Những năm qua, bằng sự năng động, sáng tạo Hội nông dân huyện Nghĩa Đàn đã thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” qua đó đã tạo ra sức lan tỏa mạnh và không khí thi đua sôi nổi trong phát triển kinh tế đồng thời xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo chân Chủ tịch Hội nông dân xã Nghĩa Long, chúng tôi tới thăm gia đình anh Đào Văn Hùng ở xóm Nam Kim là một trong những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của xã Nghĩa Long. Trước đây hoàn cảnh gia đình anh Hùng rất khó khăn, vợ mất sớm, con đông, đất đai không có, thiếu vốn sản xuất nên loay hoay mãi gia đình anh vẫn không tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp. Từ khi tham gia sinh hội nông dân được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT đã giúp anh thay đổi cách nghĩ, cách làm. Sau khi được Hội nông dân xã đứng ra tín chấp vay vốn từ ngân hàng CSXH huyện, anh Hùng đã thuê máy múc về đào ao thả cá, phía trên bờ, xây chuồng trại nuôi lợn và gà thịt. Với bản tính cần cù, ham học hỏi nên đàn lợn gia đình anh phát triển tốt, đến nay luôn giữ ổn định 50 đến 60 con, đàn gà thịt luôn xoay vòng lúc nào cùng duy trì 300 con, mỗi năm xuất chuồng 3 đến 4 lứa, thu nhập trên 250 triệu đồng. Anh Đào Văn Hùng cho biết: “Mình làm nông nghiệp ngoài cần cù, chịu khó học hỏi còn phải mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư lúc đó mới có thể phát huy hiệu quả được. Trước đây, gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời điểm năm 2010,khi vợ vừa mất, con đông, kiếm được cái ăn hàng ngày đã khó nói chi tính chuyện vươn lên làm giàu. Nhưng được Hội nông dân xã, xóm làng động viên, chia sẻ cả vật chất lần tinh thần, đến nay con cái đã có việc làm, mình thì ổn định với mức thu nhập từ mô hình ao chuồng nay”.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Đào Văn Hùng ở xóm Nam Kim xã Nghĩa Long
Không chỉ ở các địa phương ở trung tâm huyện mà phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã có sức lan tỏa đến từng xóm bản của các xã vùng sâu vùng xa. Ở xã Nghĩa Đức, có gia đình ông Trần Quốc Toản ở xóm 1 đã xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế từ trồng rừng và chăn nuôi hiệu quả.
Với lợi thế của gia đình có hơn 10ha đất rừng nhận khoán, năm 2003, sau khi được nghỉ công tác tại Xí nghiệp giống nuôi trồng thủy sản khe Đá, ông Trần Quốc Toản đã về đầu tư trồng rừng kết hợp chăn nuôi bò. Thời gian đầu, gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn, do kinh nghiệm còn ít, trong khi việc trồng rừng lại chưa mang lại hiệu quả, nhưng ông Toản vẫn quyết tâm bám trụ, hy vọng thay đổi cuộc sống. Rồi gia đình ông nuôi thêm 2 cặp bò sinh sản để chăn thả. Sau một thời gian, bò bắt đầu sinh sản và rừng cũng phát triển tốt, kinh tế gia đình có của ăn của để. Đến nay, sau hơn 10 năm xây dựng, có lúc đàn bò của gia đình ông lên đến 100 con, trong đó có từ 35- 40 con bò sinh sản. Ông Trần Văn Toản xóm 1 xã Nghĩa Đức cho biết thêm: “Mình là con nhà nông, sau khi được nhà nước cho về nghỉ hưu, thấy đất đai mênh mông, sức thì đang còn khỏe, nên gia đình đã nhận đất của Xí nghiệp Thủy sản về phát triển. Nhờ chịu khó, đến nay kinh tế gia đình đã ổn đinh, nhà cửa xây dựng khang trang, các con có điều kiện để học hành thành đạt”.
Bằng những cách làm cụ thể, thời gian qua, Hội nông dân xã Nghĩa Hiếu đã đẩy mạnh phong trào chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi phù hợp. Những mô hình làm giàu trên chính quê hương từ cây mía, cây cam đã xuất hiện nhiều ở địa phương. Các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại đã có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô đàn lợn từ 300-500 con. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân nơi đây đạt 35 triệu đồng/năm, số hộ giàu khá của Nghĩa Hiếu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm còn 2,06% vào năm 2014.
Ông Võ Quang Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn cho thêm biết: “Để những phong trào này phát triển bền vững và nhân rộng trên địa bàn, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn đã tập trung tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đến 25 xã, thị trấn. Trong quá trình triển khai, Hội đã vận dụng các nguồn vốn của các ngân hàng trên địa bàn, vốn vay quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất từ TW đến huyện với hơn 1,8 tỷ đồng cho 98 hộ vay. Cùng với đó, hàng năm Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT tới hội viên để áp dụng vào sản xuất. Với những giải pháp phù hợp, nhiều hội viên đã có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng, năm 2014, toàn huyện có 525 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh; cấp huyện có 1.120 hộ”
Từ việc thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhận thức, cũng như đời sống vật chất, tinh thần của hội viên được nâng lên, điều đó đã tạo điều kiện cho hội viên tham gia các hoạt động, phong trào khác của địa phương. Đặc biệt là phong trào xây dựng NTM, đến nay, nhân dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện hiến 300.000m2 đất; 4.600m tường rào; 500.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Hiện nay, đã có 3 xã (Nghĩa Long, Nghĩa Bình và Nghĩa Hiếu) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015 cò thêm 2 xã được công nhận. Từ những hoạt động thiết thực đó đã ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông dân trong các phong trào của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đến nay, có thể khẳng định: phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của các hội viên, giúp họ đổi mới cách nghĩ, cách làm, sử dụng đồng vốn hiệu quả và vận dụng sáng tạo những tiến bộ mới vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện./.
Thu Hiền – Minh Thái ( Đài Nghĩa Đàn )