Khám phá Nghĩa Đàn: Đường Nguyễn Thị Minh Khai

Nguyễn Thị Minh Khai - nữ chiến sỹ cộng sản kiên cường. Cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tấm gương hy sinh anh dũng của chị Nguyễn Thị Minh Khai và các chiến sỹ cách mạng luôn sáng ngời cho muôn thế hệ mai sau.

 Đường Nguyễn Thị Minh Khai đặt theo tên của nữ chiến sỹ cộng sản kiên cường, một người con ưu tú của xứ Nghệ. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của chị được khắc ghi cho muôn đời con cháu mai sau với những tên đường, trường học và cả những học bổng mang tên Nguyễn Thị Minh Khai. Và tên của chị đã được đặt cho một con đường ở trung tâm hành chính huyện Nghĩa Đàn.

 Đây là một trong những con đường được hình thành sớm nhất trong quy hoạch, xây dựng và phát triển khu hành chính trung tâm huyện Nghĩa Đàn.  Đường Nguyễn Thị Minh Khai là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng trong phát triển đô thị và kinh tế - xã hội với chiều dài 1015m, chiều rộng 52m, nối từ Quốc lộ 48D đến đường 1/5. Đây cũng là một trong những con đường rộng rãi và đẹp nhất của Trung tâm hành chính huyện với giải phân cách được trồng cổ và cây xanh, với hai hàng điện chiếu sáng và cây xanh chạy dọc 2 bên đường, tạo nên một không gian lung linh, thoáng đãng khi về đêm và mát mẻ vào ban ngày. 

 Đường Nguyễn Thị Minh Khai chạy nhiều con đường như đường Võ Trọng Thiện, Phan Đình Lại, Phan Hữu Khiêm và đặc biệt, đường được bố trí giao nhau với đường Lê Hồng Phong - người chồng, người chiến sỹ cộng sản tiền bối - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng như một sự kết nối, gắn bó bền chặt của hai vợ chồng. Có nhiều cơ quan, công trình quan trọng của huyện đóng chân như: Quảng trường, Trung tâm Văn hoá, thể thao & truyền thông huyện, cơ quan Huyện uỷ, cơ quan Chính quyền huyện, BCH Quân sự huyện, các ngân hàng, hạt kiểm lâm…

 Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 30/9/1910 trong một gia đình công chức nhỏ, tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, lúc 9 tuổi, chị Nguyễn Thị Minh Khai đã được học chữ quốc ngữ tại trường nữ sinh của thành phố Vinh. Học hết lớp nhì trường nữ sinh, chị được chuyển sang học lớp nhất ở trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Lúc bấy giờ, tiếng bom của Phạm Hồng Thái mưu giết tên toàn quyền Merlin đang kích động mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, trí thức ở Nghệ Tĩnh. Được các thầy giáo hướng dẫn, chị Minh Khai tham gia các phong trào yêu nước với tất cả nhiệt tình của tuổi thanh niên. Chị vận động nữ sinh góp tiền mua hoa, mua vải may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu, nhà cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ. Tốt nghiệp tiểu học, chị Minh Khai ở nhà giúp mẹ bán hàng, ghi chép sổ sách và chăm lo công việc gia đình, vừa đảm đang việc nhà, vừa tham gia các hoạt động ở thành phố.

 Mùa hè năm 1927, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là người đầu tiên trong giới phụ nữ ở thành phố Vinh - Bến Thủy được kết nạp vào Hội Hưng Nam (sau đổi tên thành Tân Việt Cách mạng đảng) và được bầu vào Ban Chấp hành đại tổ (tức cấp thành bộ) Hội Hưng Nam, phụ trách công tác vận động phụ nữ. Năm 1929, chị thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng bí mật.

 Từ Đảng Tân Việt, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham gia Đảng C.ộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy và những làng lân cận. Ở nhà máy, đồng chí hòa mình trong phong trào công nhân, được công nhân yêu mến, tin cậy, do đó cơ sở đảng được xây dựng, phong trào đấu tranh phát triển.

 Mùa hè năm 1930, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được lệnh ra hoạt động ở Hải Phòng rồi từ đó được Đảng cử sang Hương Cảng làm việc tại Văn phòng Phương Nam của Bộ Phương Đông - Quốc tế Cộng sản. Tại đây, đồng chí được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện về lý luận cách mạng. Đồng chí làm liên lạc giữa Thị ủy Hương Cảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các tổ chức cách mạng Việt Nam, ở giữa mạng lưới dày đặc cảnh sát và mật thám của thực dân Anh. Trong thời gian ở Hương Cảng, đồng chí lấy bí danh là Cô Duy, Trần Thái Lan, Lý Huệ Phương…

 Năm 1931, đồng chí bị thực dân Anh cấu kết với thực dân Pháp và chính quyền phản động ở Quảng Châu bắt giam. Mặc dù bị tra tấn, đánh đập đồng chí không hề bị khuất phục. Nhờ sự can thiệp của Quốc tế Đỏ, năm 1933 đồng chí được trả tự do. Ra tù, đồng chí đổi tên là Thị Vai, tìm đến Thượng Hải bắt liên lạc với đồng chí Lê Hồng Phong và hoạt động trong Ban lãnh đạo của Đảng ở ngoài nước.

