Đường Lê Hồng Phong

Đường có chiều dài 2.017m và rộng 52m, được nối từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quốc lộ 48D) đến đường Ba Tơ và giao nhau với đường Nguyễn Thị Minh Khai - người vợ, người đồng chí của Lê Hồng Phong

 Các tuyến đường chính trên địa bàn thị trấn Nghĩa Đàn đã được chính thức được đặt tên theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 9 thông qua, tạo điều kiện cho việc xác nhận địa chỉ, quản lý đô thị cũng như lưu dấu lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào cho các thế hệ người dân địa phương. Ban biên tập Bản tin Nghĩa Đàn sẽ lần lượt giới thiệu về các tên đường trên địa bàn thị trấn Nghĩa Đàn để độc giả được biết.

 Trong 37 tuyến đường mang tên các danh nhân, địa danh, sự kiện lịch sử, có một con đường vinh dự được mang tên của nhà hoạt động cách mạng Việt Nam - đường Lê Hồng Phong.

 Đây là một trong những con đường đẹp nhất khu vực trung tâm hành chính của huyện với hai hàng cây xanh mát 2 bên và có giải phân cách được trồng hoa, cây cảnh tươi tốt; quy tụ nhiều cơ quan, công trình quan trọng của huyện đóng chân như: cơ quan Huyện ủy, UBND huyện, Trung tâm Chính trị, Công an, quảng trường…. Bên cạnh đó, đường Lê Hồng Phong cũng là tuyến đường quan trọng nối với nhiều con đường trọng điểm của huyện, tạo nên một hình ảnh Nghĩa Đàn rộng mở và kết nối.

 Đường có chiều dài 2.017m và rộng 52m, được nối từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quốc lộ 48D) đến đường Ba Tơ và giao nhau với đường Nguyễn Thị Minh Khai - người vợ, người đồng chí của Lê Hồng Phong. Ghi nhớ những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản quốc tế, tên ông đã được chọn đặt tên cho con đường trung tâm của huyện.

Đường Lê Hồng Phong

 Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902-6/9/1942) là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An, người chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 Đồng chí tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902, trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng.

 Sau khi học hết bậc Sơ học yếu lược, năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái bí mật sang Thái Lan, rồi Quảng Châu-Trung Quốc tìm con đường làm cách mạng và được gia nhập Tâm Tâm Xã.

 Năm 1924, Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin.

 Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, đồng chí đã chủ trì công việc của Đảng trong giai đoạn cách mạng bị địch khủng bố ác liệt sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và tham gia soạn thảo, triển khai "Chương trình hành động của Đảng" tạo bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam.

 Từ năm 1932 đến 1933, bằng năng lực, trí tuệ và quyết tâm phi thường, đồng chí Lê Hồng Phong đã bước đầu hoàn thành trọng trách mà Quốc tế Cộng sản giao cho, xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng.

 Tháng 3/1934, dưới sự chủ trì của Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được tiến hành. Với việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, mà vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đã có tác động hết sức to lớn đối với phong trào cách mạng trong nước. Trước hết là duy trì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, đồng thời, khẳng định sức sống mãnh liệt và vị trí lãnh đạo của Đảng, không một thế lực nào có thể dập tắt được.

 Tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản năm 1935, Đảng ta được công nhận là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Khi đó, Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng thành công, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

 Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí không những là người lãnh đạo kiên định và tài năng của Đảng, mà còn là tấm gương người cộng sản kiên cường.

 Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Ngày 23/12/1939 chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Ngày 20/1/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại khám Lớn, Sài Gòn. Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man. Thế nhưng đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù.

 Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/9/1942 sau khi đã nhắn lại "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

 Đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sỹ cách mạng tiền bối, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, chiến sỹ cách mạng kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Với bốn mươi tuổi đời, gần hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, tên tuổi của đồng chí gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của Đảng và dân tộc ta. Một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Những đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả, đạo đức trong sáng của đồng chí sống mãi trong lòng nhân dân. Đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi xứng đáng là tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường để các thế hệ người Việt Nam ngợi ca và học tập./.

(Nguồn Bản tin Nghĩa Đàn)

 

Các tin khác

Công ty Syngenta Việt Nam trao giải đặc biệt cho khách hàng tại Nghĩa Đàn

Công ty Syngenta Việt Nam trao giải đặc biệt cho khách hàng tại Nghĩa Đàn

Nghĩa Đàn sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Căn cước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính” năm 2024

Nghĩa Đàn sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Căn cước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, dịch vụ công trực tuyến và cải cách hành chính” năm 2024

CÔNG ĐIỆN Chủ động, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 03-YAGI

CÔNG ĐIỆN Chủ động, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 03-YAGI

Tiếp tục tuyên truyền phổ biến lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số

Tiếp tục tuyên truyền phổ biến lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số

Cụm di tích lịch sử Hang Rú Ấm - Cây Đa Làng Trù huyện Nghĩa Đàn

Cụm di tích lịch sử Hang Rú Ấm - Cây Đa Làng Trù huyện Nghĩa Đàn

Thông báo tiếp nhận, tuyển dụng viên chức ngành giáo dục trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn năm 2024

Thông báo tiếp nhận, tuyển dụng viên chức ngành giáo dục trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn năm 2024

Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những mốc thời gian cần lưu ý

Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những mốc thời gian cần lưu ý

Kết quả đợt 3, Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Kết quả đợt 3, Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045