Nghĩa Lạc có trên 3000 nhân khẩu, trong đó, chiếm trên 90% đồng bào dân tộc Thái Thổ nên địa phương này là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo có một không hai trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Chính vì vậy việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc rất được địa phương coi trọng.
Nói đến Nghĩa Lạc là nói đến mảnh đất xa xôi của huyện Nghĩa Đàn với nhiều khó khăn về phát triển kinh tế nhưng đây cũng là mảnh đất độc đáo với nhiều phong tục lễ hội truyền thống như lễ hội cồng chiêng, lễ hội vật, lễ cúng cơm mới, cầu lộc năm mới, lễ xuống đồng gắn với các trò chơi dân gian như khắc luống, nhảy sạp, múa xòe, san khan, ném còn...đây cũng là nét đẹp văn hóa dân tộc tiêu biểu của huyện Nghĩa Đàn, chính vì vậy, mỗi người dân nơi đây rất coi trọng việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Lê Hữu Chi, chủ nhiệm CLB cồng chiêng xóm Lác được ví như là một nghệ nhân với tài năng đánh cồng chiêng. CLB của cụ đã tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ trong các lễ hội văn hóa của huyện và được đánh giá rất cao. Ông Lê Hữu Chi chia sẻ: Bản thân tôi cũng là một nghệ nhân thổi kèn, đánh trống, đánh cồng chiêng. Tôi cũng cố gắng truyền đạt duy trì khơi dậy bản sắc văn hóa dân tộc thổ. Sắp tới chúng tôi tập trung truyền đạt con cháu, sắp xếp tuyên truyền ít nhất 3 thế hệ biết, tiếp cận được.
Vui hội cồng chiêng
Ở xóm Gày cũng có CLB hát khắp mang đậm đà bản sắc dân tộc Thái. Trong mỗi buổi tham gia văn nghệ xóm, làng thì hát khắp đang trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu và việc truyền dạy các bài hát-điệu múa theo điệu của người Thái, người Thổ được các nghệ nhân rất chú ý truyền dạy. Chính vì vậy, hầu hết các bạn trẻ ở đây đều nắm bắt được các tục lễ biểu diễn đặc trưng của mỗi dân tộc và có nhiều bạn trẻ nắm bắt rất nhanh. Em Lương Thị Hòa, thành viên CLB nói: Trong xã Nghĩa Lạc tổ chức hoạt động văn hóa thường đưa các lễ xang khan, nhảy sạp, khắc luống, uống rượu cần vào các dịp lễ hội. Để duy trì bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc bọn em bày cho các em các cháu để các em các cháu nắm rõ giá trị văn hóa dân tộc mình.
Một bài múa của đồng bào Thổ Nghĩa Lạc
Để bảo tồn và duy trì văn hóa dân tộc, ở xã Nghĩa Lạc đã thành lập được 6 CLB gồm: cồng chiêng, múa xòe, khắc luống, hát giao duyên, nhảy sạp và hát khắp. Ở tất cả các CLB, xóm đã đóng góp trang bị các trang phục, dụng cụ biểu diễn, tuy nhiên, chỉ mới có 2 bộ cồng chiêng ở xóm Gày, Lác, 1 bộ khắc luống…còn hầu hết các dụng cụ thủ công đều do nhân dân tự làm trong mỗi lần biểu diễn. Các CLB thường xuyên tham gia giao lưu với nhau trong các ngày lễ- hội của xóm, xã và huyện, giao lưu huyện bạn. Tuy nhiên, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, xã phải tập trung đầu tư các dụng cụ còn thiếu để bổ sung vào các tiết mục văn hóa xã. Chị Vy Thị THuHà, cán bộ văn hóa xã Nghĩa Lạc cho biết: Để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc 6 CLB trên 6 xóm, hàng năm vào các ngày lễ lớn như Tết cổ truyền, tết dân tộc và các ngày lễ lớn thì xã tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội xăng khan của đồng bào Thái
Hiện nay xã Nghĩa Lạc cùng với 24 địa phương khác trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đang thực hiện đề án “Bảo tồn, phát triển giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2017-2020”. Qua đó, người dân cũng đã nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy văn hóa của dân tộc, từng bước khẳng định vai trò giá trị văn hóa dân tộc mình./.
Hoàng Hằng - Ngọc Linh ( Đài Nghĩa Đàn )