Vào những ngày giáp Tết này, người dân Nghĩa Hưng, Nghĩa Đàn lại bận rộn vì vào đúng chính vụ nấu mật mía để phục vụ Tết nguyên Đán. Làng Găng, làng nghề nầu mật mía có từ lâu đời của xã Nghĩa Hưng, hầu như nhà nào cũng trên 30 - 40 chục năm làm nghề nấu mật mía, còn với con trẻ hoặc thanh thiếu niên thì biết rằng sinh ra là đã có nghề nấu mật mía. Nấu mật mía không chỉ là duy trì nghề truyền thống mà còn giúp người dân làm giàu. Ghé thăm gia đình anh Phạm Văn Minh tại làng Găng chúng tôi mới thấy được tình yêu vào nghề nấu mật mía của gia đình. Anh cho biết, gia đình anh có truyền thống nấu mật mía từ thời cha mẹ anh di cư từ Diễn Châu lên đây và giờ trở thành nghề chính của cả gia đình. Từ đầu tháng 11 đến giờ ngày nào gia đình anh cũng nấu mật mía từ sáng đến tối. Nấu mật mía nhìn thì đơn giản nhưng trải qua rất nhiều công đoạn: thu thập nguyên liệu từ ngoài ruộng, đến tuốt vỏ, ép nước mía, nấu và chắt lọc mật. Trong tất cả các giai đoạn đó, thì quan trọng nhất chính là công đoạn keo mật. Anh Minh cho biết, anh phải đứng “canh” ở hai chảo mật lớn trong nhiều giờ để đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng mật, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon, khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật. Để đổ mật vào trong phi được ngon, thì người nấu mật tiếp tục lọc qua lớp vải màn để mật có thể lọc sạch cặn, khi mật nguội thì sẽ có một lớp bọt đường lên trên sản phẩm mật mới hoàn thành. Anh Minh cho biết thêm: người đến mua mật mía bây giờ rất “sành”, họ có thể nhìn qua phi mật là biết ngay mật mía có ngon hay không, nấu đã đạt hay chưa. Tuy nhiên, giá trị bán mật mía lại cao hơn rất nhiều so với bán mía ép. Mỗi năm gia đình anh trung bình bán khoảng 45 - 50 phi mật, mỗi phi giá 3,2 triệu đồng như hiện nay thì cũng cho gia đình thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng, có năm thì hơn. Mật làm ra đến đâu thì bán hết đến đó.
Mật đang được đun sôi
Mật đun sôi sau đó phải vớt bọt
Hiện tại, làng Găng có khoảng 200 hộ dân làm nghề nấu mật mía, trung bình mỗi gia đình từ 25 - 30 phi mật, tính bình quân thu nhập của người dân từ 70 - 90 triệu đồng. Đặc biệt, thời gian nấu mật và bán mật duy trì trong thời điểm từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, có nhà mua được mía muộn thì có thể duy trì đến tháng 2, hoặc tháng 3. Thương lái vô tận nơi để mua mật. So với làm các cây trồng khác thì giá trị kinh tế nấu mật mía cao hơn nhiều. Không chỉ ở làng Găng, mà ở nhiều xóm khác, nghề nấu mật mía cũng đã bắt đầu phát triền rất mạnh. Ở xóm 12, cách làng Găng không xa, cũng là một xóm phát triển nghề nầu mật mía khá nhanh. Anh Nguyễn Thế Bình, người dân trong xóm 12 nói: trước đây gia đình cũng chuyên trồng mía, nhưng thấy người dân làm nghề nấu mật mía hiệu quả hơn nên gia đình anh cũng chuyển sang nấu mật. Mỗi vụ nấu mật mía gia đình anh nấu được 25 - 30 phi, ngoài ra, anh cũng mua thêm mía nguyên liệu để phục vụ nấu mật phục vụ bán Tết.
Mật trước khi đổ vào phi phải qua công đoạn lọc
Ở Nghĩa Hưng hiện nay có khoảng 500 hộ dân làm nghề mật mía, trung bình mỗi gia đình mỗi vụ mía nấu mật mía từ 20 - 30 phi mật. Mỗi hộ gia đình tạo công ăn việc làm cho 7 - 10 lao động dôi dư, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, vào những ngày giáp Tết lượng mật mía bán ra thị trường là rất lớn. Ông Trần Văn Long, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Đàn cho biết: Trong năm 2016, xã Nghĩa Hưng xác định trở thành xã về đích NTM. Hiện nay, xã đã có 15/19 tiêu chí. Một trong những tiêu chí quan trọng chính là nâng cao thu nhập cho người dân, vì vậy, thời gian tới, để phát huy sản phẩm mật mía, UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo bà con phát triển nghề kéo che, ép mật, bán đường bánh, mở rộng thị trường để giúp người dân Nghĩa Hưng ổn định được nghề mật mía, góp phần vào hoàn thành 19/19 chỉ tiêu xây dựng NTM. Những ngày này, ai đi qua xã Nghĩa Hưng đều có thể ngửi thấy mùi ngọt của vị mật mía, nhìn thấy khói nghi ngút từ các lò nấu mật khổng lồ và từng can mật xuất ra thị trường ở các chợ Tết ở Nghĩa Đàn./.
Hoàng Hằng - Ngọc Linh ( Đài Nghĩa Đàn )