của trang trại số 2 và số 3, thuộc cụm trại 1 bị vỡ, nước thải tràn xuống nhà dân. Ngoài sự cố này, vấn đề thường trực khiến người dân bức xúc là ô nhiễm về mùi, ô nhiễm nước và bụi, chất thải rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Chúng tôi đã tiếp xúc với một số hộ thuộc xã Nghĩa Sơn và Nghĩa Lâm - 2 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ trang trại chăn nuôi và khu chế biến thức ăn cho bò để tìm hiểu thực tế tình trạng ô nhiễm mà người dân phản ánh.
Chị Phan Thị Nhàn, xóm Sơn Hạ, xã Nghĩa Sơn, sống ở ngay sát hàng rào Trung tâm chế biến thức ăn và trại bò số 5 và 6 (thuộc cụm trại 2) chỉ cho chúng tôi thấy đoạn kênh đất phía sau vườn nhà. Lòng mương tù đọng lại một lớp sình, đen đặc, bốc mùi khó chịu. "Khi mô họ vắt sữa, dọn chuồng là sữa, nước phân lại chảy xuống, trông rất ô uế. Mùi thì nói cả ngày cũng không hết, mùi cỏ, mùi men ủ, mùi phân, phải bịt giấy cạc tông che hết cửa trong nhà. Thức ăn dọn ra để một lúc là biết ngay". Chị Nhàn than phiền, rồi nói thêm là lâu dần cũng phải quen với mùi hôi thường trực. Nhưng "Còn nguồn nước nữa chớ, nhà có cái giếng, khi bò của TH chưa về, họ về kiểm tra nói nước đạt chỉ số 7.0, không cần mua thuốc hay xử lý chi hết. Giờ 1 tháng, phải bơm lên xả 1 lần vì hôi. Nhưng về lâu dài như thế chắc cũng sinh bệnh tật...".
Đoạn mương đất nối liền với hệ thống thu gom nước thải của Trung tâm chế biến thức ăn của Công ty TH. (ảnh chụp tại xóm Sơn Hạ - Nghĩa Sơn)
Cũng nằm sát vách tường rào với trang trại bò TH (trại số 3, cụm trại 1) là gia đình ông Bùi Xuân Nhì ở đội 12, xóm Tân Lâm, xã Nghĩa Lâm. Trái khoáy hơn, mặt bằng gia đình ông và 6 hộ khác đang sinh sống thấp hơn trại bò từ 2 đến 5m, tuỳ hộ. Theo ông Nhì, ngoài mùi hôi ra, cứ trời mưa là nước lại tràn từ trại xuống vườn, thậm chí trôi vào trong nhà, nhớp nhúa không chịu được. Xóm Tân Lâm có 32 hộ trong diện di dời, 25 hộ nhận kinh phí hỗ trợ, đền bù, tự tìm và di chuyển đến nơi định cư mới. Còn lại 7 hộ vẫn nơm nớp vì phải “sống chung với lũ”. Anh Kiều Văn Kết - Xóm trưởng xóm Tân Lâm cho biết, tình hình ô nhiễm hiện nay so với cách đây 1 năm (tức năm 2013, khi diễn ra sự cố vỡ bồn chứa) có được khắc phục hơn, nhưng chính ông Rami Hamad - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sữa TH cũng nói với anh rằng, cần ít nhất 1 năm rưỡi nữa mới có thể giải quyết triệt để vấn đề môi trường tại các cụm dân cư.
Nước ao, hồ ở xóm Sơn Hạ (Nghĩa Sơn) bị biến đổi màu.
Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Quý - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn về những phản ánh của người dân, ông khẳng định, cách đây 1 năm, tình trạng xe vận chuyển chất thải gây bụi và rơi vãi phân trên đường; chôn, lấp gia súc chết; nước thải của trang trại tràn xuống nhà dân; đổ nước phân chưa qua xử lý ra đồng (thuộc đất dự án)... là có thật. Hiện nay, vấn đề nước thải đã được giải quyết sau khi nhà đầu tư hoàn thành hạng mục nhà máy xử lý nước thải. Về phía chính quyền địa phương, đã yêu cầu nhà đầu tư cam kết đảm bảo quá trình vận chuyển chất thải và thức ăn ủ chua cho bò không được ảnh hưởng đến cảnh quan và đời sống người dân; đồng thời, lực lượng cảnh sát giao thông cũng vào cuộc kiểm soát vận tốc xe vận chuyển. Người dân được khuyến khích, nếu thấy tình trạng xe chạy quá tốc độ, làm rơi vãi phân hay gây bụi bặm trên đường, có thể gọi đến đường dây nóng báo cho cảnh sát giao thông xử lý ngay lập tức.
Cũng theo chính quyền địa phương, bên phía chủ đầu tư đã có những động thái tham gia khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường. Cụ thể hơn, năm 2013, Công ty TH hỗ trợ mỗi hộ dân tại các cụm dân cư trong vùng bị phân bò tràn vào nhà 2,7 triệu đồng để mua thùng 1.000L chứa nước sạch (nước mưa) phục vụ sinh hoạt. Tuy vậy, vì không phải lúc nào trời cũng mưa nên thùng chứa không đủ để phục vụ sinh hoạt. Nhiều hộ dân cứ 3 ngày lại phải đi mua 1 bình nước sạch, loại 20 lít với giá 15.000 đồng/bình.
