Chú trọng phát triển thương mại - dịch vụ

Một trong những khó khăn của huyện Nghĩa Đàn sau khi chia tách là hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ rất yếu kém. Vấn đề này, địa phương đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển. Tuy nhiên, hiện trạng chợ nông thôn xuống cấp, các hạ tầng dịch vụ khác chưa phát triển đang gây trở ngại cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Chợ nông thôn thiếu đồng bộ

Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, hiện có 17 chợ, ngoại trừ chợ Nghĩa Hội, đang trong lộ trình nâng cấp chợ hạng 2 còn các chợ khác chủ yếu đang ở hạng 4. Với lợi thế án ngữ trên trục Tỉnh lộ 531, chợ Nghĩa Hội trở thành địa chỉ quen thuộc, tập trung giao thương buôn bán trao đổi của hàng trăm hộ dân các xã vùng Đông Bắc huyện Nghĩa Đàn và một phần của các xã phụ cận huyện Quỳnh Lưu cũng như các địa bàn giáp ranh của tỉnh Thanh Hóa. Với diện tích gần 1 ha, hiện có 237 hộ kinh doanh buôn bán, sau 2 lần được đầu tư cải tạo nâng cấp, trong đó, năm 2010 đầu tư đình chính, diện tích 500m2, chợ Nghĩa Hội trở thành chợ đầu mối quan trọng nhất của huyện Nghĩa Đàn.


Khách mua hàng tại quầy tạp hóa chợ Nghĩa Hội.

Có mặt tại chợ Nghĩa Hội vào giữa buổi sáng, chúng tôi chứng kiến không khí nhộn nhịp mua bán của chợ đầu mối này. Sau khi nâng cấp, chợ đã được quy hoạch sắp xếp hệ thống các quầy hàng, ki-ốt một cách trật tự ngăn nắp. Hệ thống phòng chống cháy được lắp đặt đầy đủ với 2 bể dự trữ nước, mỗi bể 8m3, máy bơm, bình bọt chữa cháy... Ban quản lý chợ Nghĩa Hội có 3 người, tuy nhiên, sự quản lý khá chặt chẽ bởi những quy định được đặt ra và phổ biến kỹ lưỡng đến các hộ tiểu thương, như: quy định không được thắp hương, đốt vàng mã trong chợ, sử dụng dây điện 2 lớp, quy định thu gom rác vệ sinh môi trường...

Ông Lê Hữu Khoát, Trưởng ban Quản lý chợ Nghĩa Hội cho biết: “Ban thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh có ý thức bảo quản hàng hóa an toàn, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Ban cũng tham mưu cho UBND xã có hình thức xử phạt hành chính đối với những hộ không chấp hành, nhờ đó chợ Nghĩa Hội đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cũng được giữ vững”. Ngoài ra, để các hộ yên tâm kinh doanh và tham gia đầu tư ki-ốt, Nghĩa Hội cho các hộ hợp đồng thuê liên tục 5 năm, đảm bảo tính pháp lý. Hiện nay, chợ Nghĩa Hội thu phí và thuế mỗi năm gần 500 triệu đồng. Ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã thông tin thêm: “Xác định đây là chợ đầu mối lớn nhất huyện nên xã rất quan tâm trong công tác quản lý, vận hành hoạt động của chợ. Chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện để quy hoạch, từng bước đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn chợ loại 2, thúc đẩy thông thương trên địa bàn…”

Khác với chợ Nghĩa Hội, hầu hết các chợ nông thôn khác trên địa bàn Nghĩa Đàn đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Chợ Nghĩa Lộc có diện tích gần 5.000m2, nhờ gần tuyến giao thông đường mòn Hồ Chí Minh nên chợ cũng thu hút được khá đông khách hàng, không chỉ nhân dân trong xã Nghĩa Hội mà người dân ở xã Nghĩa Long của huyện Quỳnh Lưu cùng thường xuyên mua bán, trao đổi hàng hóa ở chợ này. Theo thống kê, hiện chợ có 250 hộ tiểu thương buôn bán kinh doanh. Điều làm chúng tôi băn khoăn là một chợ có khá đông các hộ kinh doanh nhưng hầu như đang trong trạng thái “tự nhiên”, chợ không được đầu tư nâng cấp, cải tạo. 3 dãy ki ốt sập sệ, nhếch nhác, rác thải tràn lan khắp toàn bộ bề mặt chợ.

Chưa hết, do chợ xây dựng trên mặt bằng không thuận lợi, dạng tam cấp trên đồi lại chưa có hệ thống thoát nước nên chỉ cần mưa to là nước chảy từ trên cao xuống, tràn vào cả từng dãy ốt. Một tiểu thương bán hàng tạp hóa ở chợ Nghĩa Lộc cho biết: “Có hôm chợ đang họp trời mưa to, do không cất xếp kịp, nước tràn về làm ướt hết hàng khô phía ngoài...”. Chợ Nghĩa Lộc hiện nay đang trong tình trạng “3 không”: không có ki-ốt kiên cố, không có hệ thống thoát nước và không có sự sắp xếp trong buôn bán, kinh doanh. Nguồn thu phí tại đây mỗi năm được khoảng 37 triệu đồng, nếu chia đều hàng tháng và hàng ngày thì mỗi ngày họp chợ chỉ thu được 100.000 đồng tiền phí chợ. Nguồn thu đó không thể đủ tích lũy để tái đầu tư, đó là chưa kể đến vấn đề không kiểm soát được việc thu, có thể dẫn đến thất thu (?).

