Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch - hành trình đưa công nghiệp về trên vùng đất nông nghiệp ấy đã khai phá ra con đường mới không thẳng thớm, bằng phẳng mà có những gập ghềnh, quanh co ẩn khuất. Đó vốn là con đường mà miền Tây Nghệ An và Nghệ An nói riêng, Việt Nam và các nước đang phát triển nói chung phải đi qua để hướng đến cái đích công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiết chế phát triển tự phát, cân bằng giữa giá trị kinh tế trước mắt và các giá trị lâu dài như môi trường, ổn định xã hội là bài toán luôn cần lời giải hết sức thoả đáng để có thể tiến nhanh, tiến xa trên con đường này.
Môi trường - giá trị bảo đảm
Trước khi bàn về vấn đề môi trường trong Dự án TH, xin đưa ra đôi nét về môi trường và xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, các nước đang phát triển trở thành điểm nóng ô nhiễm môi trường vì những lý do sau:
Thứ nhất, trình độ hiểu biết và ý thức xã hội kém, sự bùng nổ dân số và đô thị hoá tự phát, kèm theo đó là mức sống và điều kiện sống thấp, khiến môi trường ở các nước đang phát triển luôn trong tình trạng tụt hậu hơn các nước phát triển.
Thứ hai, để nhanh chóng rút gọn khoảng cách với các nước phát triển, các nước đang phát triển thường xem nhẹ vấn đề môi trường, giảm thiểu chi phí, tăng công suất sản xuất. Đây cũng là chiến lược thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, khi các nước phát triển bắt đầu chú tâm và kiểm soát gắt gao vấn đề môi trường, các nhà đầu tư sẽ chuyển nhà máy sản xuất sang các nước đang phát triển để thoát khỏi những ràng buộc trên. Kết quả, thế giới thứ 3 trở thành xưởng sản xuất khổng lồ cho cả thế giới, còn người bản địa thì lãnh trọn hậu quả từ những chiếc ống khói...
Việt Nam là một nước đang phát triển, nên không ngoài thực tế chung là thiếu một tầm nhìn lâu dài về những giá trị bền vững, trong đó có môi trường. Cụ thể, nhà đầu tư và nhà quản lý thường xem nhẹ tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Ở đây chúng ta đang bàn về Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa TH, tại sao lại nảy sinh vấn đề môi trường, lý do vì khâu quy hoạch có những bất cập sau:
Thứ nhất, quy hoạch vị trí và các hạng mục công trình chưa bám sát với địa hình thực tế. Yêu cầu trước tiên đối với vùng dự án phải là vùng đảm bảo những điều kiện "sạch", tức là phải cách xa khu dân cư. Ở đây, người dân không chỉ sống cạnh dự án, mà còn sống dưới dự án theo đúng nghĩa đen. Nếu đã như vậy, nhà đầu tư nên linh hoạt, thay vì xây dựng ở khu vực sát cụm dân cư các công trình gây ảnh hưởng lớn nhất về môi trường như trại chăn nuôi, nhà máy chế biến thức ăn, thì nên xây dựng trung tâm điều hành, nhà máy sản xuất sữa, phòng thí nghiệm, v.v và v.v… Quy hoạch các khu vực cung cấp nguyên liệu ở trung tâm vùng dự án cũng giúp cho việc thu hoạch, thu gom thuận lợi hơn, tránh tình trạng vận chuyển nhiều, vừa tốn kém vừa tăng nguy cơ rò rỉ ra môi trường. Các bộ phận quản lý, điều hành, chế biến thành phẩm cuối cùng đặt ở vùng vành đai giáp khối dân cư là hợp lý, bởi ảnh hưởng không đáng kể, lại thuận lợi cho việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Thứ hai, lộ trình triển khai dự án thiếu đồng bộ. Ví dụ, giai đoạn 1 của dự án bắt đầu từ năm 2009, năm 2010 đã bắt đầu triển khai nuôi bò, nhưng đến tận năm 2012, Nhà máy xử lý nước thải mới được hoàn thành và đi vào hoạt động. Tương tự, hiện nay, đàn bò của cụm trại số 2 chiếm hơn nửa đàn bò của dự án, nhưng nhà máy xử lý nước thải số 2 vẫn đang trong quá trình thi công. Có thể thấy, lộ trình triển khai dự án của nhà đầu tư theo phương thức "cuốn chiếu", làm đến đâu vận hành đến đó. Cách làm này đương nhiên đem lại giá trị kinh tế trước mắt cao hơn cho nhà đầu tư, nhưng về bản chất, đây lại là cách làm manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Như vậy, yêu cầu là thay vì triển khai từng hạng mục riêng rẽ, với quy mô lớn, rồi vận hành rời rạc thì nên triển khai đồng bộ ở quy mô nhỏ và vận hành cùng lúc, vừa không làm phình to gói vốn đầu tư, vừa đảm bảo quy trình sản xuất có đầu, có cuối.
Nếu 2 bất cập kể trên nằm trong quy hoạch của nhà đầu tư, thì bất cập thứ 3 thuộc về phía chính quyền, đó là quy hoạch cơ sở hạ tầng thô cho vùng dự án và quy hoạch di dời khu dân cư. Được biết, đến nay, Nhà máy chế biến sữa của dự án TH vẫn không có nước sạch đủ tiêu chuẩn để sản xuất, mà phải mua nước đóng thùng cung cấp cho dây chuyền sản xuất. Đây là sơ suất mà chính quyền nên rút kinh nghiệm, tạo điều kiện cần và đủ cho nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Nghệ An đang tích cực thu hút đầu tư. Việc quy hoạch, di dời tái định cư cho người dân cũng đóng vai trò lớn trong việc tạo môi trường sạch cho cả Dự án và người dân. Một mặt, cuộc sống của người dân được ổn định và đảm bảo. Mặt khác, quan hệ tốt đẹp giữa nhà đầu tư và người dân địa phương sẽ là tiền đề cho những trao đổi có lợi cho cả 2 bên, chính là có lợi cho địa phương và tỉnh nhà. Để thực hiện được những điều này, cần đưa ra quy hoạch chính xác, cụ thể ngay từ đầu để tính toán, dự trù kinh phí và đưa ra những giải pháp khắc phục, bù đắp kinh phí nếu cần (thoả thuận với nhà đầu tư, lồng ghép các dự án phát triển nông thôn khác,...).
Tất nhiên, nói quy hoạch tức là nói đến kế hoạch, đến những gì sẽ xảy ra. Rút kinh nghiệm trong khâu quy hoạch là giải pháp lâu dài. Đối với những vấn đề cần khắc phục trước mắt, có thể xem xét một số giải pháp như trồng cây xanh trên diện tích giải phóng mặt bằng của 160 hộ dân (xem bài 2 trên Báo Nghệ An số ra ngày 16/9); lập nên vùng đệm bao quanh dự án để tăng khoảng cách an toàn giữa vùng dự án và khu dân cư còn lại. Về phía nhà đầu tư, cần gấp rút hoàn thành các hạng mục còn bỏ ngỏ trong quy trình sản xuất đầu - cuối; nâng cấp cơ sở hạ tầng trong vùng dự án; khảo sát toàn diện hệ thống thu gom, xử lý chất thải; tăng tính trực quan của hệ thống, cho phép đánh giá đơn giản và tức thì tình trạng hệ thống (ví dụ như lắp đặt hệ thống quan trắc trực tuyến,...). Thiết nghĩ, vấn đề môi trường là giá trị bảo đảm cho mọi sự phát triển, phản ánh sự bền vững và lâu dài. Đầu tư vào quy hoạch môi trường, chính là đầu tư vào tương lai.