Để tìm hiểu những giải pháp mang tính lâu dài mà Công ty TH đã và đang triển khai để cải thiện vấn đề môi trường, chúng tôi thực hiện chuyến "tham quan" một số trang trại chăn nuôi bò sữa và các công trình phụ trợ thuộc dự án của Tập đoàn TH. Ông Lê Khắc Cương - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sữa TH cho biết, hiện nhà máy xử lý nước thải phục vụ cho cụm trại 1 với công nghệ Hà Lan đã có thể xử lý 1,500m3 nước thải/ngày. Sau khi thu gom nước thải từ cụm trang trại về trung tâm qua hệ thống kênh mương thu gom và cống ngầm, nước thải sẽ được xử lý vi sinh, xử lý hoá chất, lắng lọc trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó, hàng ngày, công nhân của nhà máy đều lấy mẫu nước ở điểm xử lý cuối cùng, kiểm tra các chỉ số theo cách thủ công để kịp thời phát hiện nếu hệ thống gặp sự cố kỹ thuật. Nước do nhà máy xả ra môi trường qua kiểm định của Chi cục bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn B theo Quy Chuẩn Việt Nam, tức đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Về việc xử lý gia súc chết, hiện công ty đã đầu tư lắp đặt lò thiêu gia súc theo công nghệ Israel, không còn tình trạng chôn gia súc chết như người dân phản ánh trước đây.
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi băn khoăn là hiện nay, mỗi ngày, các trang trại bò của Công ty TH thải ra khoảng 2.000m3 chất thải, trong khi mới xử lý được 1.500m3. Vậy 500m3 sẽ “chạy” đi đâu? Ông Lê Khắc Cương - cho biết, hiện tại, công ty đang tiến hành vận chuyển số chất thải nói trên bằng các xe ô tô chuyên dụng đến chôn lấp tại các cánh đồng nguyên liệu rộng lớn của công ty, một số khác được sử dụng để tưới cho đồng cỏ. Ông Cương cũng nói rằng, công ty đang tìm mọi cách khắc phục tình trạng ô nhiễm, nhưng riêng với mùi thì theo cách giải thích của ông Phó Tổng Giám đốc Công ty TH thì mỗi hộ dân chỉ cần nuôi 1 con bò đã có mùi. Vậy nên, việc khắc chế được mùi hôi đối với hệ thống trang trại với hàng chục ngàn con bò là điều khó thực hiện. Về điều này, nhiều người, từ các cán bộ của Công ty TH, chính quyền các địa phương, cho đến lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn cũng chung cách giải thích.
Như vậy, theo quan sát của phóng viên, vấn đề ô nhiễm môi trường do tác động của dự án có thể chia thành 2 loại: nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan do nhà đầu tư, khâu xử lý chất thải không kịp thời ở thời gian đầu mới triển khai và đi vào hoạt động. Công ty TH có thể đã quá coi trọng việc đầu tư trang trại bò, sớm đưa sản phẩm ra thị trường mà quên mất rằng, hệ thống xử lý chất thải, các công trình, giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường cũng phải được tiến hành đồng thời. Việc xây dựng các hạng mục thiếu đồng bộ, dẫn đến quy trình sản xuất không vận hành theo quy trình khép kín đúng nghĩa.
Nhà máy xử lý chất thải số 1 của Công ty TH.
Về nguyên nhân khách quan, với địa hình khu dân cư thấp hơn hẳn khu chuồng trại, việc nước và chất thải từ trang trại chảy từ nơi cao xuống nơi thấp khi trời mưa là điều tất yếu và không hoàn toàn do lỗi của nhà đầu tư. Tại sao lại xảy ra tình trạng người dân sống dưới chuồng bò như vậy? Do người làm công tác khảo sát, tham mưu quy hoạch sơ suất hay vì một lý do nào khác nên những người dân nơi đây chưa thể có một nơi ở mới đáp ứng khoảng cách an toàn với vùng dự án?
Di dời, tái định cư: Kẻ ở, người đi
Một số hộ nơi phóng viên đến tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm môi trường nằm trong diện phải di dời, tái định cư ra khỏi vùng dự án, nhưng đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện. Anh Kiều Văn Kết, Xóm trưởng xóm Tân Lâm cho biết, ngoài 1 số gia đình có điều kiện tự thu xếp nơi ở mới, đã tự nguyện di dời và nhận trợ cấp, các hộ còn lại vẫn chờ quy hoạch di dời, tái định cư của chính quyền. Ví dụ, đội 12, xóm Tân Lâm còn 7 hộ chưa di dời, tiếp tục sống sát hàng rào của trang trại bò. “Bây giờ bà con không ai có tâm trí để duy trì, tham gia một phong trào nào cả. Đường sá cũng không tu bổ, sửa sang. Vườn tược đang biến thành vườn hoang. Mọi người mong muốn sớm được di dời đến nơi tái định cư…” - anh Kiều Văn Kết bộc bạch.
Trao đổi với ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, được biết, trên tổng số 650 hộ nằm trong trung tâm chăn nuôi được quy hoạch di dời, tái định cư, đến nay, ngoài 25 hộ dân tự nguyện di dời và nhận 23,5 tỷ đồng hỗ trợ, bồi thường, việc di dời các hộ còn lại vẫn chưa thể thực hiện. "Bình quân số tiền đền bù, hỗ trợ cho mỗi hộ di dời là 1 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cần khoảng vài trăm tỷ. Như vậy, 650 hộ dân tức là cần ít nhất 1.000 tỷ đồng. Rất khó". Giải pháp trước mắt huyện Nghĩa Đàn dự định thực hiện là xác định lại vùng dân cư phải di dời. "Qua khảo sát thấy, có 160 hộ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng, nhất định phải di dời. Số còn lại, mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn, trước mắt, huyện sẽ vận động ở lại. Tỉnh và huyện sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng, điện - đường - trường - trạm...", giải pháp này theo ông Sơn, cơ bản được người dân đồng tình. Khu tái định cư cho 160 hộ dân cũng đã được quy hoạch tại xóm Yên Khang - xã Nghĩa Lâm (do người dân tham gia lựa chọn và đã đồng ý), đang trình kế hoạch lên chính quyền các cấp. Như vậy, quy mô giải phóng mặt bằng vùng vành đai dự án sẽ được rút gọn lại, từ 7 xóm là Đông Lâm, Tân Lâm, Cuồn Đá, Nghĩa Chính (Nghĩa Lâm) và Sơn Hạ, Sơn Trung, Làng Bé (Nghĩa Sơn) xuống còn 2 xóm là Tân Lâm, Đông Lâm (Nghĩa Lâm) với khoảng 130 hộ và rải rác một số hộ thuộc các xóm của xã Nghĩa Sơn.
Từ thực tế này, có 2 câu hỏi được đặt ra: Thứ nhất, việc giảm quy mô vùng vành đai ảnh hưởng là một giải pháp hoàn toàn bất đắc dĩ do thiếu kinh phí, hay là một sự kiểm đếm, rút gọn hợp lý phương án quy hoạch hơi "xa" ban đầu? Thứ 2, về lâu dài, liệu có đảm bảo được yếu tố môi trường đối với các hộ dân được quy hoạch lại, không di dời? Đối với câu hỏi đầu tiên, cả 2 khả năng nêu trên đều cho thấy những bất cập. Nếu việc khảo sát lần 2 tuân thủ quy chuẩn Việt Nam về thi công công trình, dự án gần khu dân cư và kiểm định mức độ cần di dời của khu dân cư một cách sát sao, thực tế nhất, phải chăng khâu khảo sát đầu tiên với con số 650 hộ cần di dời đã xảy ra thiếu sót? Chênh lệch lớn giữa quy mô của 2 phương án, từ 650 hộ rút lại còn 160 hộ (tức giảm xuống chỉ còn khoảng1/4 quy hoạch ban đầu), cho thấy có sự chênh lệch lớn về tính chính xác của 2 lần khảo sát.
Còn nếu quy hoạch ban đầu là chuẩn xác, thu nhỏ phạm vi vành đai nhằm "chữa cháy" cho việc thiếu kinh phí, thì có thể khẳng định, về mặt môi trường và điều kiện sống của người dân, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, là giải pháp tình thế. Bộ phận dân cư ở lại trong vành đai dự án chắc chắn dù ít hay nhiều cũng sẽ đối mặt với ô nhiễm môi trường. Câu hỏi đặt ra là đến mức độ nào, hoặc đến khi nào? Trừ khi chính quyền và nhà đầu tư có các giải pháp "cách ly" hoàn toàn vùng dự án và khu dân cư, đảm bảo không có 1 sự trao đổi chất (thải) nào giữa 2 quần thể; đảm bảo mọi khâu của quy trình sản xuất cùng các thành phẩm, hệ luỵ nằm gọn trong bức tường dự án; xây dựng diện tích giải phóng mặt bằng của 160 hộ dân thành vùng đệm xanh - vừa thân thiện vừa tạo điều kiện cho khả năng tự tái tạo, điều hoà của thiên nhiên.
Một dây chuyền sản xuất khép kín, có nghĩa là không tác động đến môi trường bao quanh nó. Đó có thể là một trong những tiêu chí khẳng định trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại, nhưng sẽ là đòn chí mạng đối với sức lan toả của dự án nếu giữ nguyên quan điểm "bế quan toả cảng" đó đối với con người trên vùng đất đã thai nghén nên dự án. Cụ thể hơn, ý tưởng lan toả sức mạnh kỹ thuật đến miền Tây Nghệ An đã thực sự chạm đến con người nơi đây, thay đổi họ, đồng hành cùng họ hay chưa?
Đào Tuấn - Thục Anh - Báo Nghệ An