Từ khi huyện Nghĩa Đàn bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình sản xuất mới đã hình thành mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của người nông dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn mới nơi đây ngày càng khang trang, giàu đẹp.
Mấy năm trở lại đây, huyện Nghĩa Đàn đã đạt nhiều kết quả khả quan trong nâng cao đời sống nhân dân, với việc huyện đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nông dân tăng thu nhập, sản xuất ngày càng hiệu quả; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao
Có dịp về thăm Nghĩa Đàn mới thấy nơi đây có nhiều đổi thay, thể hiện rõ nhiều nhà dân xây dựng kiên cố khang trang; những tuyến đường giao thông nông thôn nhỏ hẹp trước đây nắng bụi, mưa lầy, hiện nay đã được thay thế bằng những tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa bằng phẳng, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn. Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Thậm, năm nay đã 70 tuổi, người dân xóm Nam Long, xã Nghĩa Long vui mừng nói: Nhờ có chương trình xây dựng Nông thôn mới, mà đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông hóa; các công trình thủy lợi được xây dựng thuận lợi cho người nông dân làm nông nghiệp; các công trình xã hội như trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, người dân chúng tôi được hưởng lợi nhiều.
Nhân dân Nghĩa Đàn tích cực làm GTNT
Điều dễ nhận thấy nhất chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên. Các mô hình điển hình trong chương trình nông thôn mới đều được triển khai nhân rộng. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình trên các lĩnh vực. Về phát triển kinh tế đã có nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhằm tăng năng suất hiệu quả trên từng đơn vị diện tích. Ông Trương Văn Trọng - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Long cho biết: Sau hơn 2 năm về đích NTM, đời sống người dân trong xã đã được nâng lên, nhiều tuyến đường nông thôn mở rộng, tạo cho xã diện mạo khang trang, sạch đẹp. Có được điều đó là nhờ sự chung tay nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương. Đến mức thu nhập bình quân là 27,5 triệu đồng/người/năm.
Đến thời điểm này, huyện Nghĩa Đàn đã có 10/25 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia nông thôn mới, gồm các xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Long, Nghĩa Khánh, Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng, Nghĩa Minh, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phú, Nghĩa Hội và Nghĩa Hưng và phấn đấu đến cuối năm nay sẻ có 2 xã về đích NTM.
Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch xây dựng NTM trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM. Chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực được chú trọng. Số tiêu chí đạt chuẩn tăng cao bền vững theo các năm, nhiều tiêu chí được cải thiện như cơ cấu kinh tế, lao động tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Nổi bật là hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có giá trị gia tăng cao; đa dạng các loại hình kinh doanh, dịch vụ; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa; triển khai thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Cây bơ trên đất Nghĩa Phú
Là địa bàn thuần nông, huyện Nghĩa Đàn xác định mục tiêu lớn nhất của chương trình xây dựng NTM là nâng cao mức sống cho người dân. Huyện luôn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm, giúp người dân cải thiện thu nhập. Huyện cũng thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn, xây dựng mô hình điểm về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, những năm qua, hầu hết các loại cây trồng chủ lực của huyện như: Ngô, cam, quýt, bưởi, rau an toàn… đều đạt năng suất cao. Đặc biệt là cây cam, nhờ giá cả ổn định nên nhiều hộ đã vươn lên làm giàu và trở thành tỷ phú.. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, huyện Nghĩa Đàn còn khuyến khích phát triển các hợp tác xã, cơ sở sản xuất công nghiệp – TTCN với các ngành nghề phù hợp với địa phương, góp phần tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở các xã xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt từ 22 triệu đồng đến 30 triệu đồng/người/năm, tăng từ 4,5 đến 12 triệu đồng/người/năm so với trước khi xây dựng NTM. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể, chỉ còn từ 9,6%
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM; thực hiện các chính sách về đổi mới, khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất; chú trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất và phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ có 2 xã về đích NTM. Ông Phan Văn Bình, phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết.
Trao bằng xã đạt chuẩn NTM cho Nghĩa Hưng
Với những nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong xây dựng Nông thôn mới ở huyện Nghĩa Đàn đã góp phần đưa quê hương có một diện mạo mới, thay đổi từ những con đường, ngõ xóm, nhà cửa khang trang, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên, cũng như mở ra nhiều triển vọng mới trong phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân./.
Minh Thái ( Đài Nghĩa Đàn )