Ngành văn hóa Nghĩa Đàn xác định xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bên cạnh xây dựng các danh hiệu văn hóa thì nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng.
Nhằm kiểm đếm lại những di sản hiện có và thực trạng hiện nay, năm 2013, huyện triển khai tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vất thể trên toàn địa bàn. Kết quả đã phản ánh nhiều di sản văn hóa đã bị lãng quên, bị thất truyền, trong đó có những tri thức bản địa về y học, tập quán, ngữ văn dân gian, lễ hội, ngôn ngữ, chữ viết, âm nhạc và nhiều thành tố văn hóa khác.
Để bảo tồn dân ca ví dặm xứ Nghệ trên địa bàn của huyện, năm 2012, ngành Văn hóa đã xây dựng và thành lập 2 câu lạc bộ Đàn và hát dân ca xã Nghĩa Hội và xã Nghĩa Khánh. Năm 2013, ông Nguyễn Nghĩa Hợi - Chủ nhiệm CLB Đàn và hát dân ca xã Nghĩa Hội đã được Hội văn hóa dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Hai CLB đã có nhiều sáng tác mới phát triển từ làn điệu Ví, Dặm ca ngợi đời sống con người và quê hương Nghĩa Đàn. Đặc biệt, tham gia các kỳ Liên hoan dân ca ví, giặm do tỉnh tổ chức đạt những giải cao. Trên cơ sở hoạt động thực tiễn của mô hình CLB Đàn và hát dân ca Ví, Dặm xứ Nghệ, Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao (TT-TDTT) huyện lập Kế hoạc phát triển mô hình câu lạc bộ văn hóa dân gian nhiều loại hình biểu diễn, diễn xướng khác nhau cho cộng động, đồng bào các dân tộc thiểu số, các loại hình sinh hoạt văn hóa này đã được đồng bào hưởng ứng. Các CLB văn hóa Cồng chiêng Kèn Xô Na của dân tộc Thổ hình thành và đi vào hoạt động như CLB Cồng chiêng Kèn Xô Na của Làng U, xã Nghĩa Thắng; làng Cáo, làng Bui xã Nghĩa Mai; làng Lung xã Nghĩa Lợi...
Vào tháng 11/2013, CLB làng U, xã Nghĩa Thắng và UBND xã Nghĩa Thắng đã đăng cai đêm hội Cồng chiêng với sự tham gia của các câu lạc bộ đến từ các xã trong huyện và 2 CLB đến từ các huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp. Qua đêm hội Cồng chiêng Nghĩa Thắng đã cho thấy nhu cầu được tham gia sáng tạo nghệ thuật, được biểu diễn của quần chúng là rất lớn. Thông qua những nghệ nhân dân gian, dòng chảy văn hóa được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác trong cộng đồng mỗi dân tộc.
Rút kinh nghiêm từ đêm hội Cồng chiêng Nghĩa Thắng, vào những ngày cuối năm 2013. Trung tâm Văn hóa TT – TDTT huyện tổ chức Đêm hội sắc xuân Nghĩa Đàn tại 2 địa điểm Thị trấn Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Lạc. Tại điểm thị trấn Nghĩa Đàn có sự tham gia biểu diễn của 2 CLB Cồng chiêng múa Sạp, múa Xòe, múa Xăng Khan, múa khắp của CLB xóm Đồng Sằng, xã Nghĩa Hội và xóm Đồng Nheo, xã Nghĩa Trung. Tại điểm xã Nghĩa Lạc, đêm hội cũng chính là Lễ ra mắt và trình diễn của 6 CLB văn hóa dân gian trong đó có 2 CLB Cồng chiêng dân tộc Thổ, 4 CLB múa Xòe, múa Sạp, Khắc luống, Cồng chiêng, Khắp, múa Xăng Khan của dân tộc Thái. Những cô gái Thái xúng xính trong trang phục váy thêu sửa cỏm, khăn Piêu, tay mang vòng bạc, thiếu nữ dân tộc Thổ, váy áo duyên dáng, tất cả đều lưu luyến trong đêm vũ hội rượu cần giã bạn, để rồi hẹn mùa xuân năm sau gặp lại.
Từ kết quả ban đầu, năm 2015, Trung tâm Văn hóa TT-TDTT huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình sinh hoạt văn hóa truyền thống và tổ chức hội diễn các CLB văn hóa huyện. Tổ chức giao lưu văn hóa luân phiên các cụm xã vùng sâu, vùng xa vùng có đồng bào các dân tộc. Tiếp tục giới thiệu quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về nét đẹp văn hóa đặc biệt là văn hóa truyền thống các dân tộc. Làm cho hoạt động văn hóa cơ sở thấm đẫm vào tất cả các hoạt động kinh tế xã hội, mọi tầng lớp nhân dân. Quan tâm đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở để ngày càng đáp ứng thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
Lương Bá Viện - Giám đốc Trung tâm Văn hóa TT-TDTT huyện