Với tư duy đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, các cấp chính quyền huyện Nghĩa Đàn đã thực hiện nhiều biện pháp vận động nhân dân, đặc biệt là thông qua những mô hình đối chứng cho hiệu quả kinh tế cao. VÌ vậy, hiện nay nông dân toàn huyện đang tích cực ra quân sản xuất, phấn đấu hoàn thành phủ kín diện tích gieo trồng vụ đông theo kế hoạch.
Bà con xóm Mươi Ngoài, xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) sản xuất ngô vụ đông Ảnh: S.M
Lâu nay, cuộc sống của 50 hộ dân xóm Bến Mươi, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) chỉ trông vào đất nông nghiệp, sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa. Trước đây, để tăng giá trị sản xuất trên đất, xóm đã làm thí điểm vụ đông, nhưng không hiệu quả do chưa chủ động được nguồn nước tưới. Vụ đông 2014, xã giao cho xóm Bến Mươi làm 2,5 ha ngô đông. Nhận chỉ tiêu cao trong điều kiện các hộ dân chưa có kinh nghiệm thực tiễn, chưa có niềm tin, Chi bộ Bến Mươi (chỉ 3 đảng viên) thảo luận, thống nhất phương châm vừa tuyên truyền sâu rộng, đồng thời đảng viên, cán bộ xóm phải gương mẫu nhận đất đầu tư làm trước, để bà con “nhìn vào” làm theo. Bí thư Chi bộ Hà Thị Loan cũng đã gương mẫu gom đất, mượn đất, cùng với con cháu làm 6 sào; gia đình đảng viên Hà Công Chức làm 2 sào; đảng viên Phan Văn Thường làm 2 sào; Xóm trưởng Đặng Văn Minh làm 2 sào...
Bà Hà Thị Loan - Bí thư chi bộ xóm cho biết: “Chi bộ ra nghị quyết, phân công cho các đảng viên phụ trách theo nhóm hộ, cụm dân cư, vận động các hộ dân hỗ trợ đổi công để tạo khí thế sản xuất. Những hộ khó khăn về lao động, chúng tôi vận động các hộ kế bên cho mượn sức kéo”... Với cách làm trên đã tạo niềm tin cho bà con trong xóm đồng loạt triển khai xuống giống vụ đông. Vừa đánh tơi luống đất, xẻ hàng cho những hạt ngô giống tra vào rãnh, anh Dương Văn Thanh cho biết: Kế hoạch của gia đình sẽ làm 5 sào bằng giống ngô DK 999, hiện đã xuống giống được 3 sào. Một điều thuận lợi đối với xóm Bến Mươi, đó là ngoài cây cầu treo kết nối xóm với trung tâm xã thì hệ thống kênh mương cấp nước từ Trạm bơm Bến Mươi đã được nối thêm gần 350 m tạo điều kiện cấp nước sản xuất cho toàn bộ cánh đồng Mươi Trên.
Với khí thế và điều kiện đó, xóm Bến Mươi phấn đấu làm vụ đông vượt kế hoạch xã giao. Đây là vụ đông đầu tiên sau chuyển đổi ruộng đất, Nghĩa Khánh đưa cây ngô đông vào trồng trên đất 2 lúa với chỉ tiêu làm 35 ha ngô đông trên đất lúa/118 ha KH làm vụ đông. Để cây ngô đông khẳng định được giá trị kinh tế có hiệu quả ngay từ đầu, xã đã cụ thể bằng đề án, theo đó xác định rõ vùng đồng Đại, đồng Cầu, đồng Mươi Trên phù hợp với cây ngô đông trên đất 2 lúa. Từ đó, cụ thể hóa giao cho các xóm có các cánh đồng trên triển khai thực hiện. Ông Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh cho biết: Do xác định ý nghĩa của việc đưa cây ngô đông trồng trên đất 2 lúa nên Ban chỉ đạo vụ đông của xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo cung ứng phân bón, giống, kỹ thuật gieo trỉa cho bà con. Đến thời điểm này toàn xã đã xuống giống xong diện tích vùng màu, còn đất ruộng đã làm được gần 20 ha đạt 50% kế hoạch.
Tại xã Nghĩa Lộc, trước đây khi mới đưa vụ đông vào cũng rất khó khăn do người dân chưa thông về tư tưởng, chưa hiểu được ý nghĩa, giá trị kinh tế mang lại. Vì vậy, Nghĩa Lộc không làm ồ ạt mà chọn 2 xóm Hải Lộc, Sơn Hải đất đai khó khăn do chủ yếu vùng cưỡng làm mô hình, với việc đưa giống ngô, khoai lang mới vào sản xuất, vận động khuyến khích một số hộ có điều kiện đầu tư trồng bí xanh trên đất 2 lúa... khi đã thành công rồi mới triển khai đồng loạt 25 xóm còn lại. Giờ đây, ở Nghĩa Lộc, trên cánh đồng đất 2 lúa, những cánh đồng ngô đông xuống giống sớm, cây giống đã vươn lên trên mặt đất chừng 30 cm, mập mạp, xòe lá đều.
Chị Lê Thị Thơm, xóm Hải Lộc đang xới cỏ, bón phân thúc cho cây ngô nói: “Gia đình tôi làm 3 sào. Nhờ trồng ngô đúng kỹ thuật, khoảng cách giữa các cây, tạo luống cao nên cây ngô không bị chết, năm nào cũng cho thu nhập mấy triệu đồng”. Cũng tại xã Nghĩa Lộc, từ việc đưa một số giống cây trồng vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như bầu, bí vụ đông, đã trở thành “chất men” kích thích người dân thuê đất đầu tư hàng chục triệu đồng làm bí xanh. Vào thăm trang trại trồng bí xanh của gia đình anh Lê Văn Nghĩa và chị Đào Thị Nguyệt, xóm Hải Lộc mới thấy hết được khí thế đầu tư làm ăn của gia đình. Trên diện tích 6 sào mượn bên đường Hồ Chí Minh, anh chị đã đầu tư trên 50 triệu đồng để làm giàn, dây, cây giống phân bón để trồng hoàn toàn giống bí sắt Hà Nội 999.
Theo anh Nghĩa, qua 3 vụ làm bí xanh, mỗi sào đều cho hiệu quả kinh tế gấp 3 lần trồng lúa, tư thương mua tại ruộng nên đầu ra thuận lợi. Ngoài gia đình anh Nghĩa làm diện tích lớn bí xanh, còn có thêm 2 hộ nữa là Lê Văn Khương và Nguyễn Văn Hiệp cũng trồng gần 1 ha. Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc, ông Nguyễn Thái Vĩnh cho biết: “Những hộ trồng bí vụ đông diện tích lớn như anh Nghĩa, anh Khương, hay anh Hiệp là những “hạt nhân” của Nghĩa Lộc, từ đó có mô hình đối chứng, tạo niềm tin để xã thực hiện tốt chủ trương đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Vụ đông này, Nghĩa Lộc có kế hoạch xuống giống 130 ha, đến thời điểm này đã làm được gần 100 ha. Chúng tôi quyết tâm khép kín diện tích vụ đông trong tháng 10”.
Như vậy, có thế thấy rằng, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và có những mô hình cụ thể, hiệu quả làm đối chứng, phong trào làm vụ đông tại các địa phương ở Nghĩa Đàn đang thực sự sôi động, góp phần để toàn huyện hoàn thành chỉ tiêu sản xuất 2.500 ha cây vụ đông trong năm nay.
Hồng Sơn - Báo Nghệ An