Lần đầu tiên, Nghĩa Đàn tổ chức Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây đa Làng Trù với quy mô cấp huyện. Nhiều hoạt động văn hoá, thể thao tại Di tích Lịch sử - Văn hoá của huyện đã thực sự là một ngày hội lớn, đầy bổ ích và thật nhiều ý nghĩa. Tinh thần và khí thế cách mạng của Hang Rú Ấm – Cây đa Làng Trù thủa ấy được sống dậy và vẫn còn đây.
HANG RÚ ẤM – NƠI KHỞI NGUỒN CÁCH MẠNG
Trở về những trang sử của những năm 20 đầu thế kỷ XX, một số thành viên của các tổ chức yêu nước ở miền xuôi đã lên Nghĩa Đàn tìm hiểu tình hình gây dựng cơ sở dưới danh nghĩa là người đi buôn, đi dạy học, làm thợ mộc. Trong số đó, có ông Phan Huynh (con trai cụ Phan Bội Châu) và ông Võ Nguyên Hiến (sau này là Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ). Thanh niên Nghĩa Đàn là đối tượng tuyên truyền, giác ngộ đầu tiên của tổ chức cách mạng này. Đầu năm 1929, ông Võ Nguyên Hiến đã thành lập nhóm Việt Nam cách mạng Thanh niên trên đất Nghĩa Đàn – Đây là nhóm nòng cốt, tiền thân cho sự ra đời của tổ chức Đảng sau này ở Nghĩa Đàn.
Tháng 10 năm 1930, tại hang Rú Ấm, sau khi báo cáo về việc Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ đầu tháng 2 năm 1930, đồng chí Võ Nguyên Hiến tuyên bố thành lập chi bộ đảng tại Nghĩa Đàn gồm 5 đồng chí. Chi bộ đảng ở Nghĩa Đàn được ra đời vào tháng 10 năm 1930 là kết quả cả một quá trình khá dài chăm lo xây dựng phong trào cách mạng, lựa chọn nòng cốt tích cực; khi có đủ các yếu tố cả về tư tưởng, tinh thần và lực lượng, và đặc biệt, khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Hang Rú Ấm - nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn
Nếu lấy mốc thời gian thành lập của các chi bộ đảng ở các huyện miền núi Nghệ An thì đây là chi bộ đảng được thành lập sớm nhất. Nơi khởi nguồn cách mạng trên đất Nghĩa Đàn, một nguồn sáng bừng lên trên miền Tây xứ Nghệ.
CÂY ĐA LÀNG TRÙ – NƠI HỘI TỤ ĐỂ KHỞI NGHĨA THÀNH CÔNG
Chi bộ đảng ra đời đã bắt tay xây dựng phong trào cách mạng và thực hiện các nhiệm vụ, chỉ thị mà cấp trên chỉ đạo, triển khai. Đến tháng 4 năm 1931, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn được thành lập trên cơ sở hợp nhất các chi bộ đảng, tạo sự thống nhất hoạt động giữa các chi bộ trên địa bàn.
Phong trào cách mạng do Đảng bộ huyện lãnh đạo trong Cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930 – 1931), trong đấu tranh chống chủ đồn điền cướp đất (1932 – 1935), trong cuộc đấu tranh của Nhân dân đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hoà bình (1936 – 1940) và khôi phục Đảng bộ, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền (1941 – 1945) đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp và rất quan trọng, nhưng cũng trải qua không ít gian nan, thử thách và mất mát. Trong đó, nhiều đồng chí đảng viên của Nghĩa Đàn bị địch bắt, xử bắn hoặc đưa đi tù ở nhiều nhà lao, trại tập trung.
Cho đến đầu năm 1945, nhiều cán bộ, đảng viên bị địch cầm tù được trở về và đã tích cực, chủ động nắm lại tình hình cơ sở và phong trào quần chúng để tiến tới lập lại các chi bộ, tổ chức lại các cơ quan Huyện uỷ. Giữa tháng 6 năm 1945, Ban Vận động Mặt trận Việt Minh huyện được thành lập do đồng chí Phan Hữu Khiêm (sau này là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến huyện) làm Trưởng ban. Ngày 15/8/1945, Uỷ ban Khởi nghĩa huyện được thành lập do đồng chí Phan Duy Hiến (sau này là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh huyện) phụ trách. Ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Khởi nghĩa huyện, hàng ngàn quần chúng ở các xã và hàng trăm anh chị em công nhân ở các đồn điền đã tập trung tại Cây đa làng Trù, giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang các khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ kéo về huyện lỵ, bắt giữ Tri huyện và tịch thu các loại ấn, triện. Đồng thời, Uỷ ban Nhân dân Lâm thời và Uỷ ban Mặt trận Việt minh huyện chính thức ra mắt trước đông đảo công chúng.
Cây đa Làng Trù
Khởi nghĩa tháng Tám ở Nghĩa Đàn thành công tốt đẹp là kết quả của sự chuẩn bị lâu dài về tổ chức, lực lượng và gây dựng phong trào cách mạng trong quần chúng Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên và sự đóng góp, hy sinh của nhiều cán bộ, đảng viên ưu tú.
RÚ ẤM – ĐA TRÙ, DẤU ẤN MÃI CÒN ĐÂY
Huyện Nghĩa Đàn tổ chức Lễ hội Hang Rú Ấm – Cây đa Làng Trù lần thứ Nhất – năm 2024 đã thu được nhiều kết quả ngoài sự mong đợi. Không khí Lễ hội thật náo nức, thật vui, thật phấn khởi qua nét mặt tươi cười của bao người về dự Lễ hội; qua sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các vận động viên, cổ động viên và của rất nhiều khán giả. Nắng nóng gay gắt cả 2 ngày không làm nản lòng và không ngăn được bước chân của rất nhiều người ở các vùng xa xôi tìm về Hang Rú Ấm, Cây đa Làng Trù và đến với Lễ hội.
Quang cảnh đêm khai mạc Lễ hội
Các đơn vị tham gia các phần thi, các trận đấu đều có sự chuẩn bị chu đáo, có sự đầu tư về vật chất lẫn tinh thần không nhỏ, có sự quan tâm, đóng góp và tham gia nhiệt tình của nhiều người. Chương trình Khai mạc Lễ hội đầy ấn tượng và rất ý nghĩa cả về nội dung và nghệ thuật. Tất cả, đã chung tay, chung sức để làm nên một Lễ hội thành công.
Trại của đơn vị Nghĩa Đức trong Hội trại tuổi trẻ Nghĩa Đàn tiến bước dưới cờ Đảng
Thi đấu đẩy gậy
Lễ hội đã kết thúc. Điều đọng lại đó là, từ đây, nhiều người sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử của huyện nhà, nhất là các sự kiện gắn liền với Hang Rú Ấm và Cây đa Làng Trù – Di tích lịch sử, văn hoá của huyện.
Lễ hội đã khép lại. Điều mở ra và nhân lên đó là, niềm vui trong mỗi người khi được hoà mình trong không khí của ngày hội và niềm tin của mỗi người vào cuộc sống hôm nay. Lễ hội đã thành công. Điều thu được và mong được đó là, tính cộng đồng, tình đoàn kết, sự chia sẻ của mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ gắn bó hơn, chặt chẽ thêm - Nhân tố rất quan trọng để tạo nên sức mạnh to lớn trong mỗi công việc ở từng đơn vị.
Màn vui lửa trại
Mong được gặp lại và chung vui trong Lễ hội lần sau.
Hy vọng, RÚ ẤM – ĐA TRÙ, DẤU ẤN MÃI CÒN ĐÂY!
Phan Tiến Hải ( Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn )