Nếu như ai biết và yêu dân ca ví dặm hẳn sẽ biết tới ông - nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi, chủ nhiệm câu lạc bộ dân ca ví dặm xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn. Ông không chỉ là một nghệ nhân góp phần đưa điệu ví câu hò thấm vào lòng người dân miền tây Nghệ An mà niềm say, tình yêu với dân ca ví dặm trong ông đã thúc giục người nghệ nhân đưa nhiều trăn trở thành hiện thực, góp phần gìn giữ trao truyền cho thế hệ trẻ ở đây tình yêu dân ca ví dặm.
Những ngày qua diễn ra liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh diễn ra tại Nghĩa Đàn, nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi luôn đứng một góc khuất theo dõi từng đội tham gia. Ông cho biết câu lạc bộ dân ca ví dặm xã Nghĩa Hội lần này tham gia với một tâm thế khác. Với vai trò dẫn dắt ông cho biết “ trăn trở của tôi tại liên hoan này không phải là phải giành được giải mà làm sao để trao truyền cho thế hệ trẻ tình yêu dân ca ví dặm. Đó là điều quan trọng, tre già thì phải có măng mọc. Câu lạc bộ chúng tôi diễn có thể chưa hay nhưng tôi muốn truyền vào đó một thông điệp đó là trao truyền cho thế hệ sau tình yêu dân ca ví dặm. Tôi phấn khởi vì nhiều câu lạc bộ ở khu vực miền tây Nghệ An có các hội viên trẻ tham gia. Tuy nhiên để trao truyền cho thế hệ trẻ thì theo tôi cần thu hút nhiều người trẻ tham gia hơn nữa.”
Nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi say sưa luyện tập cùng diễn viên
Với trăn trở của mình thời gian qua nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi đã bỏ nhiều công sức trao truyền niềm say mê dân ca ví dặm của mình cho lớp trẻ ở xã Nghĩa Hội. Điển hình là ở câu lạc bộ dân ca ví dặm xã Nghĩa Hội, nơi ông làm chủ nhiệm. Từ khi mới thành lập với ít ỏi thành viên, đến nay câu lạc bộ đã có 35 thành viên từ thiếu niên đến người cao tuổi. Với nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi, hát dân ca chưa cần hát hay mà phải hát bằng cả tâm hồn, hát trong tâm thế thoải mái…vì vậy ông đã lôi kéo được nhiều thế hệ tham gia.
Người ta vẫn gọi ông với cái tên quen thuộc là thầy Hợi, không phải bởi ông từng là thầy giáo dạy học mà đối với những người thích dân ca xứ nghệ thì ông chính là một người thầy mẫu mực. Ở xóm Khe Bai, nơi ông sinh sống, phong trào hát dân ca ví dặm đã phát triển rộng khắp, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết hát. Từ những buổi làm giao thông nông thôn đến những buổi họp xóm, tiếng hát, câu hò đã làm khuấy động, động viên tinh thần của bà con. Có được điều đó là nhờ thầy Hợi đã khuấy động phong trào, ông hát, rồi dạy cho mọi người cùng hát. Ông không ngừng tìm hiểu, bồi đắp thêm vốn kiến thức về ví giặm. Bên cạnh các làn điệu gốc, ông còn học thêm nhiều làn điệu cải biên, ứng dụng vào các bài ví giặm của thôn, xóm mình. Đến nay, nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi đã viết trên 100 bài dân ca lời mới nội dung về sự đổi thay của quê hương Nghĩa Hội cũng như Nghĩa Đàn, những tình cảm với thôn xóm…những lời ca mộc mạc, gần gũi viết cho chính những người dân trong xóm trong xã lại càng dễ thuộc và thấm đẫm vào lòng người dân nơi đây. Điều đó góp phần làm dân ca ví dặm ăn sâu vào tâm hồn người dân Khe Bai, Nghĩa Hội.
Ông trăn trở làm sao để khi những người già như ông mất đi thì lớp trẻ vẫn coi dân ca ví dặm là món ăn tinh thần. Vì thế người thầy lại dày công vào trường học dạy dân ca cho các cháu học sinh, có thể nói ở Nghĩa Đàn phong trào hát dân ca trong trường học sôi nổi nhất là ở Nghĩa Hội. Có ông, là tiếng hát lại vang lên, câu ví giặm lại được chắp cánh bay cao hơn, đến với các em thiếu nhi, ông tổ chức dạy cho gần 40 gia đình có các em nhỏ để tập hát, những buổi học hát dân ca ấy có lẽ không lớp học nào có, bởi học sinh là các em nhỏ còn có dàn hợp xướng là phụ huynh. Rộn rã, vui tươi, thoải mái…sau buổi học miễn phí, người thầy giáo già lại cảm thấy mình được tiếp thêm sức sống bởi đã truyền thêm tình yêu dân ca vào lớp lớp người trẻ.
Mặc dù tuổi cao những nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi vẫn tích cực tham gia liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016 cụm số 4
Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng với dân ca, lúc nào nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Hợi cũng căng tràn sức sống. Ngày ngày ông vẫn tiếp tục đem vốn kiến thức về dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh trao truyền đến các thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đinh Thùy ( Đài Nghĩa Đàn )