Xóm Lác thuộc xã Nghĩa Lạc có tổng diện tích tự nhiên là 1.395,5 ha. Xóm có 146 hộ, 669 nhân khẩu, 98% đồng bào dân tộc Thổ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15,8 %. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp so với hiện nay nhưng nhân dân đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo cùng phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, vào dịp tết Nguyên Đán, Câu lạc bộ Cồng Chiêng xóm Lác tổ chức lễ ra mắt. Việc thành lập Câu lạc bộ đã được các tổ chức ban, ngành đoàn thể và nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Khi mới thành lập Câu lạc bộ chỉ có 20 hội viên. Sáu tháng đầu năm, đã thu hút thêm 14 hội viên vào sinh hoạt. Tổng số hội viên hiện nay 34 là hội viên. Ban chủ nhiệm đã vận động các đồng chí bí thư chi bộ, xóm trưởng, các đồng chí đảng viên và trưởng, phó các ban, ngành xóm vào sinh hoạt. Câu lạc bộ đã được nhân dân, các tổ chức, cá nhân và nhân dân ủng hộ gần 5.000.000 đồng để gây dựng quỹ.
Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và các trò chơi ném còn, hát đối của dân tộc Thổ là nơi lưu giữ những nét tinh hoa trong văn hóa. Nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, câu lạc bộ tổ chức giao lưu cồng chiêng với các xóm bản như xóm Lung Hạ, xóm Mít, xã Nghĩa Lợi; xóm Tân, Nghĩa Lạc. Đồng thời, tổ chức hội thi cồng chiêng giữa các tổ liên gia với nhau giao lưu với nhau, qua đó, gửi gắm tình cảm đằm thắm vừa thể hiện năng khiếu nghệ nhân, múa chiêng đánh trống, thổi khèn, hát đối.
Tôi còn nhớ ngày đầu mới thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng, tôi hỏi một anh thanh niên cháu thấy thế nào? anh trả lời: Cháu rất vui và tự hào về nét đẹp văn hóa bản sắc của dân tộc Thổ, chúng cháu cần học hỏi các nghệ nhân thổi khèn, đánh cồng chiêng, học hát giao duyên, chính thế hệ trẻ chúng cháu phải kế thừa và phát huy văn hóa cồng chiêng... Tôi lại hỏi một chị là hội viên Hội Phụ nữ, chị nói: Cháu thấy hát đối và múa, đánh chiêng rất hay làm cho mọi người quên đi sự mệt mỏi, phụ nữ cần phải tham gia sinh hoạt và tạo cho con cháu nối nghiệp thế hệ cha ông. Thấy phấn khởi tôi hỏi thêm một bác cao tuổi, đó là bác Cẩn, năm nay bác đã 87 tuổi, bác mỉm cười và nói: Chiêng trống ngân nga, chỉ nhớ cội, nhớ nguồn, với ngôi nhà sàn xinh xắn. Bác có kiến nghị thêm: Câu lạc bộ Cồng chiêng cần tổ chức thêm vào các ngày lễ lớn như rằm tháng giêng, mồng 7 tháng giêng, khai hạ, cầu cho mưa, nắng thuận hòa, trung thu tháng 8 để các cháu thiếu nhi được tiếp cận. Hoạt động văn hóa thì nhiều, nhưng có thể nói cồng chiêng của dân tộc Thổ với giọng hát ban ôi đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu, được truyền tiếp nhiều thế hệ của nơi đây.
Cùng với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, đồng thuận của từng gia đình đến cộng đồng nên các tập tục lạc hậu đã được thay bằng nhận thức nếp sống mới. Trước đây, xóm Lác học sinh chỉ học đến lớp 7/10 hoặc 10/12 thế nhưng hiện nay, trong phong trào chăm lo công tác giáo dục đào tạo, xóm đã có 7 sinh viên đang học các trường đại học, ngoài ra các em học sinh còn học các trường dạy nghề tạo công ăn việc làm trên quê hương xóm Lác.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xóm tổ chức vận động nhân dân quyên góp xây dựng tường rào bao quanh khuôn viên hội quán nhà văn hóa, giá trị công trình hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn huy động bà con nhân dân tu sửa đường giao thông xóm bản, vận động nhân dân hiến đất giải tỏa hành lang làm đường giao thông.
Để ngày càng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng, chính quyền các ban, ngành xã, xóm cùng với Câu lạc bộ Cồng chiêng xóm Lác cần quân tâm xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo cách đánh chiêng, đánh trống, thổi khèn, hát thì mới tạo ra bản nhạc đậm đà sâu lắng. Câu lạc bộ Cồng Chiêng xóm Lác ra mắt với sự hưởng ứng đồng bộ của các mặt văn hóa hiện nay, tôi tin tưởng rằng bản sắc văn hóa dân tộc sẽ góp phần xây dựng làng văn hóa, cho dù thay đổi bao nhiêu thế hệ đi chăng nữa nét văn hóa cồng chiêng dân tộc vẫn còn giá trị và mãi mãi âm vang.
Lê Hữu Chi - Cán bộ nghỉ hưu xã Nghĩa Lạc