90 NĂM, TỪ MÙA THU ẤY ĐẾN NAY

Tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm, xã Thọ Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Đức), đồng chí Võ Nguyên Hiến - cán bộ của Tỉnh uỷ (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ) đã tổ chức cuộc họp bàn việc thành lập chi bộ đảng.

Khi thực dân Pháp thực thi Chính sách khai thác thuộc địa, người dân Nghĩa Đàn phải trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề. Lúc này, lớp người trẻ tuổi ở Nghĩa Đàn đã tiếp thu mạnh mẽ những tác động từ các phong trào yêu nước đương thời; một số thành viên của các tổ chức yêu nước lên Nghĩa Đàn tập hợp lực lượng, gây dựng cơ sở, giác ngộ và truyền bá tư tưởng cứu nước trong thanh niên. Từ đó, đã lập nên Nhóm Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, xây dựng "Trại Cày" - đây là những tổ chức sơ khai ban đầu của những người cách mạng trên đất Nghĩa Đàn.

 Ngày 3-2-1930, một sự kiện chính trị có ý nghĩa quyết định của cách mạng Việt Nam đã diễn ra - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tạo ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Ngay sau khi được thành lập, một cao trào cách mạng dâng cao trong cả nước do Đảng ta lãnh đạo. Những người yêu nước Nghĩa Đàn đã tìm mọi cách để bắt liên lạc với cán bộ Tỉnh uỷ Nghệ An, được hướng dẫn cách thức hoạt động bí mật và giao nhiệm vụ gây dựng phong trào.

Tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm, xã Thọ Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Đức), đồng chí Võ Nguyên Hiến - cán bộ của Tỉnh uỷ (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ) đã tổ chức cuộc họp bàn việc thành lập chi bộ đảng. Sau khi báo cáo về việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 2 năm 1930, đồng chí Võ Nguyên Hiến tuyên bố thành lập chi bộ ghép gồm các đảng viên của hai xã Thọ Lộc và Cự Lâm. Chi bộ đảng đầu tiên của Nghĩa Đàn được chính thức thành lập với 5 đảng viên, do đồng chí Phan Đình Lại làm Bí thư chi bộ - đây là một trong những chi bộ Đảng được thành lập đầu tiên ở các huyện miền núi Nghệ An. Từ đây, ánh sáng của con đường cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đã bắt đầu dẫn đường, soi rọi và thôi thúc phong trào yêu nước của Nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn - Một trang sử mới hào hùng và vẻ vang được mở ra.

BCH Đảng bộ huyện, cán bộ, đảng viên, nhân dân và các cháu thiếu nhi

thăm Di tích lịch sử cách mạng Hang Rú Ấm (xã Nghĩa Đức) - ảnh: Thái Trường

Ngay sau khi thành lập, Chi bộ và sau này là Đảng bộ (được thành lập tháng 4/1931) đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh trong Cao trào cách mạng 1930-1931; Lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống bọn chủ đồn điền cướp đất và ra sức phục hồi Đảng bộ sau những trận khủng bố dữ dội của kẻ thù những năm 1932-1935; Lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai, rộng rãi của Nhân dân đòi các quyền dân sinh, dân chủ và duy trì lực lượng những năm 1936-1940.

Sau một thời gian tập trung khôi phục Đảng bộ, xây dựng phong trào và chuẩn bị tích cực giành chính quyền, sáng ngày 22 tháng 8 năm 1945, tại Cây đa Làng Trù, thực hiện Lệnh Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Uỷ ban khởi nghĩa huyện và với đội ngũ đảng viên làm nòng cốt, hàng ngàn quần chúng đã giương cao cờ, hô vang khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ kéo về huyện lỵ, bắt giữ tri huyện, thu giữ ấn tín và tuyên bố thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời và Uỷ ban Mặt trận Việt Minh huyện, giành chính quyền về tay Nhân dân. Từ đây, lịch sử Nghĩa Đàn bước sang một trang mới - Trang sử của nền độc lập, tự do.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với cả nước, Nghĩa Đàn bước vào công cuộc “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc". Đảng bộ Nghĩa Đàn đã nhanh chóng trưởng thành, lãnh đạo Nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền, Nhân dân trong huyện đã nỗ lực đoàn kết vươn lên đưa địa phương mình trở thành một căn cứ địa, hậu phương vững mạnh. Nhiều cơ quan, đơn vị kinh tế, quốc phòng, văn hóa của tỉnh, của Liên khu 4 và của cả nước bạn Lào đã đóng trụ sở, đặt công xưởng, mở trại sản xuất tại đây. Nghĩa Đàn đã tích cực chi viện cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Thượng Lào, Trung Lào và chiến trường chính Bắc bộ, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cả miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH và là hậu phương lớn để cùng miền Nam đánh giặc Mỹ. Cán bộ, đảng viên Nghĩa Đàn đã làm nòng cốt trong các phong trào sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cũng trong thời kỳ này, các nông trường Tây Hiếu, Đông Hiếu, 1-5, 19-5, Cờ Đỏ được thành lập và trở thành mô hình sản xuất tiên tiến mới của miền Bắc XHCN, làm nòng cốt và góp phần biến đổi to lớn cả về chính trị, kinh tế và văn hóa trên đất Nghĩa Đàn. Thật vinh dự và tự hào cho huyện Nghĩa Đàn và Nông trường Đông Hiếu khi vui mừng được đón Bác Hồ về thăm vào ngày 10/12/1961.