Con người - giá trị xây dựng
Nếu vấn đề môi trường tác động âm ỉ, lâu dài đến đời sống xã hội, thì vấn đề con người lại ở ngay trước mắt. Tỷ lệ thất nghiệp cao, cơ cấu ngành, nghề không ổn định có thể ảnh hưởng tức thì và rõ nét đến bức tranh toàn cảnh xã hội: kinh tế dẫm chân tại chỗ, phổ cập giáo dục của các thế hệ sau bị hạn chế, tệ nạn xã hội nảy sinh. Tuy vậy, trong khi các giải pháp cho vấn đề môi trường cần thời gian để phát huy hiệu quả, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết nhanh chóng những bất cập trong vấn đề sử dụng con người. Lấy dự án TH làm điểm xuất phát tìm lối đi cho người nông dân, câu hỏi đặt ra là Dự án TH có những nhu cầu gì, bao nhiêu trong số nhu cầu đó đã được đáp ứng và chưa được đáp ứng?
Về đầu vào, hiện nhà đầu tư mới chỉ tự chủ được 65% nguyên liệu, 15% phải nhập từ nước ngoài. Như vậy, người nông dân có thể lập hợp đồng liên kết kinh doanh, cung cấp nguyên liệu cho nhà đầu tư. Đây cũng là ý tưởng của nhà đầu tư và đã được chính quyền địa phương ủng hộ, 2 bên đã phối hợp cùng nhau tổ chức hội thảo, vận động, tuyên truyền bà con trồng ngô và các loại cây phục vụ cho dự án. Các lớp khuyến nông cũng được tổ chức nhằm nâng cao trình độ của bà con, đơn cử như ở xã Nghĩa Lâm. Phía nhà đầu tư cam kết, nếu người dân đồng ý, nhà đầu tư sẽ hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi, liệu trên cánh đồng của người nông dân có thể xuất hiện những ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại của dự án hay không, thì nhận được câu trả lời là rất khó, bởi khoa học kỹ thuật chỉ có thể áp dụng cho sản xuất quy mô lớn.
Hệ thống tưới dàn
Như vậy, cần chính quyền địa phương vào cuộc, tổ chức một dạng hợp tác xã, quy hoạch đất canh tác của người dân thành mẫu lớn, phá bỏ bờ vùng, bờ thửa. Và đây chính là khi chính quyền và người dân cần vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa. Lúc đó, nếu nhà đầu tư giữ đúng cam kết hỗ trợ người nông dân, có thể nghĩ đến phương án cùng người nông dân cổ phần hoá các trang, thiết bị phục vụ sản xuất. Tất nhiên, để đưa được người tiểu nông với lối nghĩ manh mún vào một guồng quay quy mô lớn như vậy, vai trò định hướng, làm công tác tư tưởng và quản lý của chính quyền là hết sức quan trọng. Có như vậy mới thực sự lan toả được sức mạnh khoa học kỹ thuật của dự án trên vùng miền Tây Nghệ An, như tỉnh nhà đã kỳ vọng.
Về đầu ra, theo quan sát của chúng tôi, mặc dù là một dự án mang tầm vóc quốc gia, thậm chí là khu vực, nhưng hệ thống cửa hàng phân phối các sản phẩm sữa TH trên cả nước còn khá nghèo nàn, với 103 điểm phân phối chính thức, tại các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh (51 điểm), Hà Nội (44 điểm), Hải Phòng (1 điểm), Bắc Giang (1 điểm), Hải Dương (1 điểm), Ninh Bình (1 điểm), Thanh Hoá (1 điểm), Nghệ An (1 điểm), Hà Tĩnh (1 điểm), Cần Thơ (1 điểm). Như vậy, mạng lưới cửa hàng của TH chưa bao phủ rộng khắp cả nước, mật độ cũng chưa cao. Thậm chí, ngay tại Nghệ An - nơi dự án đứng chân, chỉ có duy nhất 1 cửa hàng phân phối nằm ở Thành phố Vinh, còn tại “thủ phủ” của dự án là huyện Nghĩa Đàn, thì không hề có bóng dáng 1 cửa hàng nào của thương hiệu TH. Vậy thì, dự án này đã bén rễ được vào tâm thức đất và người địa phương đến đâu, khi mà người dân nơi đây có lẽ còn chẳng có nhiều cơ hội để thưởng thức dòng sữa làm ra trên vùng đất của mình.
