Từ một địa phương có điểm xuất phát thấp, huyện Nghĩa Đàn đã tìm cách phát huy lợi thế phát triển, xây dựng các mô hình sản xuất mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Huyện Nghĩa Đàn nằm phía tây bắc tỉnh Nghệ An, có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 48, quốc lộ 15 A, thuận lợi cho giao lưu kinh tế với các địa bàn trong và ngoài tỉnh. Mảnh đất này là một trong những cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ Làng Vạc, những chiếc trống đồng biểu tượng rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn từ thuở các Vua Hùng dựng nước.
Năm 2007, huyện Nghĩa Đàn được điều chỉnh tách thị trấn huyện và bảy xã vùng trung tâm để thành lập thị xã Thái Hòa. Đến nay, huyện Nghĩa Đàn có 24 xã và một thị trấn. Sau chia tách, Nghĩa Đàn gần như trở lại điểm xuất phát của một huyện miền núi nghèo với cơ sở hạ tầng thiếu thốn, không đồng bộ. Ban Thường vụ Huyện ủy trăn trở tìm hướng đi ngắn nhất để bứt phá phát triển. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 27, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Huyện ủy chủ động lựa chọn và xác định các tiềm năng lợi thế, vươn lên thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và tạo được dấu ấn trên nhiều lĩnh vực. Một trong những nhiệm vụ được Huyện ủy tập trung chỉ đạo tạo nên sự thay đổi lớn là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa vào sử dụng nhiều công trình như khu trung tâm hành chính huyện, trung tâm y tế huyện. Các tuyến đường giao thông trong huyện, hệ thống điện và các công trình thủy lợi được nâng cấp, sửa chữa. Các dự án lớn đã góp phần tạo nên nhiều việc làm cho người lao động và làm thay đổi diện mạo của huyện. Phong trào vận động toàn dân tích cực tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực và đều khắp. Điển hình như xã Nghĩa Long, nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,4%. Năm 2010, xã Nghĩa Long mới đạt ba trong số 19 tiêu chí, sau bốn năm, xã đã hoàn thiện được hệ thống hạ tầng đồng bộ đạt chuẩn. Từ một xã thuần nông, đến nay Nghĩa Long đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 23,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,8%. Dự kiến đến hết năm 2015, huyện Nghĩa Đàn phấn đấu có năm xã đạt bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Tìm điểm đột phá trong phát triển kinh tế
Trên lĩnh vực kinh tế, huyện chủ trương tiếp tục duy trì và phát huy các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Đặc biệt, huyện đã có những bước đột phá trong thu hút đầu tư. Một số dự án đã và đang phát huy hiệu quả như chăn nuôi bò sữa tập trung theo quy mô công nghiệp, nhà máy chế biến sữa tươi sạch, Nhà máy gỗ MDF, các dự án ở cụm công nghiệp Nghĩa Long... Dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận là "Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn nhất châu Á". Ngày đầu huyện mới chia tách cũng là ngày dự án này được đầu tư. Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, bàn giao hàng nghìn héc-ta đất đúng tiến độ. Tập đoàn TH với cuộc cách mạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đã góp phần quan trọng để miền tây tỉnh Nghệ An có diện mạo mới, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất gấp nhiều lần so với trước. Đến nay, hoạt động của các nhà máy đã và đang tạo bước chuyển dịch khá lớn trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo nên bước đột phá và là điểm nhấn quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phát triển kinh tế của huyện Nghĩa Đàn.
Dây chuyền sản xuất Hạt phụ gia nhựa - Công ty Cổ phần Mega (Tập đoàn Nhật Huy Group)
Nhà máy chế biến bột đá siêu mịn và đá ốp lát nhân tạo tại Cụm Công nghiệp Nghĩa Long của Công ty Cổ phần CMI Stone
Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế và phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đến nay Nghĩa Đàn đã tạo ra sự thay đổi lớn trong chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới. Văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực nhất là những năm cuối nhiệm kỳ. An sinh xã hội được bảo đảm. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để xảy ra điểm nóng và đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài. Hệ thống chính trị các cấp được chăm lo xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đảng bộ huyện đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh suốt nhiệm kỳ.
Tuy vậy, nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn nhận rõ những mặt hạn chế, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM còn thấp so với bình quân chung cả tỉnh. Vẫn còn bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Chất lượng hoạt động và năng lực lãnh đạo một số tổ chức đảng chưa cao... Bí thư Huyện ủy Vi Văn Định nhấn mạnh: Để từng bước hình thành một trung tâm phát triển mới của vùng tây bắc Nghệ An và đạt mục tiêu huyện NTM vào năm 2020, Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ 28, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là phát huy sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận, cùng với trí tuệ, ý chí vượt khó trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bài, ảnh: MINH THƯ - Báo Nhân dân