Xuất phát từ khát vọng thay đổi suy nghĩ và thói quen của người Việt về các sản phẩm từ sữa, tháng 10/2009, Tập đoàn TH triển khai dự án chăn nuôi bò sữa trên miền Tây Nghệ An, tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Từ đây, một tham vọng khác hình thành: đưa công nghệ cao vào sản xuất, biến vùng đất chuyên canh tác nông nghiệp thành vùng nông - công nghiệp. Vùng đất ấy bây giờ đã trở thành vùng đất hứa cho kinh tế, công nghệ kỹ thuật của tỉnh Nghệ An hay chưa?
Thu hoạch cỏ
Đến với Nghĩa Đàn hôm nay, không chỉ thấy bạt ngàn cam, chanh, cao su như trước nữa. Bây giờ, trên những khoảng đồng rộng có khi tới cả chục, trăm ha là mênh mông màu xanh của giống cỏ xứ lạ. Ông Lê Khắc Cương - Phó Tổng giám đốc Công ty CP sữa TH cho biết đó là cây cỏ mombasa, một trong những nguyên liệu chính chế biến thức ăn cỏ ủ chua cho bò sữa, chủ yếu nhập khẩu giống từ Mỹ. Nếu như năm 2012, diện tích đồng cỏ của dự án chỉ có 1.300 ha, tự cung cấp được 30% nguyên liệu thức ăn thì đến nay, diện tích đồng cỏ đã lên tới hơn 2.000 ha. Ông Cương cho biết, hiện dự án đã tự túc được 65% nguyên liệu nhờ đồng cỏ, 20% thu mua từ bà con, 15% còn lại phải nhập từ nước ngoài.
Việc tăng tỷ lệ nguyên liệu tự túc giúp giảm thiểu giá thành sản xuất, đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Canh tác thành công giống cây nước ngoài trên địa bàn tỉnh nhà bằng công nghệ cao (hệ thống tay robot tưới tự động, hệ thống thu hoạch,...) mở ra hy vọng về những "cánh đồng mẫu lớn", về một nền nông nghiệp mang quy mô công nghiệp. Đây chính là tư tưởng, “hồn cốt” của dự án, cũng là sự kỳ vọng, mong mỏi của tỉnh nhà khi thu hút về vùng đất Phủ Quỳ này một dự án làm nông nghiệp với quy mô lớn, vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ đô la, sử dụng các công nghệ hiện đại.
Đàn bò sữa của Tập đoàn TH
Quay trở lại với hành trình làm ra ly sữa TH: Cỏ sau khi thu hoạch sẽ được tập kết về nhà máy chế biến thức ăn, hay còn được gọi là "nhà bếp cho bò", ủ chua bằng men vi sinh. Cùng với các nguyên liệu khác như rơm, ngô, cao lương, với sự sắp xếp "lên thực đơn" bởi bếp trưởng là các chuyên gia nước ngoài và các phần mềm tính toán dinh dưỡng, khẩu phần ăn cho từng loại bò sẽ được chế biến bằng máy trộn (800 tấn/ngày). Bê con, bò tơ, bò cho sữa và bò cạn sữa, mỗi loại bò có một khẩu phần riêng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của từng nhóm, đảm bảo sức khoẻ, sự phát triển của bò và chất lượng sữa. Bên cạnh thức ăn thì nguồn nước cũng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu với chăn nuôi, đây là điều không hề thay đổi so với nhà nông trước đây. Nhà máy nước sạch theo công nghệ của hãng Amiad (Israel), khai thác trực tiếp nước sông Sào, thông qua các công đoạn lọc thô, lọc cát áp suất cao, lọc tinh, cung cấp 3.000 m3 nước/ngày, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sạch của các trang trại bò.
Dây chuyền vắt sữa hiện đại ở Tập đoàn Sữa TH
Không chỉ canh tác trên quy mô lớn, việc chăn nuôi bò sữa cũng được triển khai theo mô hình chăn nuôi tập trung. Với đàn bò lên đến 35.000 con, chia thành 2 cụm trại (7 trại), mỗi trại trung bình tập trung 5.000 con là một mô hình thu nhỏ của chuỗi chuồng trại - trung tâm vắt sữa - quản trị đàn và quản trị thú y. Đưa ra đánh giá, so sánh sẽ là khập khiễng, bởi đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chăn nuôi bò tập trung. Những ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật cao như quản lý đàn bò bằng chip theo dõi, máy quét kiểm tra tình trạng sức khoẻ, đo chất lượng sữa thông qua tính dẫn điện, quản lý bò bằng phần mềm quản trị và lập biểu đồ theo dõi từng cá thể bò (phần mềm cung cấp bởi Công ty Afifarm - Israel và Totally Vets - New Zealand)... đều hoàn toàn mới mẻ và xa lạ với tư duy của nhà nông truyền thống.
