Làng nghề chổi đót Hòa Hội, xã Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn mỗi năm sản xuất hơn 2 vạn chiếc chổi đót. Tuy đã được công nhận là làng nghề gần 10 năm nay nhưng làng nghề đang hoạt động đang theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thị trường tiêu thụ không ổn định. Những người gắn bó với nghề làm chổi đót Hòa Hội mong muốn đầu ra sản phẩm được ổn định để yên tâm sản xuất.
Sau mùa vụ, các gia đình trong xóm Hòa Hội lại cặm cụi làm chổi đót, nhà ít thì một, hai người, nhiều thì 5 đến 7 người. Làm chổi đót kỳ công, tỷ mỉ nhưng đã giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở Hòa Hội. Nguyên liệu thì không thiếu nhưng làm nhiều hay ít lại tùy thuộc vào khả năng tiêu thụ của từng gia đình. Hơn 80 hộ sản xuất chổi đót trong làng sau khi làm xong phải tự túc đi bán chổi khắp nơi, nhiều hộ gặp khó khăn nên phải sản xuất cầm chừng. Anh Nguyễn Hồng Phong là hộ sản xuất nhiều chổi đót nhất làng, mỗi năm khoảng 2 nghìn chiếc. Tuy có nhiều nhân lực nhưng anh cũng không phát triển thêm vì khó tiêu thụ. Sau khi chổi làm xong vợ chồng anh phải rong ruỗi khắp Hà Tĩnh, Thanh Hóa để bán chổi. Đó là đối với những hộ tìm được mối bán thì mới dám sản xuất nhiều. Nhiều gia đình như Bà Phạm Thị Kim thì mỗi năm làm khoảng 500 chiếc vì khâu tiêu thụ gặp khó. Bà Phạm Thị Kim chia sẻ: nguyên liệu thì có người đến nhập tận nơi nhưng bán thì mình phải bán từng chiếc. Mỗi chiếc chổi người ta quét được mấy tháng, có khi cả năm, nếu bán lẻ như thế thì được ít. Làm ra nhiều sợ ế nên chỉ dám làm vừa bán thôi. Nếu như có người nhập mà có người mua thì làng nghề đỡ vất vả hơn.
Do tiêu thụ khó khăn nên mỗi năm bà Phạm Thị Kim chỉ sản xuất 4 - 5 trăm chiếc chổi đót
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người làm chổi đót Hòa Hội đã đa dạng các mẫu mã với giá cả khác nhau từ 25 nghìn đến 50 nghìn đồng/ chiếc. Anh Nguyễn Thanh Tùng, người làm chổi đót lâu năm ở Hòa Hội chia rằng: ở nông thôn họ thích mua chổi to, dày để quét lúa nhưng đến thành phố mà bán chổi đó thì không ai mua. Vì vậy ngoài sản xuất chổi truyền thống, gia đình học tập kết chổi kiểu mới, đẹp hơn, gọn nhẹ hơn. Thị trường có nhu cầu kiểu nào mình làm kiểu đó. Tuy nhiên đi bán chổi rất vất vả, người có ô tô thì thuận tiện đi nhập ở các vùng ngoại tỉnh, còn không bà con đánh xe máy đi khắp nơi bán lẻ. Tuy vậy nhưng gắn bó với nghề rồi, hơn nữa nghề làm chổi cũng cho thu nhập hơn trồng lúa, lại tranh thủ được thời gian nông nhàn nên nhiều gia đình bám nghề. Mong muốn trong thời gian tới thị trường tiêu thụ sẽ có khởi sắc hơn.
Mẫu mã của chổi đót cũng được cải tiến để phù hợp với thị hiếu người mua
Trong thời gian qua hội liên hiệp phụ nữ huyện Nghĩa Đàn đã tổ chức dạy nghề chổi đót theo mẫu mới cho hội viên phụ nữ ở Hòa Hội. Tổ hợp tác liên kết sản xuất cũng được thành lập với 30 hội viên nhằm hỗ trợ nhau về vốn để mua nguyên liệu cũng như liên kết để tìm đầu ra. Các hội viên cũng mong muốn đây là cơ hội để sản phẩm chổi đót được tiêu thụ dễ dàng hơn, tuy nhiên bước đầu tổ liên kết cũng mới hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất chổi còn đầu ra sản phẩm thì vẫn đang loay hoay.
Bà Cao Thị Hà Chi, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất chổi đót Hòa Hội cho biết thêm: được hội phụ nữ dạy nghề, chị em cũng biết thêm nhiều cách kết chổi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hàng tháng chị em cũng họp lại rút kinh nghiệm trong cách làm, kết chổi. Tổ cũng huy động chị em đóng góp bước đầu mỗi chị 500 nghìn, 30 chị cũng được 15 triệu để hỗ trợ nguồn vốn cho chị em trong tổ khó khăn vay để mua nguyên liệu đầu vào. Trong thời gian tới, tổ sẽ đi tìm kiếm đầu ra ở các công ty, doanh nghiệp, trường học, hy vọng sẽ giúp những người làm chổi bớt khó khăn hơn trong tiêu thụ. Tuy nhiên cũng cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của cấp trên trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Từ khi được công nhận làng nghề, làng chổi đót Hòa Hội đã được đầu tư làm đường giao thông nông thôn. Chính quyền xã Nghĩa Hội cũng tìm nhiều giải pháp nhưng cũng chỉ dừng lại ở hỗ trợ, cho vay vốn giúp các hộ mua máy móc, nguyên liệu sản xuất. Ông Lê Văn Ngọc, phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội bộc bạch: được công nhận làng nghề năm 2007 nhưng trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy ủy ban thành lập hợp tác xã làng nghề nhưng chưa được, chỉ mới được gọi là ban quản lý làng nghề. Làng nghề phát triển rất tốt nhưng gặp khó khăn, khó khăn thứ nhất là về vốn để đầu tư, thư hai là đầu ra để có thương hiệu mang tính tập trung, hợp tác xã mang tính tư cách pháp nhân thì chưa có cho nên nhân dân tụ túc đi bán ở khắp nơi.
Làm chổi đót cho thu nhập khá cao nhưng vấn đề là đầu ra cho sản phẩm ?
Vốn là nghề phụ nhưng nghề làm chổ đót lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp. Tuy nhiên để làng nghề phát triển bền vững, ngoài việc người dân không ngừng phải nâng cao chất lượng, cải tiến kỹ thuật, thay đổi mẫu mã thì cần có sự giúp đỡ, vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức nhằm giúp sản phẩm được tiêu thụ dễ dễ dàng hơn.
Đinh Thùy - Đức Anh ( Đài Nghĩa Đàn )