 Đầu năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng chồng là đồng chí Lê Hồng Phong được cử đi dự Đại hội lần thứ bảy Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Lần đầu tiên, với tên là Phan Lan, đồng chí đã đọc tham luận dõng dạc lên án chính sách xâm lược của thực dân Pháp, tố cáo tội ác dã man của chúng, nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ Đông Dương và phụ nữ Việt Nam. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ở lại học tại Trường Đại học Phương Đông.

 Vượt qua mạng lưới mật thám dày đặc của bọn đế quốc, đầu năm 1937 đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về đến Sài Gòn và được Trung ương Đảng phân công đến làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Thời gian này, đồng chí viết nhiều bài đăng trên báo Dân chúng, kêu gọi chị em phụ nữ Việt Nam noi gương phụ nữ Liên Xô hăng hái hơn nữa trong các phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột. Lời kêu gọi ấy đã cổ vũ chị em phụ nữ hưởng ứng tích cực các cuộc đấu tranh do Đảng ta lãnh đạo.

 Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Trung ương Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật và tập trung lực lượng chống chiến tranh đế quốc, giành độc lập dân tộc. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

 Mùa xuân năm 1940, chỉ vài ngày sau khi sinh đứa con đầu lòng và duy nhất, đồng chí Minh Khai đã phải xa con, tiếp tục công tác cách mạng. Lúc này, Nhật nhảy vào Đông Dương, một phong trào đấu tranh dâng lên sôi sục ở Sài Gòn - Gia Định và các vùng nông thôn Nam Bộ. Xứ ủy Nam Kỳ họp hội nghị nhận định tình hình và đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền. Sau hội nghị, cơ sở Đảng ở ngã sáu Bình Đông bị lộ. Ngày 30 tháng 7 năm 1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị sa vào tay giặc Pháp, giam tại bót Catinat. Chúng đưa đồng chí Lê Hồng Phong về nhận mặt chị để hòng có chứng cứ kết án xử tử hình cả hai người về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Nhưng chúng đã thất bại vì hai chiến sĩ dũng cảm của nhân dân ta không nhận một điều gì kể cả mối quan hệ vợ chồng với nhau. Tra khảo không được, giặc Pháp đưa đồng chí vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn.

 Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị khủng bố, toà án thực dân đã kết án tử hình Nguyễn Thị Minh Khai. Sáng  28/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai cùng một số đồng chí bị giặc đem xử bắn ở Hóc Môn. Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống khi mới 31 tuổi.

 Nguyễn Thị Minh Khai - nữ chiến sỹ cộng sản kiên cường. Cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, tấm gương hy sinh anh dũng của chị Nguyễn Thị Minh Khai và các chiến sỹ cách mạng luôn sáng ngời cho muôn thế hệ mai sau.

(Nguồn Bản tin Nghĩa Đàn)

Các tin khác

Công ty Syngenta Việt Nam trao giải đặc biệt cho khách hàng tại Nghĩa Đàn

Công ty Syngenta Việt Nam trao giải đặc biệt cho khách hàng tại Nghĩa Đàn

Nghĩa Đàn sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Căn cước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính” năm 2024

Nghĩa Đàn sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Căn cước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính” năm 2024

CÔNG ĐIỆN Chủ động, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 03-YAGI

CÔNG ĐIỆN Chủ động, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 03-YAGI

Tiếp tục tuyên truyền phổ biến lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số

Tiếp tục tuyên truyền phổ biến lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số

Cụm di tích lịch sử Hang Rú Ấm - Cây Đa Làng Trù huyện Nghĩa Đàn

Cụm di tích lịch sử Hang Rú Ấm - Cây Đa Làng Trù huyện Nghĩa Đàn

Thông báo tiếp nhận, tuyển dụng viên chức ngành giáo dục trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn năm 2024

Thông báo tiếp nhận, tuyển dụng viên chức ngành giáo dục trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn năm 2024

Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những mốc thời gian cần lưu ý

Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những mốc thời gian cần lưu ý

Kết quả đợt 3, Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Kết quả đợt 3, Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045