Với khẩu hiệu: "Một người làm việc bằng hai", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn đã tạo nên một làn sóng thi đua khắp mọi nơi và đã thu được nhiều thắng lợi lớn, kịp thời tiếp ứng cho chiến trường miền Nam và kiến thiết đất nước. Các kho quân sự lớn trên địa bàn, các tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam đi qua Nghĩa Đàn luôn là điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhưng quân và dân Nghĩa Đàn vẫn luôn trụ vững và đảm bảo thông xe trong mọi tình huống ác liệt nhất. Đảng bộ, chính quyền đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong huyện phấn đấu giành được những thành tích phi thường, đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến của cả dân tộc.

Với những thành tích và đóng góp to lớn đó, năm 1996, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Nghĩa Đàn.

Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với cả nước vừa phải khắc phục khủng hoảng kinh tế, vừa phải tiến hành cuộc chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước, Nghĩa Đàn còn phải gánh chịu và giải quyết những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra: bão lụt xẩy ra thường xuyên, rét đậm kéo dài, rồi nắng hạn gay gắt. Tuy vậy, hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền nhịp nhàng, chặt chẽ, đi vào nề nếp và có hiệu quả. Thực hiện tốt việc chặn được đà giảm sút của sản xuất và đời sống. Xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Công tác quân sự, quốc phòng và giữ vững an ninh trật tự được đảm bảo. Nhiều tổ chức đảng, nhiều đơn vị luôn dẫn đầu trong các phong trào thi đua, giữ vững danh hiệu đơn vị vững mạnh, xuất sắc. 

Trong thời kỳ đổi mới cho đến trước khi chia tách, Nghĩa Đàn là một trong những huyện luôn tiên phong, biết tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển, không ngừng đưa huyện nhà tiến nhanh trên con đường đổi mới, hoà nhịp với sự phát triển của đất nước. Kinh tế tăng trưởng khá cao và bền vững, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Văn hoá- xã hội có nhiều tiến bộ. Cơ sở hạ tầng, kiến trúc đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới nhanh chóng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ. Sự phát triển trên các lĩnh vực trong những năm đổi mới đã là nhân tố có tính quyết định việc chia tách huyện Nghĩa Đàn để hình thành và ra đời một đô thị mới - thị xã Thái Hoà được công bố thành lập vào tháng 5/2008. Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai cho Nhân dân và cán bộ huyện Nghĩa Đàn.

 Kể từ sau chia tách đến nay, Nghĩa Đàn đã tạo ra sự thay đổi lớn, có tính đột phá. Kinh tế phát triển nhanh và có tính bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực gắn với đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội theo hướng đổi mới, đáp ứng tốt nhu cầu và lợi ích thiết thực của nhân dân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, chăm lo xây dựng vững mạnh. 10 năm liên tục (2009 – 2018), Đảng bộ huyện được công nhận danh hiệu “Vững mạnh”; Nhân dân và cán bộ huyện được Đảng và Nhà nước trao tặng “Huân chương Lao động hạng Nhất – Lần 2” và còn nhiều phần thưởng cao quý khác. Một Nghĩa Đàn đang vươn lên mạnh mẽ để phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới và từng bước trở thành Trung tâm kinh tế Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao của tỉnh trong thời gian tới.

90 năm đã trôi qua, kể từ ngày có Chi bộ Đảng đầu tiên, từ 5 đảng viên của ngày đầu thành lập, đến nay Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã có 48 tổ chức cơ sở đảng, 332 chi bộ nhỏ và trên 6700 đảng viên (trước khi chia tách, Đảng bộ huyện có trên 9500 đảng viên). Qua các thời kỳ lịch sử với bao khó khăn và thách thức, các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trên mảnh đất Nghĩa Đàn luôn phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở mỗi đơn vị, nâng cao bản lĩnh của người đảng viên, tiên phong và gương mẫu trong các phong trào cách mạng để lãnh đạo và tập hợp các tầng lớp Nhân dân xây dựng nên một Nghĩa Đàn giàu mạnh như hôm nay. Thật đáng tự hào và trân quý biết bao!

Trở về với cội nguồn của 90 năm về trước để mỗi chúng ta hiểu biết hơn về những thành quả mà các thế hệ cha anh đã cống hiến và dựng xây, cũng là dịp để mỗi người suy ngẫm và thể hiện trách nhiệm của mình với mảnh đất Nghĩa Đàn thân yêu đang vươn lên trên con đường đổi mới.

                                                                                                      Phan Tiến Hải – PBT TT HU, CTHĐND huyện

Các tin khác

Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn  đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIX

Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIX

Nghĩa Đàn: Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ đảng viên thuộc đối tượng 4 năm 2024

Nghĩa Đàn: Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ đảng viên thuộc đối tượng 4 năm 2024

Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn họp cho ý kiến về  về xây dựng Quy hoạch vùng huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn  đến  năm 2050 và  tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025.

Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn họp cho ý kiến về về xây dựng Quy hoạch vùng huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025.

Nghĩa Đàn tổ chức trực tuyến thông tin thời sự định kỳ

Nghĩa Đàn tổ chức trực tuyến thông tin thời sự định kỳ

Nghĩa Đàn: Đại hội Hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 lần thứ II

Nghĩa Đàn: Đại hội Hội chiến sỹ thành cổ Quảng Trị năm 1972 lần thứ II

Trao  Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể, cá nhân

Trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể, cá nhân

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Huyện Nghĩa Đàn lần thứ 7 nhiệm kỳ 2020- 2025

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Huyện Nghĩa Đàn lần thứ 7 nhiệm kỳ 2020- 2025

Tuyên ngôn độc lập: Sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại

Tuyên ngôn độc lập: Sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại