Việc các doanh nghiệp thuê đất để xây dựng trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khiến diện tích đất nông nghiệp của Nghĩa Đàn (Nghệ An) giảm đáng kể, đặc biệt là diện tích đất đỏ bazan. Làm cách nào để tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị sử dụng đất đang là bài toán khó, là sự trăn trở của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tại Nghĩa Đàn...
Đất “giàu” mà dân vẫn nghèo?
Sở hữu một vùng tài nguyên đất đai trù phú được đánh giá là bậc nhất miền Bắc, được ví “Nam Đắc Lắc, Bắc Phủ Quỳ”, Nghĩa Đàn có hệ thống các nông, lâm trường quốc doanh là các trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay sau khi hết chu kỳ khai thác của một số loại cây công nghiệp, cây ăn quả thì hiện trạng sử dụng đất ở vùng này hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, năng suất cây trồng thấp, giá trị kinh tế mang lại không cao, vùng đất ngày càng mất lợi thế vốn có. Biểu đồ thống kê hiện trạng đất nông nghiệp toàn huyện Nghĩa Đàn cho thấy đất trồng cây lâu năm bị thu hẹp đáng kể (chỉ khoảng hơn 12.400 ha) trong số diện tích đất sản xuất nông nghiệp có 18.800 ha đất trồng cây hàng năm, 4.193 ha lúa, 1,754 ha đất trồng cỏ cho chăn nuôi, hơn 12.800 ha đất trồng cây hàng năm khác.
Trong đó, cây mía được xem là chủ lực với diện tích quy hoạch lên đến 8.790 ha (QĐ 2286/QĐ- UBND.NN ngày 28/5/2010). Thời gian đầu, cây mía cho năng suất cao, trung bình trên 100 tấn/ha. Tuy nhiên, sau đó do tình trạng bóc lột đất, không được đầu tư về kỹ thuật, hệ thống tưới nên năng suất mía bình quân giảm dần, người trồng mía không còn mặn mà với loại cây trồng này, một số cây trồng khác trồng xen trong vùng quy hoạch mía, các loại bệnh chồi cỏ, bệnh rệp xơ bông trắng xuất hiện.
Báo cáo của UBND huyện Nghĩa Đàn cho thấy diện tích mía hiện tại giao động khoảng 8.000 ha, hàng năm cho sản lượng 450.000 tấn, năng suất bình quân chỉ trên 50 tấn/ha, đặc biệt có những vùng năng suất rất thấp dưới 40 tấn/ha như vùng Nghĩa Lạc, Nghĩa Hội, Nghĩa An..., chỉ số ít vùng đất bãi năng suất có thể đạt trên 65 tấn/ha như Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thắng, Nghĩa Khánh... Với năng suất mía thấp, hiệu quả kinh tế mỗi năm chỉ cho thu nhập dưới 30 triệu đồng cho thấy vùng đất đỏ Nghĩa Đàn không còn lợi thế, không cạnh tranh được với một số loại cây trồng khác nên sở hữu vùng đất “giàu” mà người dân vẫn nghèo.
Đẩy mạnh đầu tư các mô hình
Nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế còn bỏ ngỏ, năng suất cây trồng đang bị thả nổi, thời gian qua Nghĩa Đàn đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với việc xây dựng các mô hình cho từng loại cây. Đối với cây mía bắt đầu từ vụ ép 2010 đã thực hiện một “cuộc cách mạng” về giống, đó là với việc thí điểm mô hình trồng mía siêu ngọt QĐ 93159 trên diện tích 5 ha tại Nghĩa Thắng. Hiện nay, mô hình này đã được nhân rộng ra vùng đất bãi bồi ven sông Hiếu tại các xã Nghĩa Thịnh, Nghĩa Khánh, Nghĩa Hiếu...
Để giải “bài toán” hiệu quả kinh tế đối với diện tích hơn 800 ha đất lúa cao cưỡng kém hiệu quả mỗi năm chỉ được 1 vụ lúa mùa, năng suất chỉ đạt 3-4 tấn/ ha, từ năm 2010, Nghĩa Đàn đã triển khai thực hiện mô hình ứng dụng khoa học công nghệ “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cưỡng” tại 2 xã Nghĩa Hội và Nghĩa Trung. Theo đó, áp dụng 3 mô hình: lạc xuân - lúa mùa - dưa chuột đông; mô hình đậu tương - lúa mùa - ngô và mô hình bí xanh - lúa mùa - ngô đông. Tại các mô hình đã áp dụng giải pháp về giống như đưa một số giống mới: giống lạc L23, lúa mùa sớm VTNA1, dưa chuột 279, đậu tương DT84, ngô C919, bí xanh Nam Định và một số giải pháp về kỹ thuật: làm ngô bầu, lạc phủ nilon, trồng bí xanh theo mật độ thâm canh... Với cách làm này, ngay trong vụ đầu, các mô hình đã cho thu nhập cao gấp 3 lần cơ cấu sản xuất cũ. Sự thuyết phục bằng chính hiệu quả kinh tế của các mô hình đã thu hút hàng ngàn hộ tham gia với diện tích gần 300 ha, trong đó mô hình đậu tương - lúa - ngô nhân rộng được 80 ha; mô hình bí xanh - lúa mùa - ngô nhân rộng được 45 ha... tạo thành một cuộc “cách mạng” chuyển đổi cây trồng trên vùng đất cưỡng.
