Tên gọi Nghĩa Đàn có từ năm 1885- Từ đó đến nay tròn 130 năm lịch sử Nghĩa Đàn đã trải qua nhiều thăng trầm, có sự hy sinh mất mát và những chiến công chói lọi. Với những khó khăn chồng chất trong thời kỳ đổi mới nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà đã đoàn kết nỗ lực đưa bộ mặt Nghĩa Đàn ngày càng có nhiều khởi sắc. Năm 1840 huyện Nghĩa Đường được thành lập trên cơ sở tách ra từ phủ Quỳ Châu. Đến Năm 1885, vua Đồng Khánh lên ngôi đã cho đổi tên Nghĩa Đường thành Nghĩa Đàn vì kỵ húy. Từ ngàn xưa, vùng đất Nghĩa Đàn đã là một trong những cái "nôi" của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học làng Vạc, với những chiếc trống đồng và những dụng cụ lao động, săn bắn…biểu tượng rực rỡ của nền văn hoá Đông Sơn. Tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm, xã Thọ Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Đức), Chi bộ đảng đầu tiên của Nghĩa Đàn được chính thức thành lập, đây là một trong những chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên ở các huyện miền núi Nghệ An gồm 5 đồng chí, do đồng chí Phan Đình Lại làm Bí thư. Từ khi có chi bộ đảng ra đời, phong trào cách mạng ở Nghĩa Đàn phát triển mạnh mẽ.
Cây Đa Làng Trù- nơi ghi dấu những phong trào cách mạng sục sôi của nhân dân Nghĩa Đàn. Ngày 22/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, Uỷ ban Khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn đã vận động hàng ngàn quần chúng nhân dân thuộc tề tựu dưới cây đa làng Trù. ... Tại đây, các đồng chí Trần Mật, Nguyễn Đình Thạc và Lại Văn Bút đã trực tiếp chỉ huy nhóm tự vệ tấn công vào huyện đường bắt sống Tri huyện Hoàng Mộng Kham và các đề lại, đồng thời tịch thu hết ấn triện, sổ sách, ngân quỹ. Xiềng xích các nhà lao cũng được phá tung để giải phóng cho các đồng chí yêu nước đang bị giam cầm…
Ngày nay tại di tích lịch sử này các thế hệ ở Nghĩa Khánh nói riêng và huyện Nghĩa Đàn nói chung vẫn thường ôn lại truyền thống cách mạng, lớp trẻ cũng như nhân dân Nghĩa Khánh lại càng thấy tự hào và biết ơn những người đi trước và càng trân trọng hơn những giá trị lịch sử, từ đó biết gìn giữ và phấn đấu để xây dựng xã Nghĩa Khánh càng phát triển hơn. Ông Phạm Ngọc Công, nguyên chủ tịch xã Nghĩa Khánh chia sẻ: Cây đa Làng Trù là di tích lịch sử, không chỉ thế hệ hôm nay mà sau này cần phải khắc ghi đây là nơi ghi dấu tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Nghĩa Khánh cũng như nhân dân Nghĩa Đàn.Năm nay đã gần 70 tuổi đời, hơn 40 năm tuổi đảng những người con của quê hương Nghĩa Khánh như tôi vẫn không quên được những hình ảnh cũng như hào khí đánh giặc của nhân dân dù chỉ được biết qua lời kể của cha, ông. Chúng tôi vẫn thường kể những câu chuyện về tinh thần đấu tranh, sự hy sinh anh dũng của cá bậc tiền bối để lớp trẻ Nghĩa Khánh học tập.
Năm 2012, Hang Rú Ấm - Cây Đa Làng Trù đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Để bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, tuyên truyền để các đoàn viên thanh niên, các em học sinh hiểu hơn về tinh thần đấu tranh của nhân dân trong xã và toàn huyện Nghĩa Đàn, đoàn xã Nghĩa Khánh thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh của huyện Nghĩa Đàn, tổ chức chiếu phim lưu động các bộ phim cách mạng. Đoàn viên thanh niên Nghĩa Khánh đã nhận chăm sóc, bảo về Cây Đa Làng Trù. Đồng chí Phan sỹ Danh, bí thư đoàn xã Nghĩa Khánh cho biết: cây đa Làng trù là điểm đến của nhiều bạn trẻ, đây cũng là nhân chứng lịch sử để khi mọi người đến đây chúng tôi có dịp được tuyên truyền để cũng gìn giữ và phát huy.
