Huyện Nghĩa Đàn hiện nay có 12 xã về đích NTM, trong năm 2017, huyện tiếp tục phấn đấu về đích thêm 1đến 2 xã và 10 thôn, xóm về đích NTM. Tuy nhiên, một trong những tiêu chí khó khăn hiện nay chính là nâng cao tiêu chí thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Để đạt được tiêu chí này, nhiều xã về đích NTM đã có cách làm hay và sáng tạo.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mặc dù là xã thuần nông và có điểm xuất phát thấp, tuy nhiên, xã Nghĩa Hưng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2016, trong đó khó nhất chính là tiêu chí giao thông và tiêu chí thu nhập. Để nâng cao tiêu chí thu nhập, UBND xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất, tăng cường xuất khẩu lao động nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Vì vậy, bình quân thu nhập đầu người tăng từ 11 triệu/người ( năm 2011) lên 22 triệu đồng ( năm 2016 ), hộ nghèo chỉ còn 6,67%. Ông Trần Văn Long, phó chủ tịc UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: Để nâng cao tiêu chí thu nhập, xã triển khai nhiều biện pháp như: tăng cường xuất khẩu lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKTnhằm tăng hiệu năng suất cây trồng vật nuôi, liên kết đầu ra sản phẩm. Chính vì vậy, thu nhập của nhân dân xã Nghĩa Hưng không ngừng được nâng lên.
Để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, nông dân Nghĩa Hưng đã trồng xen lạc trong mía
Cũng như người dân ở Nghĩa Hưng, người dân ở xã Nghĩa Hiếu đã có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, như gia đình chị Hoàng Thị Thế, xóm Lê Lợi, Nghĩa Hiếu là một hộ gia đình tiêu biểu trong xây dựng NTM ở xã. Ngoài việc đóng góp về CSVC, hàng năm, gia đình chị còn xây dựng mô hình vườn ươm mở rộng các loại cây có múi, cây gỗ, mỗi năm cho gia đình thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng, giải quyết cho 4 - 5 lao động thường xuyên có thu nhập ổn định. Chị Hoàng Thị Thế, xóm Lê Lợi, xã Nghĩa Hiếu nói: Từ khi xã về đích NTM đời sống nhân dân đã không ngừng đổi thay. Bản thân gia đình tôi không ngừng học hỏi áp dụng KHKT vào ươm giống và hàng năm tạo ra nguồn sản phẩm năm sau lớn hơn năm trước, trừ chi phí cho thu nhập từ 6 trăm đến 7 trăm triệu/năm, ngoài ra tạo ra việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động.
Mô hình vườn ươm của gia đình chị Hoàng Thị Thế
Trong năm 2017, Nghĩa Tân cùng với Nghĩa Liên là 2 xã mới về đích NTM với 19 tiêu chí. So với 19 tiêu chí của những năm trước thì hiện nay tiêu chí thu nhập ngày càng khó hơn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, xã đã phát huy lợi thế về tự nhiên, con người và giao thông để đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và dịch vụ. Trong quá trình sản xuất, tăng cường các mô hình liên kết có hiệu quả, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ như: hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển và nâng cao thu nhập. Vì vậy, thu nhập đầu người tăng gấp đôi trong vòng 6 năm, từ 16,2 triệu đồng ( 2011 ) lên 31,5 triệu đồng/người năm 2017; số hộ nghèo giảm từ 7,8% xuống còn 2,5%; hệ thống trường học, y tế đạt chuẩn quốc gia...Ông Nguyễn Hữu Thanh, chủ tịch UBND xã Nghĩa Tân cho biết: Sau khi về đích NTM, để nâng cao cao các tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí thu nhập, xã tiếp tục tuyên truyền nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, liên kết với các nông trường đưa các giống cây có năng suất cao như cao su, cà phê, cam, quýt.., tăng cường liên kết trong sản xuất cũng như đầu ra sản phẩm.
Nghĩa Tân chú trọng phát triển các loại cây trồng có múi
Huyện Nghĩa Đàn có 25 xã, thị trấn nhưng mới đạt 12 xã về đích NTM, mỗi năm phấn đấu thêm 1 đến 2 xã và khoảng 10 thôn, xóm về đích NTM. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí NTM, trong đó tiêu chí thu nhập, đòi hỏi các xã tham gia xây dựng NTM không ngừng sáng tạo, học hỏi cách làm để có thêm thu nhập, tạo điều kiện cho việc xây dựng NTM ở từng địa phương ngày càng thuận lợi để đáp ứng các tiêu chí hơn./.
Hoàng Hằng - Ngọc Linh ( Đài Nghĩa Đàn )