Đồng chí Hồ Tùng Mậu – Người cộng sản kiên trung, bất khuất, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng. Đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Để nghi nhớ công lao của đồng chí Hồ Tùng Mậu, không chỉ ở Nghĩa Đàn mà nhiều địa phương trên khắp cả nước đã lấy tên đồng chí đặt tên cho các trường học và đường phố.
Ở Nghĩa Đàn, đường Hồ Tùng Mậu thuộc địa phận Thị trấn Nghĩa Đàn, tuyến đường này được xem là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng trong phát triển đô thị và kinh tế - xã hội của huyện, với chiều dài 528m, chiều rộng 21m, được nối từ đường Lê Hồng Phong đến đường 1/5. Đây cũng là một trong số những con đường đẹp của Trung tâm hành chính huyện với giải phân cách được trồng hoa và cây xanh, có nhiều cơ quan, đơn vị đóng chân như: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách – xã hội, Kho bạc nhà nước, Bưu điện….
Đồng chí Hồ Tùng Mậu, sinh ngày 15/6/1896, trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” trong một gia đình - gia tộc có truyền thống khoa bảng và yêu nước lâu đời thuộc “giống dòng xứ Nghệ, thế phiệt Châu Hoan” tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Tháng 4/1920, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng nhiều thanh niên Nghệ Tĩnh bí mật sang Xiêm. Tại đây, Hồ Tùng Mậu tích cực tham gia các hoạt động yêu nước cùng các nhà yêu nước khác Việt Nam ở đây. Năm 1923, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã chủ động cùng với đồng chí Lê Hồng Sơn lập ra tổ chức Tân Việt Thanh niên Đoàn (còn gọi là Tâm Tâm xã), tập hợp một số thanh niên hăng hái kiên quyết cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc. Cũng tại nơi đây, nhóm Tâm Tâm đã gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vừa từ Liên Xô tới Trung Quốc (tháng 11/1924).
Tháng 6/1925, đồng chí Hồ Tùng Mậu, đồng chí Lê Hồng Phong đã tích cực giúp Nguyễn Ái Quốc xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là thành viên chủ chốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Giữa năm 1926, Hồ Tùng Mậu được cử sang Xiêm cùng đoàn cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại đây, Hồ Tùng Mậu đã tích cực xây dựng cơ sở chi hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong đồng bào Việt kiều ở Xiêm. Cuối năm 1926, Hồ Tùng Mậu trở lại Quảng Châu và tích cực giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc củng cố, phát triển Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức, gồm những người yêu nước của Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam.
Tháng 4/1927, trước sự phản bội của Quốc dân Đảng nhiều người cộng sản bị bắt giam, đồng chí Hồ Tùng Mậu bị bắt giam mấy tháng. Ra tù, đồng chí Hồ Tùng Mậu đi Nam Ninh và bị bắt lần thứ hai hơn một tháng. Nhờ các đồng chí ở Quảng Châu lấy danh nghĩa Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên can thiệp nên đồng chí Hồ Tùng Mậu được tha và bị trục xuất trở lại Quảng Đông. Tháng 12/1927, Quảng Châu bạo động, Hồ Tùng Mậu bị bắt giam lần thứ 3, hơn 1 tháng và lại được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên can thiệp nên Hồ Tùng Mậu được tha. Sau khi được trả tự do, đồng chí Hồ Tùng Mậu tiếp tục hoạt động tích cực trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Sau Đại hội tháng 5/1929, bàn về việc thành lập Đảng nhưng không thành, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên bị phân liệt, dẫn tới sự hình thành các tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Đứng trước nguy cơ phong trào cách mạng bị phân tán, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng đồng chí Lê Hồng Sơn một mặt tìm cách thuyết phục hai tổ chức thống nhất lại. Mặt khác, hai đồng chí cũng cử Lê Duy Điếm sang Thái Lan báo cáo tình hình cụ thể với Nguyễn Ái Quốc để tranh thủ ý kiến của Người. Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập cuộc họp các tổ chức cộng sản tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc để hợp nhất một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là trợ thủ đắc lực của Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu sự chuyển biến chính thức của Hồ Tùng Mậu từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản.
Sau cách mạng tháng Tám, đồng chí được giao nhiều trọng trách: Phụ trách Trường Quân chính Nhượng Bạn, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu IV, Ủy viên thường vụ liên khu ủy, Tổng thanh tra Chính phủ…Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí đều hăng hái nhiệt tình và phát động được cán bộ, nhân dân tích cực tham gia. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), đồng chí Hồ Tùng Mậu được bầu là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị đầu tiên. Ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác tại Liên khu IV, đồng chí đã bị máy bay địch phát hiện, đuổi bắn và hy sinh.
Tiếc thương và đau xót, điếu văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết để chúng ta hiểu thêm về con người đồng chí Hồ Tùng Mậu: “Chú Tùng Mậu ơi. Đành rằng sự mất, sự còn là luật chung của tọa hóa. Nhưng gặp lúc sinh ly tử biệt thì khó mà ngăn mối xót thương. Tôi gạt nước mắt, thay mặt Chính phủ, nghiêng mình trước Anh Hồn chú, và truy tặng chú Huân chương Hồ Chí Minh, để nêu công lao chú đối với đồng bào, đối với Tổ quốc”.
Nguyễn Quỳnh ( Ban Tuyên giáo Huyện ủy )