Là cái nôi của truyền thống cách mạng, nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Nghĩa Đàn. Nghĩa Khánh luôn tự hào, trân trọng và phát huy những giá trị lịch sử, tinh thần cách mạng của các bậc tiền bối, xây dựng xã ngày càng phát triển. Hiện nay Nghĩa Khánh là một trong những xã đi đầu trong phát triển kinh tế ở Nghĩa Đàn. Về Nghĩa Khánh hôm nay đã thấy nhiều sự đổi thay từ những ngôi nhà mới khang trang đến những con đường thẳng tắp, nông dân Nghĩa Khánh là những người đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Nghĩa Đàn. Có được điều đó là nhờ sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và sự đoàn kết đồng lòng nhất trí của toàn thể nhân dân Nghĩa Khánh trong việc xây dựng nông thôn mới cũng như phát huy những truyền thống tốt đẹp trên quê hương cách mạng . Ông Trần Đình Hợi, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Khánh cho biết: hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Khánh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được đồng thời chỉ đạo tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng mức sống của nhân dân, xây dựng các mô hình kinh tế về chăn nuôi, trồng trọt trong đó khuyến khích nhân dân mạnh dạn đưa cây, con mới vào phát triển kinh tế.
Từ ngày thành lập, Nghĩa Đàn trải qua hai lần thay đổi về địa giới hành chính. Trong đó lần thứ hai là ngày 15-11-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 164/2007/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nghĩa Đàn để thành lập thị xã Thái Hoà. Sau khi thành lập, huyện Nghĩa Đàn có 24 xã và 1 thị trấn. Một Nghĩa Đàn đầy khó khăn, thách thức sau chia tách, bởi gần như trở lại điểm xuất phát của một huyện miền núi nghèo. Song từ khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà lại thắp sáng lên niềm tin mới, đoàn kết nỗ lực và quyết tâm phấn đấu xây dựng Nghĩa Đàn sớm trở thành một trung tâm phát triển mới của vùng Tây Bắc Nghệ An. 4 năm sau khi chia tách huyện Nghĩa Đàn có thị trấn. Thành lập năm 2011 với nhiều khó khăn, đến nay sau 4 năm thị trấn Nghĩa Đàn đã có nhiều khởi sắc, trong đó nổi bật có sự chuyển biến rõ rệt trong cơ cấu kinh tế đó là tăng tỷ trọng nghành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- thương mại- dịch vụ. Bộ mặt thị trấn Nghĩa Đàn ngày càng khởi sắc, các cơ sở sản xuất mọc lên ngày một nhiều hơn, thương mại dịch vụ có bước phát triển. Người dân thị trấn Nghĩa Đàn đã bắt nhịp được với xu thế phát triển, vì vậy thay vì làm nông nghiệp như trước đây thì nhiều lao động tự tìm cho mình một nghề phù hợp. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, bí thư đảng ủy Thị trấn Nghĩa Đàn nói: với mục tiêu tăng tỷ trọng các nghành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, thị trấn Nghĩa Đàn đã có nhiều giải pháp như tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, khuyến khích lao động đi học nghành nghề phù hợp với các nhu cầu của địa phương… vì vậy đã có sự chuyển biến rõ rệt trong cơ cấu kinh tế. Năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đạt 75,4 tỷ đồng, thương mại dịch vụ đạt hơn 55 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Một góc khu trung tâm hành chính huyện Nghĩa Đàn
Không chỉ ở thị trấn Nghĩa Đàn mà bức tranh kinh tế của 24 xã trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã có sự thay đổi theo hướng phát triển tích cực. Bên cạnh việc nâng cao giá trị các nghành công nghiệp, tiểu thủ CN, thương mại- dịch vụ thì nâng cao chất lượng nghành nông nghiệp được Nghĩa Đàn quan tâm và đầu tư. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới chất lượng hiệu quả vào sản xuất nên mặc dù thời tiết gặp nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp Nghĩa Đàn vẫn thu được nhiều kết quả quan trọng. Ngày càng có nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả, áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao như trồng cam ở Nghĩa Hiếu, trồng bí xanh ở Nghĩa Bình…
Có thể nói nhiệm kỳ 2010- 2015 Nghĩa Đàn đánh dấu một bước ngoặt về lĩnh vực công nghiệp khi đã thu hút và tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư vào sản xuất trên địa bàn như nhà máy chế biến sữa tươi sạch, nhà máy gỗ MDF…các nhà máy đã tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành một trung tâm phát triển kinh tế mới của vùng. Khu công nghiệp nhỏ của huyện bước đầu được hình thành tại xã Nghĩa Long với các dự án như : nhà máy chế biến tinh bột đá, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, chế biến thức ăn gia súc Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp trên địa bàn Nghệ An" của TH true MILK không chỉ làm làm thay đổi hoàn toàn diện mạo lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Đàn mà còn tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế , lao động.
Việc thu hút các nhà đầu tư không chỉ tạo chuyển dịch về cơ cấu kinh tế mà tạo việc làm cho lao động địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh Vinh, chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết: từ năm 2009 công ty thực phẩm sữa TH đóng chân trên địa bàn, từ một xã còn có nhiều khó khăn đến nay bộ mặt xã đã đổi thay hoàn toàn, do xã nằm ở vùng dự án nên được Tập đoàn TH rất quan tâm,hiện có gần 500 người dân của xã đang làm việc cho THtrong đó 400 công nhân chính thức.