Mô hình trồng bí xanh cho hiệu qủa cao trên đất cưỡng tại xã Nghĩa Lộc.
Có dịp thăm mô hình trồng bí xanh vụ xuân trên vùng đất cưỡng của gia đình anh Lê Văn Nghĩa, xóm Sơn Hải, xã Nghĩa Lộc mới thấy được sự hồ hởi của các hộ dân nơi đây vào vụ trồng bí xanh. Trên diện tích 10 sào đất thuê của xã, vụ xuân này anh Nghĩa đầu tư hơn 50 triệu đồng trồng bí xanh (giống bí sắt Hà Nội 999) bao gồm chi phí giống, phân bón, vật tư làm giàn... Nhìn vườn bí xanh sai trĩu quả, anh Nghĩa nhẩm tính khoảng 10 ngày nữa là bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng dự kiến khoảng 16 tấn quả cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng (giá bình quân khoảng 5.000 đồng/kg)... Ông Bùi Quốc Tuấn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Nghĩa Đàn cho biết: Trên cơ sở những mô hình thành công, trạm sẽ đề xuất huyện và các xã tổ chức nhiều cuộc hội thảo đầu bờ. Đây là giải pháp trực quan sinh động nhất, đồng thời tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
“Tấn công” đất bãi
Với lợi thế có gần 1.000 ha bãi bồi sông Hiếu trên địa bàn 9 xã, nhưng hiện nay việc nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích này đang còn bỏ ngỏ. Chỉ duy nhất xã Nghĩa Thắng chuyển đổi một số ít diện tích sang trồng một số cây như ớt, bí xanh, bầu đỏ, dưa hấu... hiệu quả gấp 3 lần trồng mía các xã còn lại chỉ trồng mía và ngô. Dẫu cây mía có năng suất 70 tấn, thậm chí gần 90 tấn/ha nhưng xét về hiệu quả kinh tế thì vẫn còn thấp so với khả năng, lợi thế vùng đất bãi bồi mang lại. Do vậy, chậm chuyển đổi cây trồng trên diện tích này vô hình trung đang làm lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm người dân kém đi sự năng động.
Trong bối cảnh cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn như cao su, cà phê đã mất “ngôi vương” do hết chu kỳ kinh doanh, giá cả xuống thấp thì cây mía với diện tích rất lớn hiện đang là cây mũi nhọn, cây chủ lực của Nghĩa Đàn. Mặc dù là cây chủ lực nhưng chỉ về mặt số lượng còn chất lượng (hiệu quả kinh tế) trên đơn vị diện tích quá thấp khi năng suất bình quân chỉ khoảng 50 tấn/ha, sau khi trừ khi phí người trồng mía chỉ lấy công làm lãi. Nhiều hộ dân đã trăn trở, mạnh dạn đầu tư, áp dụng thử nghiệm giải pháp kỹ thuật: tưới nhỏ giọt thì năng suất đã lên đến gần 100 tấn/ha như mô hình của hộ ông Hồ Đăng Nam, xóm Đồng Song (Nghĩa Yên); mô hình giống mía LK 9211 có khả năng kháng bệnh chồi cỏ trên diện tích 2 ha của ông Lê Văn Ái, xóm 3 (Nghĩa Đức) năng suất có thể lên đến 90 tấn/ha; hay một số mô hình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại mía để cây mía cho năng suất cao, phát triển bền vững ở xóm Tháp, xóm Xuân 2 (Nghĩa Liên)... Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Huyện tiếp tục chỉ đạo phòng NN& PTNT, Trạm Khuyến nông huyện triển khai thêm một số mô hình năng suất cao đối với cây mía làm đối chứng, đồng thời lồng ghép các nguồn để hỗ trợ bà con nông dân vùng nguyên liệu mía từng bước áp dụng các giải pháp kỹ thuật tăng năng suất cây trồng.
Như vậy, có thể thấy rằng trong bối cảnh quỹ đất đỏ bazan đang ngày càng thu hẹp do quá trình triển khai một số dự án nông nghiệp công nghệ cao của nhà đầu tư thì ở Nghĩa Đàn, huyện và bà con nông dân đã bắt đầu thực sự trăn trở để đạt hiệu quả cao nhất trên từng loại đất sản xuất. Không thể quảng canh, lại càng không thể tiếp tục “bóc lột” đất như trước, người dân trên vùng đất đỏ Phủ Quỳ Nghĩa Đàn phải mạnh dạn áp dụng các giải pháp kỹ thuật trên cơ sở một số mô hình đã khẳng định thành công thì khi đó mới hy vọng rằng vùng đất giàu tiềm năng và theo đó người dân cũng sẽ giàu.
Hữu Nghĩa