Còn tại chợ Nghĩa Hiếu, cũng trong hiện trạng rất xuống cấp. Gọi là chợ theo cách nói quen thuộc thôi chứ ở đây thực chất chỉ là một nhóm ốt hình thành tự phát, chợ xép hình thành do thói quen của người dân địa phương. Như vậy, chợ không đạt theo các tiêu chí yêu cầu. Vì thế, cần thiết phải đầu tư xây dựng chợ mới để đảm bảo nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của bà con, nhất là đảm bảo theo yêu cầu bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Ngô Sỹ Bình, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đã có tờ trình xin lập dự án đầu tư xây dựng chợ Nghĩa Hiếu mới trên nền chợ cũ và một phần sân vận động đảm bảo diện tích quy hoạch 3.000m2 theo tiêu chuẩn chợ nông thôn mới. Cùng với việc hoàn thiện tiêu chí chợ, Nghĩa Hiếu đang nỗ lực hoàn thiện 3 tiêu chí còn lại để đạt xã chuẩn NTM vào năm 2015”.

Ông Lê Quang Nhung - Trưởng phòng Công thương huyện Nghĩa Đàn cho biết: Để nâng cấp toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn một lúc là rất khó nhưng huyện sẽ ưu tiên đầu tư theo phương án “cuốn chiếu”, trước hết là đầu tư đạt tiêu chí chợ đối với những xã về đích NTM trong năm 2015. Cùng với phát triển hạ tầng chợ nông thôn thì cũng sẽ xây dựng phương án quy hoạch thương mại - dịch vụ để có định hướng phát triển, thu hút các nguồn lực đầu tư.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng thương mại - dịch vụ

Ngoài hệ thống mạng lưới chợ nông thôn xuống cấp thì hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ khác trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Hiện tại, trên địa bàn có khoảng trên 5.000 cơ sở kinh doanh, trong đó có 18 HTX thương mại dịch vụ, còn lại là doanh nghiệp tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể. Mạng lưới cửa hàng bán lẻ cũng được đẩy mạnh phát triển với trên 500 cửa hàng, phân bố đều khắp các xã, trong đó có 40 cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, 41 cửa hàng dược phẩm, 6 cửa hàng kiêm kho cụm xã miền núi, 20 cửa hàng kinh doanh xăng dầu... Sau khi chia tách, hoạt động tài chính ngân hàng cũng đã có bước phát triển, đến nay với việc duy trì 5 tổ chức tín dụng đảm nhận tốt chức năng huy động vốn, cho vay đảm bảo cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn cũng đã có sự đầu tư tăng về số lượng, chất lượng dịch vụ.

Có thể nói, mặc dù hạ tầng thương mại dịch vụ trên địa bàn đã có bước phát triển nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, chưa tạo được vai trò quan trọng kích thích sự phát triển của nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống mạng lưới thương mại dịch vụ chưa quy hoạch hoàn chỉnh, chưa có định hướng về ngành nghề mũi nhọn, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật chưa được chú trọng đầu tư, nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng... Để thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, cần phải sớm quy hoạch, bố trí hạ tầng thương mại dịch vụ, đảm bảo yêu cầu vừa tập trung, vừa phân bố đều trên địa bàn, tạo không gian thương mại - dịch vụ phát triển rộng khắp từ trung tâm huyện đến các xã.

Trước hết cần phải tập trung kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng thương mại - dịch vụ tại trung tâm huyện, bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe... đồng thời đẩy mạnh phát triển tại các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch như: đô thị Nghĩa Sơn, thị tứ Nghĩa Lộc, thị tứ Nghĩa Hiếu, thị tứ Nghĩa Hồng và thị tứ Nghĩa Khánh... tạo cơ sở thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ tại các xã. Ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nghĩa Đàn xác định rõ kinh tế thương mại - dịch vụ vô cùng quan trọng, kích thích sự phát triển của nền kinh tế, do vậy, huyện sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, ưu tiên đầu tư hạ tầng tại vùng trung tâm thị trấn và các đô thị, thị tứ đã quy hoạch, tạo động lực thu hút các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện mạng lưới chợ nông thôn theo tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…”.

Hữu Nghĩa - Báo Nghệ An

Các tin khác

Hội nghị đánh giá kết quả xây dựng mô hình điểm “Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng ” tại Tân Hữu, Nghĩa Lộc

Hội nghị đánh giá kết quả xây dựng mô hình điểm “Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng ” tại Tân Hữu, Nghĩa Lộc

Hội thảo khoa học đánh giá 8 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An

Hội thảo khoa học đánh giá 8 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH triển khai nhiệm vụ quý IV

Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH triển khai nhiệm vụ quý IV

Gặp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam ( 13/10/2004 – 13/10/2024 )

Gặp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam ( 13/10/2004 – 13/10/2024 )

RA MẮT MÔ HÌNH TỔ TIẾT TK&VV BỀN VỮNG GẮN VỚI HOẠT ĐỘNG  CỘNG ĐỒNG TẠI XÓM ĐỒNG BAI, XÃ NGHĨA HỘI

RA MẮT MÔ HÌNH TỔ TIẾT TK&VV BỀN VỮNG GẮN VỚI HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG TẠI XÓM ĐỒNG BAI, XÃ NGHĨA HỘI

Đồng chí Ngô Văn Thành, Phó Chủ tịch HĐND huyện dự khai giảng tại Trường Mầm Non Nghĩa An

Đồng chí Ngô Văn Thành, Phó Chủ tịch HĐND huyện dự khai giảng tại Trường Mầm Non Nghĩa An

Ra mắt mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng tại bản Tòng Mòn

Ra mắt mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt động cộng đồng tại bản Tòng Mòn

Đoàn kiểm tra Sở Công thương làm việc với UBND huyện Nghĩa Đàn

Đoàn kiểm tra Sở Công thương làm việc với UBND huyện Nghĩa Đàn