Tại sao không nghĩ đến việc gắn kết người dân tại đây với sản phẩm sữa TH bằng mối liên kết về lợi ích, tận dụng chính những con người này để quảng bá về sữa TH như một "đặc sản" địa phương, như cái cách mà người ta tự hào nhắc đến cam Xã Đoài, chè gay Anh Sơn, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn...? Ý tưởng là của nền nông nghiệp xưa cũ, nhưng cách thực hiện sẽ theo kiểu công nghiệp hiện đại: thành lập mạng lưới đại lý chính thức và cửa hàng vệ tinh với trung tâm của miền Trung là Nghĩa Đàn (trong đó có tận dụng tối đa lợi thế đường Hồ Chí Minh chạy qua huyện), rộng hơn là Nghệ An. Như vậy, vừa tạo việc làm trực tiếp cho lao động địa phương, vừa tạo điều kiện cho các ngành, nghề khác phát triển như giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ. Ngoài ra, việc tiếp cận với sản phẩm sẽ thúc đẩy người dùng tiêu thụ, nâng cao doanh thu: đồng tiền được xoay vòng từ tay nhà đầu tư đến tay người lao động, từ tay người tiêu dùng đến tay nhà đầu tư, từ nhà đầu tư đến tỉnh qua con đường thuế, từ tỉnh đến người dân qua các chính sách an sinh xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, chính là một vòng tuần hoàn lành mạnh cho sự phát triển của kinh tế và xã hội.
Ngoài ra, để đi từ đầu vào đến đầu ra của quy trình sản xuất, tất nhiên sẽ phát sinh các công đoạn, nhu cầu phụ. Ví dụ: giải quyết thịt của bò đực không mang lại giá trị sản xuất; cung cấp nhu yếu phẩm cho bộ máy điều hành dự án; nhân lực cho bộ phận vệ sỹ, bảo vệ, vệ sinh, vận chuyển; phục vụ nhu cầu ăn, ở, ngủ, nghỉ của người làm việc cho dự án; v.v và v.v… Cầu có rồi, nhưng cung chưa có, hay nói đúng hơn, chưa ai đứng ra tổ chức một cách bài bản, đào tạo và đảm bảo người lao động đạt trình độ đáp ứng được với môi trường công nghiệp của dự án. Như vậy, dự án cần người, người cần việc, yếu tố bắc cầu còn thiếu ở đây chính là sự nhập cuộc của chính quyền. Một mặt, chính quyền có trách nhiệm tuyên truyền, định hướng, tổ chức và tạo hành lang pháp lý cho các "hợp tác xã" nghề. Mặt khác, chính quyền phải thoả thuận, thậm chí yêu cầu nhà đầu tư cam kết phối hợp, hỗ trợ về mặt đào tạo lao động, tạo điều kiện cho con em của địa phương có việc làm ổn định.
Chung quy lại, dù có đổi mới, hiện đại hoá đến bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không bao giờ có thể phủ nhận hoàn toàn những tư tưởng đúng đắn của nền sản xuất truyền thống. Đó là sự phối hợp, gắn bó vì lợi ích chung, thể hiện qua mô hình hợp tác xã đã tồn tại từ thời bao cấp, đến nay vẫn có thể phát huy sức mạnh nếu chúng ta biết tận dụng, chuyển đổi sao cho khéo léo, phù hợp. Ở tầm nhìn vĩ mô hơn, là sự kết hợp giữa các "nhân vật" có vai trò, chức năng khác nhau trong xã hội là Nhà nước - nhà nông - nhà đầu tư - nhà tiêu dùng để cùng hướng đến sự phát triển bền vững cho tất cả. Cuối cùng, bài học kinh nghiệm đáng quý mà ông cha ta để lại, được chính các chuyên gia nước ngoài như ông Rami Hamad - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sữa TH công nhận: "Hãy trân trọng, giữ gìn và tận dụng những gì các bạn vốn có: đất đai, môi trường, con người. Tất cả những điều đó thật tuyệt, sử dụng chúng đúng cách là các bạn sẽ thành công!". Phát huy vốn cũ bằng tư duy mới, đó chính là chìa khoá để xây dựng nông thôn mới nói riêng và xã hội mới nói chung.
Đào Tuấn - Thục Anh - Báo Nghệ An