Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An
Phát triển làng nghề: Cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn
Để xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững ở vùng nông thôn thì tìm kiếm việc làm cho lực lượng lao động nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, trong những năm qua, Nghệ An xác định phát triển làng nghề để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ lao động nông nghiệp năng suất thấp, thu nhập thấp sang lao động ngành nghề có năng suất và chất lượng cao. Nhờ vậy, đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động, bộ mặt vùng nông thôn ngày càng đổi mới.
Trước đây, người dân xóm Hòa Hội, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn xem nghề chổi đót là nghề phụ, chỉ làm khi nông nhàn. Nhưng rồi thấy hiệu quả kinh tế khá cao, nên, nhiều hộ bắt đầu học và truyền cho nhau nghề làm chổi đót. Đến nay, trong tổng số 129 hộ thì có tới 90 hộ làm nghề chổi đót đều có kinh tế khá giả và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trong xã. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Thanh Bình, mỗi năm gia đình ông làm được gần 10 nghìn chiếc chổi cung cấp cho thị trường các huyện phụ cận và cả các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình. Thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/ người/tháng.
Sản xuất chổi đót tại làng Hòa Hội, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn.
Ngoài làng nghề chổi đót Hòa Hội, huyện Nghĩa Đàn còn có làng nghề mật mía làng Găng xã Nghĩa Hưng cũng đã được công nhận làng nghề và tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương. Hiện nay, Nghĩa Đàn đang nỗ lực khôi phục, xây dựng thêm nhiều làng có nghề để giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Trong thời gian tới, để tạo việc làm cho lao động ở Nghĩa Đàn, chúng tôi đang cố gắng xây dựng để có thêm một làng nghề mật mía cũng ở xã Nghĩa Hưng được công nhận là làng nghề. Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung phát triển các làng có nghề như: làng nghề mật mía, làng nghề dệt thổ cẩm…)
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa phương mới khôi phục các nghề truyền thống nhưng cũng đã phát huy hiệu quả trong việc thu hút nguồn lao động. Điển hình như huyện Tương Dương, trong những năm qua Tương Dương tập trung khôi phục nghề đan lát của đồng bào dân tộc Thái ở các xã Yên Hòa, Tam Đình và Yên Na. Đến nay, đã có gần 60 hộ tham gia làm nghề mây tre đan và tạo việc làm ổn định cho100 lao động với thu nhập hàng tháng 1,5 triệu đồng. Từ những hộ nghèo, cuộc sống chỉ dựa vào nương rẫy, nhưng từ khi có thêm nghề phụ cuộc sống của bà con ngày càng khởi sắc.
Tính từ năm 2003 đến nay, Nghệ An đã có trên 130 làng nghề truyền thống được công nhận, từ đó giải quyết việc làm cho khoảng 5 vạn lao động, doanh thu đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động trên 34 triệu đồng/người/năm. Hiện có 7 làng nghề đang trong quá trình thẩm định.
Ông Trần Văn Huy - Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết thêm: Để tiếp tục khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, Liên minh HTX sẽ rà soát quy hoạch phát triển làng nghề; rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu; hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề…
Thực tế thời gian qua, các làng nghề được công nhận trên địa bàn Nghệ An đã phát huy hiệu quả, sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ xã hội cũng như tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương; Góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội và thực hiện thành công chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Tác giả bài viết: Hoàng Hiếu
Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An
Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An