Trong mỗi khu trại mà đàn bò lên đến hàng nghìn con ấy, chỉ thấy thấp thoáng bóng dáng của một vài công nhân hoặc nhân viên kỹ thuật, càng khiến cho cảm giác của người tham quan về một dây chuyền tự động đến từng... con bò trở nên chắc chắn hơn. Hiện tại, số bò đang cho sữa của trang trại TH đã lên đến 13.000 con. Theo lộ trình của dự án thì trong giai đoạn 2009 - 2015, quy hoạch là 45.000 con. Quy hoạch tổng thể là 137.000 con, thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường của thương hiệu sữa TH.
Thí nghiệm, kiểm nghiệm để quản lý chất lượng sữa tươi trước khi chế biến
Từ cánh đồng đến đàn bò, cuộc hành trình đưa ly sữa sạch đến tay người tiêu dùng vẫn chưa kết thúc ở đây. Và có lẽ đây mới là mắt xích mang dáng dấp của nền công nghiệp hiện đại hơn cả trong chuỗi sản xuất khép kín của dự án chăn nuôi bò sữa này: Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH, đóng tại địa bàn xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn. Sữa bò được vắt bằng máy vắt tự động tại trang trại sẽ được lọc qua cốc lọc chuyên dụng ở 37 độ C rồi đi qua hệ thống làm lạnh, đi vào bể chứa lớn ở nhiệt độ 3 - 4 độ C. Sau đó, các xe bồn bảo quản lạnh sẽ vận chuyển sữa "thô" sang nhà máy chế biến và đóng gói thành thành phẩm cuối cùng. Bước chân vào nhà máy, chạm vào các giác quan không phải là ống khói hay tiếng máy móc ồn ã mà là những khoảng xanh gợi nhớ một cách nhẹ nhàng và mơ hồ về đồng cỏ.
Giữa không gian rất thiên nhiên ấy, sẽ thấy những bóng áo xanh, áo xám, áo trắng mải miết bên dây chuyền sản xuất tự động. Mỗi người một công đoạn, cần mẫn và đều đặn, thành thạo và chuyên nghiệp. Cũng chính những con người từng gắn bó với sản xuất theo lối tiểu nông ấy, hôm nay đây tự tin làm chủ những cỗ máy hiện đại bậc nhất. Xa rời những ha cam, chanh, cao su, gần 1.000 lao động trực thuộc các nông, lâm trường trước đây đến với TH (số lao động của TH là khoảng 1.400 người), trở thành những mắt xích nhỏ của một dây chuyền lớn. Nhỏ nhưng quan trọng, sự chính xác đến từng chi tiết chính là điều làm nên thành công của một dây chuyền quy mô công nghiệp.
Từ ngày 9/7/2013, giai đoạn 1 của nhà máy chế biến sữa đã hoàn thành và đi vào hoạt động, với công suất đạt 600 tấn/ngày (200.000 tấn/năm). Dự kiến giai đoạn 2 hoàn thành vào năm 2017 sẽ nâng tổng công suất lên 1.400 - 1.500 tấn/ngày (500.000 tấn/năm). Với 4 dòng sản phẩm bao gồm: sữa tươi tiệt trùng, sữa chua ăn, sữa chua uống men sống, dòng sản phẩm chức năng với hơn 30 loại, hương vị đa dạng, Tập đoàn sữa TH đang từng bước hiện thực hoá ý tưởng đưa nền công nghiệp sữa, cũng chính là đưa thể chất người Việt theo kịp thế giới.
Một góc dây chuyền đóng gói sữa tại Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH True Milk
Mai đây nếu có ghé qua vùng Phủ Quỳ, sẽ còn nhớ được bao nhiêu nông trường xưa, với những bóng người bé nhỏ cần mẫn bên những khoảng lô, vườn lúc về khuya hay tờ mờ sáng? Hay hình ảnh, ấn tượng về vùng đất này sẽ được vun vén trong dòng sữa tươi, mới, chảy từ đồng cỏ xanh, chảy qua những nhà máy chế biến thức ăn, nhà máy sản xuất nước sạch, nhà máy chế biến sữa, phòng thí nghiệm kiểm định,... Bấy nhiêu đấy cũng chỉ để rót vào một ly sữa sạch, hay chính là rót cả tâm tình, cả trí lực của đất và người quê ta?
Đào Tuấn - Thục Anh - Báo Nghệ An