“Biến phế liệu thành việc có ích”- Mô hình nhỏ, lợi ích lớn “Biến phế liệu thành việc có ích” là một trong những mô hình thực hiện Cuộc vận động phụ nữ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, năm 2019 khi Cuộc vận động bắt đầu triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo 23/23 xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện, đến nay 185 chi hội đã cụ thể hóa để thực hiện bằng việc xây dựng các mô hình, trong đó mô hình “Biến phế liệu thành việc có ích” được chị em phụ nữ hưởng ứng tích cực. Mỗi chi hội có một cách làm sáng tạo, để vừa bảo vệ môi trường vừa hỗ trợ, giúp đỡ chị em phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Chi hội phụ nữ Tân Quang, Nghĩa Hưng góp phế liệu
Trao con giống mang niềm vui đến cho người nghèo
Hưởng ứng Cuộc vận động phụ nữ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Chi hội phụ nữ xóm Trôi, xã Nghĩa Khánh đã xây dựng mô hình “Thu gom phế liệu thành con giống và triệu phần quà” đây là đơn vị ra mắt mô hình đầu tiên tại xã Nghĩa Khánh. Chi hội đã tích cực tuyên truyền, vận động chị em thu gom, phân loại tại nhà, định kỳ 6 tháng chi hội tổ chức thu gom lại để bán gây quỹ giúp đỡ các chị có hoàn cảnh khó khăn. Chi hội đã trao 04 con dê giống và hàng chục suất quà trị giá hơn 12 triệu đồng. Chị Lê Thị Loan là một trong những hội viên được trao tặng con giống, gia đình chị trước đây thuộc hộ nghèo của xóm, sau khi được trao tặng 02 con dê giống chị đã chăm sóc theo hướng dẫn để dê có thể phát triển, sinh sản tốt. Đến nay, dê đã sinh sản được nhiều lứa, những con dê con được sinh ra nay cũng đã trưởng thành và tiếp tục sinh sản góp phần thêm thu nhập cho gia đình chị, cũng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của chi hội và sự nổ lực của bản thân, gia đình chị đã thoát hộ nghèo. Tại Chi hội phụ nữ xóm Tân Quang, xã Nghĩa Hưng, định kỳ 6 tháng, cuối năm các chị nộp phế liệu tái chế để bán lấy tiền gây quỹ. Vào kỳ sinh hoạt, chi hội họp công bố nguồn quỹ và khảo sát các chị có hoàn cảnh khó khăn để mua con giống hỗ trợ. Từ năm 2019 đến nay chi hội đã tặng hơn 700 con gà giống, 90kg cám (thức ăn của gà) với tổng số tiền hơn 9 triệu đồng. Trong năm 2023 chi hội đã trao 120 con gà giống và 30 kg cám cho 02 chị Huỳnh Thị Hải và Ngân Thị Thủy là hội viên bệnh tật, ốm đau lâu dài. Các chị đã chăm sóc đàn gà giống để tăng thêm thu nhập cho gia đình, hiện nay đã tăng đàn gà lên hơn 150 con/chị. Đây là động lực để các chị vượt qua khó khăn, bệnh tật và tích cực tham gia các phong trào Hội.
Trao dê giống cho hội viên Lê Thị Loan, xóm Trôi, Nghĩa Khánh
Nghĩa tình từ tấm thẻ bảo hiểm y tế
Mô hình “Biến phế liệu thành thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)” được triển khai tại Chi hội phụ nữ xóm Tân thắng, xã Nghĩa Thành vào năm 2023, mô hình đã thu hút được 97 chị tham gia. Chi hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phân loại rác thải tại nhà, thu gom, phân loại rác thải tái chế gom lại để tạo ra nguồn quỹ mua thẻ BHYT tặng cho gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện tham gia BHYT. Từ năm 2023 đến nay chi hội đã trao tặng được 5 thẻ BHYT cho 5 hội viên với số tiền 2.367.000 đồng. Đơn cử như trường hợp của chị Trần Thị Nga, sinh năm 1982, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, chị lại bị bệnh hiểm nghèo. Chị tâm sự: “Tôi rất vui mừng và cảm động khi được chi hội tặng thẻ BHYT, mỗi lần đi viện tôi bớt lo lắng hơn vì được hỗ trợ phần chi phí khám, điều trị bệnh”.
Trao thẻ BHYT cho hội viên
“Biến phế liệu thành đồ dùng học tập”
Chi hội phụ nữ xóm Minh Diệu, xã Nghĩa Minh là xóm có 100% đồng bào dân tộc sinh sống, hầu hết chị em phụ nữ đều làm nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, số đông các chị còn có tâm ý e ngại tham gia sinh hoạt tập thể. Hưởng ứng Cuộc vận động phụ nữ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Chi hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thường xuyên quyét dọn đường làng, ngõ xóm, phân loại và thu gom rác thải tái chế tại nhà vừa đảm bảo môi trường vừa gom lại bán để gây quỹ ủng hộ các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Chị Lô Thị Vinh – Chi hội trưởng phụ nữ xóm Minh Diệu chia sẻ: “Xuất phát từ tấm lòng của một người mẹ, tôi thấy thương các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nhất là mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới. Ngoài việc mua gà giống tặng cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn thì tôi bàn bạc với chị em trong chi hội trích quỹ mua tặng các cháu đồ dùng học tập để tiếp sức các cháu đến trường”. Theo gương của chị Vinh, 68 chị em trong chi hội đều tích cực thực hiện, đến nay chi hội đã mua 14 bộ đồ dùng học tập tặng cho 14 cháu, tổng trị giá 4.900.000 đồng.
Thời gian triển khai thực hiện mô hình chưa lâu, sự hỗ trợ, giúp đỡ chưa được nhiều nhưng đã kịp thời động viên về vật chất, tinh thần để các chị tự tin vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Mô hình đã làm thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, hình thành ý thức phân loại rác thải tại nhà của chị em nói riêng, người dân nói chung góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Hiện nay mô hình đã được nhân rộng đến tất cả các chi hội trên địa bàn toàn huyện và mỗi chi hội có một cách làm riêng để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ, trẻ em khó khăn được giúp đỡ kịp thời.
Mai Phượng ( Ban Dân vận Huyện ủy )