Có thể nói việc thu hút đầu tư trong những năm qua góp phần thay đổi bộ mặt của Nghĩa Đàn. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn khẳng định: việc thu hút đầu tư đã đưa Nghĩa Đàn đạt nhiều kết quả trong đó nổi bật là hai mặt đó là hiệu quả về kinh tế và hiệu quả về xã hội. trong những năm vừa qua việc thu hút đầu tư được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Nghĩa Đàn có nhiều tiềm năng về lợi thế đất đai con người, tuy nhiên không được các nhà đầu tư thì mãi là tiềm năng. Nghĩa Đàn tạo những điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư vào địa bàn. Kinh tế: dự án chăn nuôi bò sữa, dự án nhà máy sữa MDF. Chuyển dịch nhanh đúng hướng về cơ cấu trong tỷ trọng phát triển kinh tế, tăng nhanh cơ cấu công nghiệp, dịch vụ. Hiệu quả kinh tế giá trị thu nhập bình quân đầu người tăng khá mang tính bền vững. 2010 12 triệu đến 2015 đạt gần 30 triệu đồng. Hai nữa là hiệu quả xã hội, đó là giải quyết được việc làm cho người lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tỷ lệ thoát nghèo bền vững cao. Năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo 26% đến nay 7,8%. Bộ mặt nông nghiệp nông thôn được khởi sắc.
Làng nghề chổi đót Hòa Hội
Sau khi chia tách đến nay kết cấu hạ tầng của Nghĩa Đàn phát triển mạnh, nhất là Khu trung tâm hành chính huyện. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản gần 2.000 tỷ đồng đã góp phần tạo nên nhiều công trình mới, việc làm mới và tăng giá trị sản xuất lĩnh vực xây dựng cơ bản, làm đổi thay diện mạo Nghĩa Đàn. Với những nỗ lực của mình, từ một huyện còn nhiều khó khăn đến nay bộ mặt Nghĩa Đàn đã thay đổi. Tính đến nay, Nghĩa Đàn đã có 4 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu có thêm 1 xã về đích trong năm 2015. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn nhiệm kỳ 2015 -2020 đặt mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, Nghĩa Đàn đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu này vào năm 2018. Cùng với mặt kinh tế thì lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh có sự quan tâm, đầu tư đúng mức nên một số lĩnh vực có sự chuyển biến tích cực và đã đạt được kết quả tốt. Trong đó Phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng sống văn hóa” đạt được nhiều kết quả tích cực; Chất lượng dạy và học được nâng lên khá rõ, góp phần cải thiện thứ bậc trong các mặt của công tác giáo dục. Số trường đạt chuẩn Quốc gia tăng nhanh, đến nay đã có 42 trường đạt chuẩn Quốc gia. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm tốt hơn, đáp ứng cơ bản yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, có 20/25 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Công tác chính sách xã hội và an sinh xã hội được chú trọng và đảm bảo. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững,không để xảy ra điểm nóng và đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trên địa bàn.
Nhà máy sản xuất bột đá trong khu công nghiệp nhỏ Nghĩa Long
Đến nay Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã trải qua 28 kỳ đại hội. Trong đó đại hội đảng bộ huyện Nghĩa Đàn khóa XXVIII diễn ra ngày 6/7/2015 đã nêu mục tiêu chung là: Tích cực đổi mới - mở rộng dân chủ - tăng cường đoàn kết - nâng cao trách nhiệm và giữ vững niềm tin, phấn đấu xây dựng Nghĩa Đàn trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An và là huyện Nông thôn mới vào năm 2020. Đồng chí Vi Văn Định, TUV, bí thư Huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Toàn Đảng bộ đang tập trung triển khai thực hiện tốt nghị quyết đảng bộ huyện lần thứ 28 đề ra. Năm 2016 chỉ đạo tập trung thu hút các nguồn lực tối đa, tạo chuyển dịch tốt, trong chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, đưa tiến bộ KHKT và nông nghiệp, đưa nông nghiệp công nghệ cao vào, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với an ninh xã hội đáp ứng được đầu tư phát triển xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới phải ổn định. Tập trung cải cách hành chính, thực hành chống lãng phí, phát huy tốt năng lực sở trường của cán bộ, tập trung xây dựng Nghĩa Đàn ngày càng phát triển.
Ghi nhận những cố gắng trong công cuộc xây dựng và phát triển 130 năm năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn đã được đảng, nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm 1996; Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước, năm 2008; Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước, năm 2013. Với truyền thống 130 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Nghĩa Đàn đã và đang chung sức, chung lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi những mục tiên kinh tế xã hội đến năm 2020 mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 đã đề ra.
Đinh Thùy - Đức Anh ( Đài Nghĩa Đàn )