Dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền bắc Việt Nam” được thực hiện ở huyện Nghĩa Đàn với việc đào tạo nghề trồng rau sạch cho nông dân. Sau hai năm triển khai, dự án đã thực sự phát huy hiệu quả khi có nhiều nông dân tham gia sản xuất rau sạch dựa vào lợi thế của địa phương và từng bước thoát nghèo. |
Trong vụ Đông Xuân này Nghĩa Đàn có khoảng hơn 200ha rau sạch trong đó tập trung nhiều ở các xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Hội, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Lâm… Có thể nói, đây là năm Nghĩa Đàn có diện tích trồng rau sạch lớn nhất từ trước tới nay và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sản xuất rau sạch chiếm số lượng nhiều. Trước đây, bà con trồng theo kiểu manh mún và phụ thuộc nhiều vào hóa chất nên hiệu quả kinh tế vừa thấp lại không an toàn. Dự án phát triển cộng đồng các dân tộc ít người do Đan Mạch tài trợ được thực hiện tại Nghĩa Đàn từ năm 2010, đến nay đã mở được 23 lớp với trên 600 học viên tham gia học trồng bắp cải, dưa chuột, đậu leo. Bà Lê Thị Thanh Tâm - cán bộ hội nông dân huyện Nghĩa Đàn cho biết: Dự án trồng rau sạch được hội nông dân huyện Nghĩa Đàn triển khai hơn 2 năm nay đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hội cũng đã tiến hành mở nhiều lớp tập huấn, với số lượng học viên mỗi lớp là 30 người. Thời gian tới hội nông dân huyện sẽ tiếp tục triển khai ở các xã khác trên địa bàn. Việc đưa cây rau vào sản xuất nhằm thay đổi cách canh tác của người nông dân là một hướng đi mới đang mang lại hiệu quả kinh tế ở Nghĩa Đàn. Tuy nhiên để cây rau sạch Nghĩa Đàn có thương hiệu thì người nông dân cần được giúp đỡ trong đầu ra của sản phẩm, nhằm đưa cây rau trở thành cây chủ lục giúp người nông dân thoát nghèo. Đinh Thùy - Đài PTTH Nghệ An |